Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 5

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 5.

Vừa khi đó thì có lính vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, người của ta ở quán rượu nam sông Thương đã đem khách về.

Đề Thám nói:

-Vậy để ta ra ngoài đón.

Hoàng Hoa Thám và mọi người đi ra phía cổng chính của đồn Phồn Xương, thấy người của quán rượu nam sông Thương là nơi liên lạc với bên ngoài của Yên Thế đi với hai người, một người khoảng 36 tuổi, dáng rạng rỡ của một văn thần khoa bảng, đầu đội khăn thếp đen, áo lụa đen, quần trắng, đi giầy vải đen. Một người mới khoảng 21 tuổi, mặc âu phục, quần ka ki nâu, áo sơ vin trắng, thắt cà vạt đỏ. Ba người đã đi qua cổng vào bên trong chiến lũy thành ngoài. Hoàng Hoa Thám vội tiến lại gần chắp tay:

-Xin chào đại nhân.

-Xin chào công tử.

Người thám mã dẫn đường  vội nói với hai người cùng đi:

-Đây là Đề đốc tướng quân Hoàng Hoa Thám.

Hai người khách vội vòng tay:

-Xin kính chào Đề đốc tướng quân.

Người thám mã nói với Đề Thám:

-Đây là tiên sinh Phan Bội Châu.

Hai người mừng rỡ lại cúi đầu chào nhau lần nữa. Hoàng Hoa Thám dẫn Phan Bội Châu và người trẻ tuổi về nhà khách. Đến nơi, mọi người chia ghế chủ khách ngồi. Đề Thám không cần gọi thì người lính cận vệ đã đem trà lên rót vào các chén. Hoàng Hoa Thám nói:

-Xin mời tiên sinh.

-Xin mời công tử.

-Dạ, kính mời Đề đốc tướng quân.

Xong một lượt trà, Phan Bội Châu nói:

-Nghe đại danh của tướng quân đã lâu, nay mới được gặp, nghe vùng Yên Thế chấn động nước Pháp và Đông Dương nay mới được đặt chân tới, hân hạnh, hân hạnh.

Đề Thám nói:

-Ở nơi rừng núi xa xôi này lão phu cũng nghe danh tiên sinh từ lâu rồi. Tiên sinh quyết chí tìm con đường cứu nước mới, bái phục, bái phục.

Phan Bội Châu đáp:

-Không dám, không dám.

Và chỉ vào người thanh niên trẻ tuổi:

-Xin giới thiệu với Đề đốc tướng quân, đây cũng coi như học trò của tại hạ, quý danh là Nguyễn Khắc Nhu, quê quán ở làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, gia đình có truyền thống Nho học và anh Nhu đây cũng đang theo đòi nghiên bút. Anh rất tích cực ủng hộ và đi theo con đường bạo động cứu nước của tại hạ. Nếu thành lập Hội Duy Tân thì anh sẽ là thành viên đầu tiên.

Đề Thám gật đầu nhìn Nguyễn Khắc Nhu, thấy từ trong đôi mắt sáng thông minh của người thanh niên toát ra một tinh thần khảng khái. Đề Thám nói:

-Quý hóa quá, vậy công tử là đồng hương với lão phu rồi, rất hân hạnh được đón tiếp.

Nguyễn Khắc Nhu vội khoanh tay cúi mình:

-Dạ, đa tạ Đề đốc tướng quân, hậu sinh thật là vinh hạnh.

-Tiên sinh và công tử đi đường xa mệt, cũng đã đến bữa cơm trưa, xin kính mời tiên sinh và công tử dùng chén rượu nhạt rồi nghỉ ngơi, chiều ta đàm đạo tiếp. Người đâu.

-Dạ.

Đi mời bà Ba, Cả Trọng, Cả Dinh, Cả Tuyển, Thống Luận, Lý Bảo, Hoàng Điển Ân đến dùng rượu với tiên sinh Phan Bội Châu và công tử cho vui.

-Dạ, tuân lệnh tướng quân.

Trong bữa cơm trưa, Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Nhu được làm quen với Đề đốc Phu nhân Đặng Thị Nhu, một nữ tướng nổi tiếng của nghĩa quân Yên Thế mà Phan Bội Châu đã nghe danh, Thống Luận, Lý Bảo, Hoàng Điển Ân, Cả Dinh, Cả Trọng và những người chủ chốt trong gia đình Đề Thám. Phan Bội Châu nói:

-Xin kính chào Đề đốc phu nhân và các tướng quân. Phu nhân nổi danh trong chỉ huy đánh Pháp. Tại hạ nghe tiếng từ lâu, nay mới được gặp, hân hạnh, hân hạnh.

Đề đốc phu nhân đáp:

-Đa tạ, đa tạ, tinh thần yêu nước và tìm đường cứu nước của Phan tiên sinh đang được cả nước và chúng tôi ngưỡng mộ, thật ngưỡng mộ.

Phan Bội Châu đáp:

-Không dám, không dám.

Chén rượu hội ngộ giữa các anh hùng thật là vui vẻ.

Chiều sang, sau một lượt trà, Phan Bội Châu nói:

-Tại hạ muốn đi tham quan phong cảnh của đồn Phồn Xương, có được không tướng quân?

Đề Thám nói:

-Được! Phan tiên sinh hạ cố tới nơi xa xôi hẻo lánh này thật là vinh hạnh cho lão phu. Bây giờ lão phu mời tiên sinh và công tử đi thăm phong cảnh Phồn Xương.

-Đa tạ tướng quân.

Theo chân Đề Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu đi thăm toàn bộ đồn Phồn Xương, còn có thể gọi là thành Phồn Xương thì đúng hơn. Đề Thám dẫn hai người lên đỉnh của trung tâm thành nội, nơi có cột cờ trên đỉnh quả đồi nên phóng tầm mắt nhìn ra được bốn hướng của Phồn Xương. Hoàng Hoa Thám nói với Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu:

-Thưa Phan tiên sinh và công tử, đồn Phồn Xương thuộc xã Hữu Xương, còn gọi là Cầu Gồ, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Đồn được xây dựng năm 1894-1895. Đồn cách trấn trị tỉnh Bắc Giang, tức là Phủ Lạng Thương 30 km về phía tây. Đồn lấy đồi Phồn Xương làm trung tâm. Đồn rộng khoảng 3.600m2, chạy theo hướng bắc-nam hình chữ nhật. Hai vòng thành ngoài từ sườn đồi phía đông chạy ôm lấy chân đồi lên đỉnh đồi phía bắc, hình thành vòng cung bảo vệ cho thành nội. Thành nội dài 140m, cao 4m, dầy 0,8m. Dãy tường thành nội nằm trên đỉnh đồi cũng là hình chữ nhật. Mặt đông của thành nội dài 71m, mặt bắc dài 85m, chân thành dầy 2m, cao 3m, mặt thành dầy 1m. Chung quanh thành ngoại và nội có lỗ châu mai ở tư thế đứng hay quỳ đều bắn được, Mặt ngoài của thành nội dốc thoai thoải như mái nhà. Khoảng cách giữa thành nội và thành ngoài rộng là 20m, hẹp là 10m. Đồn Phồn Xương có 5 cổng, mỗi cổng trước mặt là tường chắn kiên cố, lối ra khỏi cổng là rẽ hai bên. Cổng có cửa gỗ lim dầy, chắc chắn. Giữa hai thành nội và ngoại là hệ thống giao thông hào để binh sĩ vận động chiến đấu. Giao thông hào còn nối với cổng sau ra những cánh rừng để có thể rút lui khi cần thiết. Ngoài đồn chính thì chung quanh còn có các đồn phụ như đồn An Đông, đồn Trái Cọ, Hồ Lẫy, Cả Gan, Hà Triều Nguyệt bao quanh trên địa bàn hai xã Phồn Xương và Tân Hiệp. Trong vòng thành nội với không gian rộng là nhà khách, nhà kho, nhà ở, nhà bếp, toàn là nhà gianh, vách trát bùn đất trộn rơm bám vào xương là nan tre. Chỉ có căn nhà tiếp khách là xây bằng gạch lợp ngói khang trang. Từ bắc đồn xuống phía nam là nhà ở của gia đình Đề Thám gồm 5 gian chạy theo hướng tây-đông. Nhà thứ hai là hình vuông, bốn mặt để trống là nhà họp các tướng lĩnh, thiết đãi khách khứa, tiệc tùng. Hai dãy nhà sát cạnh tây-đông của thành là nhà ở của nghĩa quân. Tiếp đó tám gian nhà là bếp và chuồng ngựa sát cạnh thành phía nam.

Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu nhìn bao quát không gian của đồn Phồn Xương. Chỗ bãi sân rộng có cột cờ với lá cờ màu vàng tung bay theo gió trên đỉnh cột. Đối diện với đồn Phồn Xương là đền thờ để nghĩa quân hành lễ ngày rằm, ngày tết. Toàn bộ đồn chìm dưới những tán lá của cây bạch đàn, của mít, của những rừng vải xanh mát. Nắng mùa hạ chan hòa, trời tháng năm trong vắt. Xa xa, những dãy núi mờ mờ trong sương trắng. Những cánh đồng lúa vàng rộng mênh mông trĩu bông đã đến mùa thu hoạch. Đó là những cánh đồng do nghĩa quân tự sản xuất để có lương thực cho mình. Bây giờ Phan Bội Châu mới rõ Phồn Xương không chỉ là pháo đài chiến đấu mà còn được gọi là đồn điền lúa gạo.

(Còn nữa)

CVL