Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030: Sản lượng khai thác đạt 300 tấn/năm

02/06/2023 22:15

Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt 21.000ha vào năm 2030. Sản lượng khai thác từ năm 2030 đạt 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000ha/năm).

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký quyết định phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam

Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam

Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược, chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu quốc gia; Góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030: Bảo tồn nguồn gene sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt 21.000ha vào năm 2030. Sản lượng khai thác từ năm 2030 đạt 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000ha/năm). Đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm gắn với vùng trồng nguyên liệu.

Sâm Ngọc Linh ngày càng được nhiều người tin dùng

Sâm Ngọc Linh ngày càng được nhiều người tin dùng

Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Phạm vi là các địa phương có tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển, gồm: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó phát triển vùng nguyên liệu sâm quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu. Về đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa là sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.

Quỹ đất dự kiến để gây trồng, phát triển Sâm Việt Nam phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh tại Chương trình này bao gồm: gây trồng, phát triển dưới tán rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo phương thưuch sản xuất lâm, nông kết hợp theo quy định của pháp lật về lâm nghiệp, đất trồng cây nông nghiệp.

Hải Yến
Bạn đang đọc bài viết "Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030: Sản lượng khai thác đạt 300 tấn/năm" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309