Theo báo cáo trong năm 2023, toàn ngành đạt tốc độ tăng trưởng 5,47%, trong đó các chỉ tiêu gieo trồng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi trồng mới, xuất khẩu nông sản đều đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, sản xuất chuyển dịch theo đúng định hướng an toàn và bền vững, tiếp tục phát triển nông nghiệp hữu cơ – tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh; diện tích cây trồng dưới 50 triệu đồng/ha giảm xuống còn 10,8%; các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhân rộng tại nhiều địa phương.
Ngoài ra, thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực như rau, sầu riêng được bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu; toàn tỉnh có 10 sản phẩm OCOP 5 sao và 78 sản phẩm OCOP 4 sao; 151 sản phẩm OCOP 3 sao.
“Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tổ chức tiếp đón xã giao nhiều đoàn công tác nước ngoài, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, ký kết hợp tác, kết nối với nhiều địa phương trong nước và một số quốc gia như Bỉ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ... Các hoạt động phát triển thương mại điện tử được các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trên nhiều nền tảng. Xuất khẩu nông sản tăng cả về sản lượng và giá trị, đặc biệt đối với sản phẩm sầu riêng, rau các loại...”, báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, kế hoạch năm 2024, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 79%; gieo trồng 13%, chăm sóc 72%; thu hoạch 12%; chăn nuôi và thủy sản bình quân 70%.
Hơn nữa, toàn tỉnh phát triển khoảng 69.000 ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 700 ha diện tích ứng dụng công nghệ thông minh; đạt tiêu chuẩn hữu cơ 1.500 ha sản xuất nông nghiệp và 1.500 con bò sữa; có thêm ít nhất 2 vùng sản xuất và 2 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Rà soát, đánh giá và nhân rộng mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đánh giá cao những chỉ tiêu, kế hoạch toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt và vượt trong năm 2023, đồng thời chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế và trồng rừng theo kế hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, nhằm đảm bảo năng lực tưới tiêu, góp phần tăng năng suất và giá trị cây trồng... trong năm 2024.