Nỗ lực hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí khó xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Đến thời điểm này, huyện Phúc Thọ đang ở tốp cuối của thành phố Hà Nội về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hiện tại, nhiều xã trên địa bàn huyện chưa đạt các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng. Vấn đề này đang được huyện Phúc Thọ nỗ lực tháo gỡ để hoàn thành sớm nhất các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025 mà thành phố Hà Nội giao.

picture23-1735183134.jpg
 

Sau nhiều năm nỗ lực, đến hết năm 2023, huyện Phúc Thọ có 2 xã đầu tiên về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao là Võng Xuyên và Hát Môn. Tuy nhiên, đây là con số khá khiêm tốn so với các huyện trên địa bàn thành phố.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các xã của huyện chưa đạt chủ yếu là về hạ tầng, cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới của huyện còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện.

Theo kết quả rà soát tại 20 xã của huyện Phúc Thọ trong tháng 3-2024, đối với tiêu chí giao thông, toàn bộ 20 xã của huyện chưa đạt. Cụ thể, một số tuyến đường ở các xã được đầu tư từ giai đoạn trước nay đã xuống cấp, cần được làm mới; giao thông liên xã chưa được bảo trì hằng năm…

Về thủy lợi, mới có 12 xã đạt, 8 xã chưa đạt, gồm: Phụng Thượng, Vân Phúc, Trạch Mỹ Lộc, Tích Giang, Vân Hà, Long Xuyên, Ngọc Tảo và Thanh Đa. Đáng chú ý, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa ở các xã còn thấp, nhiều tuyến bị xuống cấp, hư hỏng, gây khó khăn trong việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Đối với lĩnh vực giáo dục, có 6 xã đạt, 14 xã chưa đạt. Trên địa bàn các xã có 51/68 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 12 trường đạt chuẩn mức độ 2, 39 trường đạt chuẩn mức độ 1.

Về tiêu chí văn hóa, mới có 1 xã đạt, 19 xã chưa đạt. Trong đó, Trung tâm Văn hóa và Thể thao xã hiện mới có xã Tam Hiệp hoàn thành, xã Hát Môn đang được xây dựng, 18 xã còn lại chưa có. Nhà văn hóa thôn có 2 xã bảo đảm 100% thôn có nhà văn hóa hoặc đang được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, gồm: Thọ Lộc và Tích Giang; 18 xã nhà văn hóa còn thiếu hoặc đầu tư giai đoạn trước với quy mô không bảo đảm yêu cầu. Toàn huyện có 95 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn, 62 nhà văn hóa thôn được xây dựng từ trước năm 2010, hiện đã xuống cấp, diện tích nhỏ, thiếu các thiết chế văn hóa. Ngoài ra, hiện huyện mới có 11 xã đã được cung cấp nước sạch từ trạm cấp nước tập trung...

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu cho huyện Phúc Thọ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 7 xã (hiện đã đạt 2 xã là Võng Xuyên và Hát Môn). Ngoài ra, đến hết năm 2025, huyện cũng cần hoàn thành 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Mặc dù chỉ tiêu số xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu đặt ra không nhiều, song với huyện Phúc Thọ đích đến vẫn còn khá xa.

Để nỗ lực hoàn thành mục tiêu, năm 2024, huyện Phúc Thọ phấn đấu có thêm 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, gồm: Tam Hiệp, Vân Phúc, Phụng Thượng và đưa xã Hát Môn về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, để khắc phục khó khăn về nguồn lực, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, năm 2023, việc đấu giá quyền sử dụng đất đạt gần 1.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng giúp địa phương bớt áp lực về kinh phí đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cũng theo UBND huyện Phúc Thọ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương cố gắng triển khai các tiêu chí theo hướng bền vững. Chẳng hạn, khi xây dựng đường giao thông, huyện chỉ đạo các xã tập trung đầu tư thảm nhựa, thay vì chỉ cứng hóa bằng bê tông.

Đặc biệt, mới đây, Phúc Thọ đã khởi công dự án xây dựng mạng lưới cấp nước cho 9 xã: Xuân Đình, Vân Phúc, Vân Hà, Vân Nam, Long Xuyên, Thượng Cốc, Hát Môn, Tam Thuấn, Thanh Đa. Dự án do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì và Công ty cổ phần Ao Vua đề xuất nghiên cứu đầu tư, phấn đấu hoàn thành và có thể cấp nước sạch cho người dân trước tháng 5-2025.

“Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp cho huyện Phúc Thọ đạt mục tiêu 100% người dân các xã được tiếp cận nước sạch tập trung vào năm 2025, đáp ứng tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn thông tin.

Quyết tâm sẽ đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, song, so với các địa phương khác, Phúc Thọ còn nhiều khó khăn nên huyện mong muốn thành phố và các quận tiếp tục quan tâm, tiếp sức để địa phương sớm hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội)