Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất trong 16 năm qua

TH
Trong giai đoạn 2006 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu sau 16 năm đã giảm 30,3%, từ mức 58,2% năm 2006 xuống 27,9% của năm 2021.

Theo Báo cáo Khảo sát mức sống dân cư các năm của Tổng cục Thống kê, năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 15,5%; đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,4%.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2006 tính theo chuẩn nghèo là 15,5%. Tỷ lệ hộ nghèo của thành thị, nông thôn và các vùng năm 2006 đều giảm so với các năm trước đó. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (4,6%), vùng Tây Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (39,4%).

Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (0,2%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (13,4%).

Trong 63 địa phương, 10 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 – 2021, gồm: Lai Châu, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Bình, Bắc Kạn, Đắk Nông và Đắk Lắk.

Trong đó, Lai Châu là tỉnh có có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 - 2021. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,2% năm 2006 xuống 27,9% năm 2021. Như vậy, sau 16 năm, tỷ lệ hộ nghèo của Lai châu đã giảm tới 30,3%.

Sau Lai Châu, Hà Tĩnh là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh thứ hai cả nước trong cùng giai đoạn, khi giảm từ 31,5% năm 2006 xuống còn 5,9% năm 2021. Tỉnh Hòa Bình cũng có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ mức 32,5% năm 2006 xuống còn 8,2% năm 2021. Tiếp theo là Thanh Hóa có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,5% năm 2006 xuống còn 6,3% năm 2021, Lào Cai từ 35,6% năm 2006 xuống còn 14,8% năm 2021.

Quảng Trị có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28,5% năm 2006 xuống còn 8,1% năm 2021, Quảng Bình có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,5% năm 2006 xuống còn 7,7% năm 2021. Bắc Kạn có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 39,2% năm 2006 xuống còn 20,6% năm 2021. Đắk Nông có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,5% năm 2006 xuống còn 8,2% năm 2021. Đắk Lắk có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,3% năm 2006 xuống còn 7% năm 2021.

Sau 16 năm, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Bình, Bắc Kạn, Đắk Nông và Đắk Lắk có tỷ lệ hộ nghèo giảm lần lượt là 25,6%; 24,3%; 21,2%; 20,8%; 20,4%; 18,8%; 18,6%; 18,3% và 17,3%.

Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất trong 16 năm qua ảnh 1

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 đặt mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, tại cuộc làm việc của Ủy ban Xã hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế thực hiện Chương trình.

Một số nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2022 là: Chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào "vùng lõi nghèo" là các huyện nghèo và đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân.

Đối với địa bàn huyện nghèo, từng bước thực hiện mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tạo động lực phát triển địa bàn nghèo trên cơ sở tập trung, lồng ghép nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trọng tâm lấy phát triển kinh tế vùng, địa phương để giảm nghèo bền vững thông qua triển khai các dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

Cơ cấu thu nhập chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ

Ở một khía cạnh khác, theo khảo sát mức sống dân cư 2021, trong giai đoạn 2010 - 2021, số nhân khẩu bình quân một hộ giảm nhẹ qua các năm, từ 3,9 người/hộ năm 2010 xuống 3,6 người/hộ năm 2021. Tỷ lệ phụ thuộc của hộ gia đình năm 2021 là 0,71. Tỷ lệ phụ thuộc của các hộ dân cư thuộc khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (0,76% so với 0,64%).

Tỷ lệ này giảm dần theo 5 nhóm thu nhập, các hộ có thu nhập càng cao thì tỷ lệ phụ thuộc càng giảm. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ lệ phụ thuộc cao nhất cả nước (0,8%), thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ (0,5%).

Thu nhập bình quân đầu người trong một tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,2 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người trong một tháng năm 2021 ở khu vực thành thị đạt 5.,4 triệu đồng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng).

Trước năm 2019 thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên sau 2019 do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập có xu hướng giảm dần. Tốc độ giảm thu nhập ở khu vực thành thị nhiều hơn so với khu vực nông thôn. So với năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong một tháng năm 2021 ở khu vực thành thị giảm 3,6%, trong khi thu nhập bình quân đầu người trong 1 tháng ở khu vực nông thôn không thay đổi đáng kể.

Trong năm 2021, vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (5,79 triệu đồng/người/tháng) và thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,83 triệu đồng/người/tháng).

Nhóm gồm 20% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người trong 1 tháng đạt 9,2 triệu đồng cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất.

Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Tỷ trọng các khoản thu từ tiền công, tiền lương có xu hướng tăng dần từ năm 2010 đến nay, từ 44,9% năm 2010 lên đến 56,7% năm 2021. Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống còn 10,8% năm 2021.

Khảo sát mức sống dân cư 2021 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 47.000 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Khảo sát mức sống dân cư 2021 sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp để thu thập các thông tin nhằm tính toán các chỉ tiêu về nghèo đa chiều, thu nhập và một số chỉ tiêu liên quan khác.