Làm gì để Sầu Riêng không lâm vào khủng hoảng thừa?

Tại một hội thảo về cây sầu riêng ở Tiền Giang mới đây, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cảnh báo, việc ồ ạt chuyển sang cây sầu riêng nguy cơ làm vỡ quy hoạch vùng trồng lúa...

Là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, những năm qua, cây sầu riêng được trồng ngày càng nhiều tại vùng ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Cả nước hiện có khoảng 80.000ha trồng sầu riêng và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng tại Tiền Giang, vài năm gần đây diện tích sầu riêng tăng mạnh và hiện gần chạm mốc 20.000ha, vượt kế hoạch. Tuy nhiên, số diện tích được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu còn rất khiêm tốn.

1466ccd4-f234-458b-a485-9a88d97e06f7-1677201527.jpeg

Tại một hội thảo về cây sầu riêng ở Tiền Giang mới đây, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cảnh báo, việc ồ ạt chuyển sang cây sầu riêng nguy cơ làm vỡ quy hoạch vùng trồng lúa. Mặt khác, người dân đã nhiều năm trồng lúa, khi chuyển sang cây sầu riêng sẽ không có đủ kinh nghiệm, mua giống không đảm bảo, vùng đất không thích hợp cho loại cây này thì hiệu quả sẽ không như kỳ vọng.

Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi các địa phương phía Nam chỉ đạo phát triển cây sầu riêng, khuyến cáo tình trạng ồ ạt chạy theo phong trào sẽ mang đến hệ lụy lớn khi nguồn cung dư thừa. Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT ngày 30/11/2022 của Bộ NN&PTNT về việc phát triển bền vững cây sầu riêng, chanh leo.

Theo Chỉ thị 8084, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, chanh leo tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế sầu riêng, chanh leo phục vụ xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến (đặc biệt là chế biến sâu); liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo hiệu quả trên địa bàn...

Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, đặc biệt với trái sầu riêng đang là điểm nóng. Việt Nam và Thái Lan, Malaysia mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Tiềm năng đối với sầu riêng ở thị trường Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt khi loại quả này đã được xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, gần đây, thị trường Trung Quốc siết các tiêu chuẩn nhập khẩu, nhất là với cây ăn trái, kênh tiêu thụ thị trường trong nước cũng nên thay đổi theo để tạo sự đồng bộ cho sản phẩm, có tiêu chuẩn để thích ứng với các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ… Muốn vậy, cần có sự liên kết, bởi doanh nghiệp không thể tự đầu tư hoàn toàn vùng nguyên liệu lớn, mà phải bằng hình thức liên kết với nông dân và địa phương.