Chủ tịch nước tham quan gian hàng trưng bày sâm Lai Châu - Ảnh: C. TUỆ
Tối 11-11, tỉnh Lai Châu tổ chức lễ khai mạc Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề "Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số bộ, ngành dự lễ khai mạc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với tiềm năng, sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác ở nước ta, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam thực thụ.
"Mục tiêu không phải là vài tỉ đồng hay vài chục tỉ đồng sau mỗi phiên chợ mà phải tiến tới mục tiêu tỉ USD giá trị sản xuất và xuất khẩu. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường, nhu cầu quốc tế trong thời gian qua.
Tôi mong muốn sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác cần xứng danh với tên gọi 'quốc bảo' của Việt Nam và chúng ta phải nỗ lực làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò 'quốc bảo' trong thiết kế dân sinh.
Điều đó cũng có nghĩa là giải quyết được cho nhiều người lao động, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng này có thu nhập cao, chứ không phải là làm thu nhập tốt cho một vài người" - Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước tham quan gian hàng trưng bày sâm Lai Châu - Ảnh: C. TUỆ
Theo Chủ tịch nước, để đạt được tầm nhìn và mục tiêu nói trên thì còn nhiều công việc cần chúng ta phải sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản. Không để cho từng địa phương Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam... hoạt động manh mún, tự "bơi" trong triển khai chiến lược mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện hơn nữa từ Chính phủ và các bộ, ngành.
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ cùng tỉnh Lai Châu quan tâm đến công tác bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm, trong đó có sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số cây sâm khác, phổ biến những ưu điểm vượt trội của sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự.
Theo Chủ tịch nước, Việt Nam là một quốc gia đi sau nhiều nước trong chiến lược thương mại hóa cây sâm và sản phẩm từ sâm, nên cần chú trọng phát triển bền vững, bài bản. Lưu ý chất lượng sản phẩm, quy mô, bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sâm, tăng giá trị thông qua các sản phẩm từ sâm...
Chủ tịch nước cũng đề nghị nghiên cứu thêm giá trị lịch sử, xây dựng sự tích cho cây sâm Lai Châu từ câu chuyện thực tiễn chứ không phải giai thoại không được kiểm chứng. Đẩy mạnh tuyên truyền giá trị độc đáo của sâm Việt Nam, trong đó có sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh để cạnh tranh với các cường quốc sâm như Hàn Quốc, Trung Quốc...
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước đã trao tặng cây sâm giống cho một số người dân tỉnh Lai Châu - Ảnh: C. TUỆ
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Lai Châu với mục tiêu giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đến phát triển sâm Lai Châu.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của cây sâm và các sản phẩm từ sâm, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.