Nhà thơ Phạm Đình Ân đã có những chia sẻ khi đọc tập thơ “Thương chi lạ”. Ông cho biết, nếu căn cứ vào tuổi tác thì tác giả thơ Nguyễn Sỹ Bình đã 60, đâu còn trẻ nữa. Anh yêu thơ, say thơ từ bao giờ không rõ, nhưng về sáng tác thì chỉ mới in sách riêng từ 2022 đến nay, nhưng liên tục, mỗi năm một cuốn, do NXB Hội Nhà văn công bố: Bốn mùa thương nhớ (2022), Còn lại yêu thương (2023), Thương chi lạ (2024). Hầu hết các bài đều ghi rõ ngày tháng năm. Phải chăng, đây là một trường hợp tác giả già hòa nhập vào thế hệ thơ trẻ mới sáng tác (căn cứ vào thời điểm xuất hiện) như là người viết trẻ vậy. Ấy mà thơ đâu trẻ, đâu xanh non mầm nụ, thơ anh là quả chín (chín chắn), như được gieo cấy, chăm sóc từ lâu lắm về tinh thần, cảm xúc.
Tập thơ thứ ba có cả những bài ghi chú thích viết từ hai năm 2022, 2023. Đáng chú ý là, có nhiều bài được viết vào năm hiện tại (2024), thậm chí cuối năm: Thu đến, Huế và em, Hồng Hà và tôi, Thu qua... em xa, Có buồn không, Em biết và cuối cùng là bài Em biết không viết vào ngày 21/11/2024 (trước ngày được cấp giấy phép xuất bản hai tuần lễ). Điều đó cho thấy thơ Nguyễn Sỹ Bình đến với độc già còn tươi rói, ấm nóng cảm xúc của chủ thể sáng tạo. Tác giả viết đến đâu in ngay đến đó. Tám mươi sáu bài của tập thơ, trong đó có thơ hai năm liền kề còn lại được đưa tiếp vào đây, thế mà không để lộ điều gì là vội vàng, sống sượng hoặc làm cho có bài, xếp cho đủ tập. Như thơ của nhiều tác giả, thơ Nguyễn Sỹ Bình hòa nhập vào thơ truyền thống. Giọng ân nghĩa, đằm thắm yêu thương lan tỏa khắp tập thơ. Chữ thương có cả ở nhan đề hai tập trước và tập này cho thấy một phần sự nhất quán về giọng điệu của thơ Nguyễn Sỹ Bình.
Thơ Nguyễn Sỹ Bình hướng chủ yếu đến bốn hiện thực của đời sống, đó là: tình yêu, thế sự, thời hậu chiến và quần đảo Trường Sa. Thơ tình vẫn là sớ trường của tác giả này. Nói Thương chi lạ là tập thơ tình cũng được, bởi có tỉ lệbài thơ tình rất cao: 45 trên tông số 86 bài, và nếu kể cả những bài ẩn hiện thoang thoảng, yêu lơ mơ xen lẫn thế sự thì đến 50 trong 86 bài.
Hồn thơ Nguyễn Sỹ Bình đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Khi thì thoang thoảng: Có nghe gió bấc ngoài khe cửa/ Xào xạc mưa rơi, rớt lá vàng (Em biết không). Khi thì trào dâng nỗi niềm yêu thương không thể kìm nén: Anh yêu có trời đất biết/ Trao cho em trao đến kiệt cùng/ Dù bão tố cuồng nộ, mua giả (Viết cho em). Có lúc dỗi hờn, thất vọng (ở bài Thôi em nhé):
Ừ xa nhau anh dằn lòng cơn lũ
Dâng trào lên giằng xé trong tâm can
Có gì đây, rồi cũng sẽ nhạt loang
Bởi cuộc sống không gì không thay đổi
Xa nhau rồi anh thấy mình thật lỗi
Lỗi yêu em, dâng hiến hết con tim
Yêu cùng kiệt, yêu như một đức tin
Rồi coi đó là niềm yêu, hạnh phúc
Thôi em nhé, sau này nếu có lúc
Trên đường đời ta lỡ gặp lại nhau
Đừng ngoảnh mặt... đôi chân vội bước mau
Đừng coi như... mình chưa từng quen biết!
Nhưng thơ tình Nguyễn Sỹ Bình chủ yếu là thương nhớ ngọt ngào, đợi mong tha thiết, cũng không ít xúc cảm nuối tiếc, bởi thời gian trôi đi, biệt ly đôi ngà. Tác giả Định lượng tình yêu:
Có thể nào đo đếm được tương tư
Làm sao đây đong đầy được nỗi nhớ
Thôi dằn lòng, nghe con tim trăn trở?
Để biết rằng nặng nhẹ đó trao ai
Vẫn biết rằng định lượng đó là sai
Sao cứ trầm luân băn khoăn suy nghĩ…
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng có những cảm nhận riêng của mình khi đọc tập thơ này. Ông nhận xét, qua 3 tập thơ đã in Bốn mùa thương nhớ 2022; Còn lại yêu thương 2023 và Thương chi lạ 2024 tại Nxb Hội Nhà văn, tác giả Nguyễn Sỹ Bình vừa mới trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, cho thấy anh có một hồn thơ trữ tình đầm thắm, tha thiết với con người và cuộc sống quê hương. Đọc một tập thơ, tôi có thói quen tìm đến những câu thơ hay, những câu thơ khá và trung bình của tác giả tập thơ cùng với việc phát hiện những câu thơ còn non yếu, những câu thơ chưa đạt chất lượng thơ cũng của chính tác giả đó, để bình giảng về một giọng điệu thơ, nhằm giúp tác giả thấy được những ưu điểm và hạn chế của thơ mình. Đấy cũng là mục đích căn cốt của công việc phê bình và giới thiệu thơ hôm nay. Đọc các tập thơ của tác giả Nguyễn Sỹ Bình, tôi thấy đây là các tập thơ có giọng trữ tình tự sự yêu thương, nghiêng về phía kể chuyện tâm tình trong mạch thơ 8 chữ nhằm giãi bày những xúc cảm của người thơ.
PGSTS nhà văn Vũ Nho cũng có một số ý kiến về tập thơ này: Chúng tôi viết như thế một phần vì xuất bản ba tập thơ, tác giả đều có chữ THƯƠNG trong nhan đề: Bốn mùa thương nhớ (2022), Còn lại yêu thương (2023) và giờ đây Thương chi lạ (2024). Mặt khác nội dung chính của cả ba tập thơ đều đậm đặc chủ đề tình yêu. Tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên, yêu công việc, và nhiều, rất nhiều bài về tình yêu lứa đôi. Điều chủ yếu là nhà thơ có trái tim đa cảm, nhạy cảm, luôn luôn xúc động, khao khát yêu thương,..."Tôi yêu từ bông hoa, từ con người, mảnh đất, từ thiên nhiên cây cỏ, từ quê hương tôi cho đến các vùng miền tôi đi qua trên đất nước này.” ( Dẫn theo Trần Đăng Khoa “ Thêm một người làm thơ là thêm một sự lương thiện”).Thơ anh có nhiều hoa. Từ chùm phượng hồng đến bằng lăng tím, từ dàn hoa trước ngõ đến làn hương hoa sữa nồng nàn, từ cành hoa không tên run rẩy theo chiều gió trong ngày chính đông đến bông Xuyến Chi khi mùa Xuân về, từ hoa loa kèn tinh khôi tháng Tư đến hoa Cúc nở vàng ươm một dải sông Hồng, Rồi Hướng Dương, Dã Quỳ, Tam Giác Mạch, Cải trắng,... và ấn ượng nhất là “Mùa cải vàng” của quê hương. Tác giả yêu hoa, yêu phong cảnh quê hương, yêu ngôi làng thân thương. Tình yêu lớn đã cho anh một cái nhìn đậm chất hội họa, đậm chất thơ:
Làng tôi ở như một chiếc thuyền trôi
Giữa màu xanh của mênh mông biển lúa
Gió thổi qua mặt đồng xanh như lụa
Bỗng dập dờn như sóng biển khơi xa
( Làng tôi)