Logo thành phố Cần Thơ - Tác giả: Hoàng Xuân Hiếu (Giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường Đại học Nghệ thuật Huế).
Dự án GIC Việt Nam là một hợp phần của chương trình Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm, thuộc sáng kiến toàn cầu ‘Một thế giới không nạn đói’ (One World - No Hunger) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ, thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại 15 nước Châu Phi và Châu Á. Với tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, Dự án GIC Việt Nam là gói cam kết hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Đức, được phối hợp thực hiện bởi GIZ, Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn ( Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và chính quyền 6 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng. Dự án thực hiện trên hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực là lúa gạo và xoài. Mục tiêu của dự án GIC là hỗ trợ cải thiện thu nhập cho các hộ sản xuất nhỏ, tạo thêm việc làm, nâng cao khả năng chống chịu của các chuỗi giá trị lúa gạo và xoài thông qua các mô hình kinh doanh có tính cạnh tranh đồng thời giảm thiểu tác động môi trường.
Dự án đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc triển khai 10 giải pháp tiên tiến dành cho nông hộ, bao gồm 6 giải pháp cho chuỗi giá trị lúa gạo: (1) Canh tác Lúa gạo Bền vững (SRP), (2) Phương pháp canh tác tưới nước ngập & khô xen kẽ (AWD), (3) Quản lý Mức Tồn dư Hóa chất Tối đa (MRL) và Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), (4) Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên tôm – lúa, (5) Quản lý rơm rạ, (6) Lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS), và 4 giải pháp cho chuỗi xoài: (1) Kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho cây xoài, (2) Quản lý dinh dưỡng trong đất, (3) Tưới tiêu bền vững, (4) Quản lý Mức Tồn dư Hóa chất Tối đa (MRL) và Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Không chỉ dừng lại ở cấp nông hộ, dự án cũng đã xác định các giải pháp đổi mới cho các hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm Quản lý kinh doanh cho hợp tác xã (gạo), Canh tác theo hợp đồng (gạo), Cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ nông nghiệp (gạo), Kinh doanh sản phẩm thương hiệu (gạo và xoài), Quản lý thất thoát sau thu hoạch (xoài). Những đổi mới này giúp nâng cao năng suất, giảm tác động môi trường và tăng tính bền vững cho sản xuất nông nghiệp.
Số liệu từ các kỳ đánh giá Dự án GIC chỉ ra rằng, đến hết năm 2024, đã có hơn 20.000 nông dân được tiếp cận các kiến thức về đổi mới sáng tạo, những công nghệ và thực hành khác nhau trong canh tác lúa và xoài. Một số chỉ tiêu Dự án tiến hành đánh giá trên mô hình sản xuất lúa cho thấy: Lượng nước tiêu thụ giảm 28%. Lượng phân bón hóa học giảm 8,6%. Lượng phát thải khí nhà kính giảm 63% so với kịch bản sử dụng phương thức sản xuất truyền thống. Số hộ trồng lúa đạt yêu cầu về giới hạn dư lượng tối đa thuốc BVTV theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu tăng 21%. Kết quả đánh giá cũng chỉ ra rằng, những hộ áp dụng một số ĐMST mà dự án thúc đẩy như FBS và SRP thu được lợi nhuận trung bình cao hơn khoảng 8-11% so với những hộ không áp dụng. Đối với mô hình xoài: Lượng phân bón hóa học giảm 25%. Thời gian bảo quản tăng 500% (từ 7 ngày lên 35 ngày). Năng suất tăng 29%. Thu nhập bình quân tăng 20%.
Dự án cũng đã thu hút sự tham gia của 294 hợp tác xã cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở trong chuỗi giá trị, hỗ trợ công tác quản trị và kinh doanh của 91 hợp tác xã lúa gạo và 39 DNVVN chuỗi xoài, hỗ trợ thử nghiệm 43 mô hình canh tác theo phương thức đổi mới sáng tạo cho hiệu quả kinh tế cao hơn, phát thải thấp hơn so với các mô hình áp dụng phương thức truyền thống. Số liệu cũng cho thấy 85% DNVVN cải thiện ít nhất 3/5 chỉ số kinh doanh chính, 307 việc làm được tạo mới, trong đó có 174 việc làm dành cho nữ lao động (57%), và 178 việc làm dành cho thanh niên (58%). Những kết quả đó khẳng định Dự án GIC đã hoàn thành tốt, thậm chí nhiều chỉ tiêu đã vượt so với kế hoạch ban đầu đề ra.
Sau hơn 4 năm triển khai từ 2021 – 2025, Dự án đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực, ý nghĩa. Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, những bài học kinh nghiệm cùng các đổi mới sáng tạo đã thực hiện từ Dự án GIC sẽ là những công cụ, giải pháp hữu ích thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam, trước mắt, những kinh nghiệm từ Dự án sẽ có đóng góp thiết thực cho việc triển khai thực hiện các Đề án quan trọng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng ĐBSCL đến năm 2030”.
Ngoài ra, bằng cách tích hợp các giải pháp đổi mới sáng tạo vào hệ thống sản xuất sẵn có của địa phương ví dụ như phương pháp Lớp học Kinh doanh cho nông dân được lồng ghép vào Chương trình Đào tạo nghề Kinh doanh nông nghiệp quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Dự án GIC không chỉ đảm bảo tính bền vững của các mô hình đã triển khai mà còn tạo điều kiện cho việc nhân rộng trên quy mô lớn. Những thành tựu này không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Việt Nam mà còn đóng góp vào an ninh lương thực quốc gia và thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Thông tin về Hội nghị
Hội nghị Tổng kết Dự án GIC sẽ diễn ra trong hai ngày:
Ngày 9/3/2025: Thăm quan mô hình hợp tác xã New Green Farm tại Cần Thơ, chia sẻ thực tiễn thành công và giao lưu với các hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia dự án.
Ngày 10/3/2025: Hội nghị chính thức tại Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ với các phiên trình bày kết quả dự án, chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương, tọa đàm chuyên đề về nhân rộng các mô hình đổi mới sáng tạo và hợp tác công - tư trong phát triển bền vững.
Chủ trì Hội nghị:
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng;
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ;
Đại diện Đại sứ quán Đức.
Thành phần tham dự:
Đại biểu Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Môi trường:
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.
Đại diện các Bộ, Ngành liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Các địa phương:
Đại diện 06 tỉnh, thành phố tham gia Dự án: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang: Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; Ban Quản lý dự án GIC/ Sở Nông nghiệp và PTNT/ Chi cục Phát triển nông thôn/ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật/ Trung tâm Khuyến nông; Đại diện HTX trong Dự án;
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục Phát triển nông thôn 07 tỉnh: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre;
Các tổ chức quốc tế, tổ chức nghiên cứu và các thành phần khác:
Đại diện một số doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo và trái cây; Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam; Hiệp hội rau quả Việt Nam.
Các tổ chức quốc tế liên quan.
Các viện, trường, tổ chức liên quan: Trường đại học Cần Thơ; Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Trường đại học An Giang; Trường đại học Kiên Giang; Trường đại học Nông Lâm TP.HCM
Báo chí, đài phát thanh truyền hình.
Đại diện phía Đức
Đại sứ quán Đức;
Giám đốc quốc gia GIZ;
Phó giám đốc quốc gia GIZ kiêm Điều phối viên Cụm các dự án Môi trường, nông nghiệp và khí hậu
Giám đốc dự án GIC Việt Nam