Lâm Đồng: Định hướng phát triển bền vững cây trồng xen

Trồng xen cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong vườn cà phê có thể xem là một giải pháp vừa tăng thu nhập bền vững, hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích canh tác, vừa tạo môi trường sinh thái ổn định, đối phó với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
images2500673-t3a-hinh-1-29-1670851843.jpg
Trồng xen cây ăn quả vào vườn cà phê đem lại thu nhập cao cho nông dân

Từ năm 2016, ông Nguyễn Thanh Nghị, thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc chuyển dần 2 ha cà phê thuần sang trồng cà phê kết hợp xen canh các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, mít thái… Hằng năm, diện tích này đem lại mức thu nhập trên 600 triệu đồng. Để có được mức năng suất cao và giá trị ổn định như vậy, phương châm mà ông Nghị đưa ra đó là trồng xen cà phê với các loại cây trồng khác và sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Ông Nghị cho biết, sau khi tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, ông được biết trồng xen là biện pháp canh tác bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu vì: Các loại cây trồng xen (sầu riêng, bơ, mắc ca...) có bộ tán rộng, tầng tán cao nên có thể sử dụng như một loại cây che bóng cho cà phê, điều hòa không khí, giữ được độ ẩm, tạo cảnh quan. 3 năm trở lại đây, sản lượng cà phê nhà ông ổn định ở mức 7 tấn, diện tích trồng xen cho thu nhập cao và ổn định. “Trồng xen là thực hiện đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, cộng hưởng về lợi ích giữa các sản phẩm, phân tán rủi ro; đây là hướng đột phá để nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích; gia tăng thu nhập bền vững của bà con nông dân”, ông Nghị thông tin.

Tương tự, gia đình chị Ka Sen, Thôn 1 (xã Tân Lâm) trồng cây ăn quả xen trong 3 ha cà phê. Chị Ka Sen chia sẻ, cà phê là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính cho bà con nông dân ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế giá cà phê trong những năm qua bấp bênh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Trăn trở đâu là hướng đi mới, mà vẫn giữ được cây cà phê sao cho ổn định, bền vững và tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình, chị cũng như nhiều hộ đồng bào trên địa bàn đã tích cực tìm hiểu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh nhiều loại cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập bền vững trên cùng đơn vị diện tích.

“Năm 2014, tôi phá bỏ bớt cà phê để trồng xen 50 cây sầu riêng Dona trong vườn cà phê. Sầu riêng cho thu, giá bán trung bình tại vườn từ 40 - 45 ngàn đồng/kg, thấy hiệu quả kinh tế cao, qua năm 2020, tôi tiếp tục trồng thêm 100 cây sầu riêng. Ngoài ra, tôi còn trồng 100 cây bơ 034, hass, booth. Năm 2022, gia đình thu hơn 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, chị Sen cho biết. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, trồng xen trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đó là diện tích trồng xen tăng nhanh, nhất là sầu riêng và bơ; tổng diện tích toàn huyện đạt gần 7.000 ha cây trồng xen, sản lượng đạt khoảng 18.000 tấn, trong đó: sầu riêng trên 10.000 tấn, bơ 6000 tấn, hồ tiêu 1500 tấn, tổng giá trị khoảng 581,64 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 150 triệu đồng. 

Ông Đặng Văn Khá - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh cho biết, cùng với cây chủ lực cà phê, thời gian qua, huyện Di Linh đã phát triển mạnh cây trồng xen để phá vỡ thế độc canh của cà phê; các loại cây trồng xen như: sầu riêng, bơ, mắc ca, hồ tiêu… bước đầu đem lại hiệu quả thu nhập vượt trội so với trồng thuần cà phê. Qua khảo sát thực tế từ nhiều vườn cà phê trồng xen của bà con nông dân trên địa bàn huyện, tính toán cho thấy hiệu quả thu nhập bình quân cho 1 ha trồng xen sầu riêng gấp 4,9 lần so với trồng thuần cà phê; trồng xen bơ gấp 3,9 lần; trồng xen hồ tiêu gấp 1,75 lần, trồng xen mắc ca gấp 2,11 lần. 

Tuy nhiên, việc trồng xen các loại cây này trong vườn cà phê của địa phương còn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết trong sản xuất và chưa có đầu ra ổn định. Nhằm bảo đảm việc trồng xen trong vườn cà phê mang lại hiệu quả cao, bền vững, thời gian tới, địa phương cần xác định cây trồng xen cụ thể, phù hợp, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hình thức trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã; thống nhất quy trình sản xuất, làm cơ sở để xây dựng các chuỗi liên kết giá trị. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thực hiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội trợ triển lãm thương mại của khu vực và TP Hồ Chí Minh; tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. 

Cùng đó, thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa kênh phân phối và đa dạng hóa sản phẩm tiêu thụ; mỗi phân khúc thị trường cần có sản phẩm đặc trưng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của nhóm người tiêu dùng. Sản phẩm cây trồng xen là hướng tới thị trường xuất khẩu, như vậy, phải lấy mục tiêu chất lượng, thương hiệu sản phẩm là yêu cầu số 1 của sản xuất; phải có chỉ dẫn địa lý, mã hóa vùng trồng, định danh sản phẩm, sản phẩm trồng xen phải được cấp chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc.