Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 18

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 18.

Trong khi bàn luận họ càng ngày càng tôn sùng Nhật Bản và xu hướng cầu viện ngày càng rõ nét. Cuối năm 1904, Nam Thịnh Sơn Trang chìm trong giá rét, những tán cây cao thấp che phủ những mái nhà ngói, những đầu đao đầu rồng nhô lên, lá rung xào xạc theo gió lạnh, lá vàng rơi lả tả đầy lối đi. Vẫn trong căn phòng sang trọng, đêm nay sau bữa ăn chiều xong, ngồi bên bàn trà trong ánh sáng lờ mờ là Tổng Thư ký hội Tiểu La Nguyễn Thành, Minh chủ Kỳ Ngoại hầu Cường Để, Chủ tịch Phan Bội Châu, hai hội viên chủ chốt là Đặng Tử Kính, đặc biệt Tăng Bạt Hổ vừa từ Nhật Bản về Việt Nam, rất am hiểu về Nhật Bản cung cấp những thông tin bổ ích cho Hội. 5 ly trà được rót ra. Tiểu La nói:

-Mời Kỳ Ngoại hầu, mời ba vị.

-Xin mời Minh chủ.

-Xin mời ngài Tiểu La, mời các ngài.

Cả 5 người bê ly uống từng ngụm. Sau khi đặt ly xuống bàn, Tiểu La nói:

-Như trong buổi Đại hội đã nói, ta chưa thể sản xuất được vũ khí nên muốn chiến thắng quân Pháp ta phải cầu viện bên ngoài mà mục tiêu của ta là cầu viện Nhật Bản. Vừa rồi Nhật Bản đã đánh bại Nga thì tin rằng họ sẽ đánh bại Pháp.

Phan Bội Châu nói:

-Đại hội đã tán thành cầu viện Nhạt Bản. Bây giờ cũng đã hết năm âm lịch. Sau khi ăn Tết âm lịch xong, khoảng tháng giêng năm 1905, tôi sẽ thay mặt hội sang Nhật Bản cầu viện.

Minh chủ Cường Để nói:

-Nên có hai người nữa đi với Chủ tịch giúp đỡ nhau dọc đường trên đất nước xa lạ.

Tiểu La Nguyễn Thành nói:

-Tôi đã dự kiến và chuẩn bị rồi, thứ nhất tiền đi đường và tiền sang sinh sống những ngày ở Nhật Bản, người cùng đi với Chủ tịch là Tăng Bạt Hổ, người đã nhiều năm ở Nhật Bản nên rất thuận lợi, thứ hai là ngài Đặng Tử Kính. Không biết ý ba ngài thế nào?

Tăng Bạt Hổ nói:

-Tôi sẽ đi cùng Phan tiên sinh và Đặng tiên sinh.

Đặng Tử Kính nói:

-Được đi cùng Phan tiên sinh và Tăng tiên sinh thật là hân hạnh.

Tiểu La nói:

-Vậy thống nhất ngày 20 tháng giêng năm 1905 ba người sẽ xuất phát. Vậy bây giờ ba vị về quê ăn Tết và gia đình có việc gì thì giải quyết đi, chuyến đi này sẽ lâu dài, chưa nói đến phần gian lao nguy hiểm.

Phan Bội Châu nói:

-Chúng ta sẽ xuất phát từ cảng Hải Phòng và hành trình đến Hồng Kông Trung Quốc và đến Nhật Bản, để cho tiện lợi không vòng đi vòng lại, Tiên sinh Tăng Bạt Hổ từ Bình Định ra Nghi Lộc Nghệ An gặp và thăm nhà Tiên sinh Đặng Tử Kính, sau đó đến Nam Đàn vào nhà tôi và đi Hải Phòng luôn.

Tiểu La Nguyễn Thành nói:

-Ngài Phan Bội Châu nói phải lắm.

Rồi bốn người chia tay nhau kẻ đi người ở quyến luyến:

-Minh chủ bảo trọng.

-Tổng thư ký bảo trọng.

-Ba tiên sinh bảo trọng. Chúc ba người thượng lộ bình an.

-Đa tạ, đa tạ, cáo biệt.

Tiểu La và Cường Để chia tay nhìn ba người rời sơn trang, đi về hai hướng khác nhau. Tăng Bạt Hổ đi về hướng Nam để về Bình Định, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính đi về hướng Bắc để về Nghệ An. Trời mùa đông u ám, gió lạnh thấu xương. Tiểu La và  Cường Để đã trải qua bao chiến trận Cần Vương mà đứng nhìn ba đồng chí của mình đi không biết bao giờ trở lại. Họ như những con chim vượt bão tố đại dương tìm con đường sống cho dân tộc, lòng hai người cảm thấy nôn nao, buồn bả.

Mùa xuân năm Ất Tỵ 1905, làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An vẫn chìm trong gió lạnh dù mùa xuân đã về. Tết Nguyên Đán đã qua và thôn quê lại chuẩn bị ăn tết Rằm tháng Giêng. Ở bàn khách gian giữa nhà, Phan Bội Châu đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng. Bà Thái Thị Huyên vẫn như xưa, khi Phan Bội Châu về nhà, bà vẫn gánh hàng đi chợ sớm, bà bán rau quả kiếm tiền nuôi con. Bà hai Nguyễn Thị Em thì cày cấy trên những thửa ruộng và trồng rau ở những mảnh vườn quanh nhà và chăm ba con nhỏ: Phan Nghi Huynh sinh năm 1904, con bà Thái Thị Huyên mới 1 tuổi, Phan Nghi Đệ và Phan Thị Cương, con bà hai Nguyễn Thị Em. Phan Nghi Đệ sinh năm 1901, mới 5 tuổi, Phan Thị Cương sinh năm 1902 mới 3 tuổi. Tết năm nay có Phan Bội Châu về nên gia đình rất đầm ấm, vui vẻ. Về nhà, Phan Bội Châu làm được mấy việc trước khi đi xa không biết đến bao giờ mới về. Ông đã cải táng mộ cho cha và mẹ là ông Phan Văn Phổ và bà Nguyễn Thị Nhàn. Để đề phòng khi ông hoạt động ở Nhật Bản bị nhà cầm quyền Pháp truy nã, đào mộ tổ tiên lên như chúng đã làm với Phan Đình Phùng. Phan Bội Châu đã dùng 4 chiếc tiểu sành, hai chiếc đựng thi hài cha mẹ chôn thật sâu, còn hai chiếc khác cho cát vào và đặt lên trên hai chiếc dưới để đánh lừa chúng. Việc thứ hai là làm đơn ly dị giả với hai bà Huyên và bà Em, Phan Bội Châu viết và ký vào rồi trước khi đưa cho hai bà ký phải giải thích:

-Tôi phải sang Nhật Bản cầu viện họ đem quân giúp nước ta đánh Pháp. Tôi làm đơn ly dị giả với hai bà để khi tôi bị Pháp truy nã chúng không có cớ để quấy rầy hai bà và các con. Vì việc nước mong hai bà thông cảm.

Hai bà vừa ký vừa khóc lóc nói:

-Thầy là trai tráng muốn tung hoành đi đâu làm gì cho thỏa chí thì đi nhưng nhớ bảo trọng và nhớ tình nghĩa phu thê là trăm năm không thể thay đổi.

Phan Bội Châu vô cùng cảm động nói:

-Xin đa tạ hai bà.

Việc thứ ba mà Phan Bội Châu làm là sửa lại những chỗ bong lở của tường nhà, thay những viên ngói đã vỡ cho khi mưa không dột. Còn lại thời gian ông chơi với ba con nhỏ, chúng quấn quýt lấy Phan Bội Châu làm cho ông đôi khi đau nhói trái tim mỗi khi nghĩ tới chỉ vài ngày nữa là ông xa chúng không biết đến bao giờ gặp lại. Ông đã giành tiền may cho ba đứa được ba bộ quần áo mới đón tết, chúng sung sướng mặc quần áo bố cho không chịu thay giặt.

Sáng hôm nay, ông vừa uống trà vừa chơi với các con nhưng lòng không yên vì chờ đợi Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính đến để cùng ông ra Hải Phòng đi Nhật Bản. Phan Bội Châu nghĩ chuyến đi có lẽ sẽ thuận lợi vì có Tăng Bạt Hổ đã từng ở Nhật Bản, từng chiến đấu trong quân đội Nhật Bản, nói thạo tiếng Nhật, thạo đường đất, hiểu và biết đất nước, con người Nhật Bản. Tăng Bạt Hổ cũng đã quen biết với một vài chính khách cao cấp của Nhật Bản. Như thường lệ con chó vàng nằm ngoài sân nếu có khách vào nó sẽ sủa váng lên cho nên ông yên tâm chơi với ba con. Mãi tới quá chiều khi mặt trời đã ngả bóng về tây con chó vàng mới cất tiếng sủa:

-Gâu, gâu, gâu...gừ gừ gừ...

Phan Bội Châu bước ra hè thì Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính đã bước vào sân. Phan Bội Châu chắp tay:

-Xin chào hai tiên sinh.

-Xin chào Phan tiên sinh.

Phan Bội Châu dẫn khách vào nhà. Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính đặt hành lý xuống và ngồi vào tràng kỷ. Phan Bội Châu cũng ngồi xuống và gọi:

-Bà nhà đâu, pha nước, nhà ta hôm nay có khách.

(Còn nữa)

CVL