Lâm Đồng: Phát triển sầu riêng đạt chất lượng, hiệu quả và bền vững

Lâm Đồng là địa phương có vị trí địa lý, khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi phát triển cây sầu riêng quy mô lớn, chất lượng cao. Để sản phẩm sầu riêng vươn ra thị trường, đặc biệt là xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp trong tổ chức trồng trọt, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

461135013-1247502186693949-4215169940378327515-n-1727922571.jpg

Lâm Đồng phát triển sầu riêng đạt chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Cụ thể tại huyện Di Linh có hơn 6.000 ha trồng sầu riêng; đồng thời, Di Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Di Linh”. Toàn huyện Di Linh đã được cấp 15 mã vùng trồng sầu riêng, gồm 1 mã chung được cấp năm 2022 và 14 mã riêng được cấp vào năm 2023, với diện tích 624,82 ha, sản lượng đăng ký khoảng 19.019 tấn. Có 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã với tổng diện tích nhà xưởng 4.269 m2.

Theo đó, UBND huyện Di Linh tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng UBND cấp xã tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp để phát triển sầu riêng đạt chất lượng, hiệu quả và bền vững trên địa bàn.

Trung tâm Nông nghiệp tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; điều tra, theo dõi, phòng trừ sinh vật gây hại; thực hành sản xuất VietGAP, GlobalGAP, Organic, tuần hoàn; thiết lập mã số vùng trồng. Phòng Kinh tế và Hạ tầng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết đầu tư cơ sở chế biến và tiêu thụ sầu riêng; quảng bá vùng sản xuất sầu riêng trên sàn giao dịch nông sản; cung cấp thông tin thị trường cho tổ chức, cá nhân trồng sầu riêng. Phòng Tài chính - Kế hoạch triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến, nhất là chế biến sâu và cấp đông; kết nối giữa doanh nghiệp thu mua trong và ngoài tỉnh với cá nhân, tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng sầu riêng.

Về phía UBND các xã, thị trấn Di Linh khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng đất đai không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới tiêu; không tự phát chặt phá cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng ồ ạt, thiếu kiểm soát, không theo định hướng vì có thể dẫn đến cung vượt cầu, giá thành thấp và kém hiệu quả kinh tế.

Với những giải pháp triển khai đồng bộ nói trên, toàn huyện Di Linh phấn đấu đạt mục tiêu phát triển diện tích sầu riêng đến năm 2030 khoảng 6.500 ha, sản lượng trên 100.000 tấn, tăng 65.000 tấn so với năm 2024. Trong đó phân bổ ở các xã Hoà Nam, Đinh Trang Hoà, Hoà Bắc, Hoà Trung, Liên Đầm, Đinh Lạc, Tân Thượng, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật tưới nước, bón phân tiết kiệm, chủ động phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa, rải vụ thu hoạch.

Đặc biệt gắn phát triển vùng sản xuất tập trung với hình thành chuỗi liên kết từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn để thu hút đầu tư chuyên canh sầu riêng đạt yêu cầu chất lượng, hiệu quả và bền vững của cao nguyên Di Linh.

Bên cạnh đó, huyện Đạ Tẻh vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP niên vụ 2024 – 2025 trên địa bàn. Theo đó, Dự án triển khai trong quý IV/2024, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh được giao làm chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch phê duyệt, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.

Cụ thể trong thời gian tối đa 30 ngày với hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước qua mạng, phương thức triển khai một giai đoạn, một túi hồ sơ, nhà thầu được chọn lựa sẽ ký hợp đồng trọn gói thực hiện 90 ngày tư vấn, kiểm nghiệm, đánh giá, chứng nhận diện tích 200 ha sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Được biết tổng giá trị gói thầu hơn 532 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2024.