Sự kiện có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội. Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá kết quả 45 năm xây dựng và phát triển, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ giải pháp cho địa phương.
Sóc Sơn là huyện cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội (giáp ranh với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên). Nơi đây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa cách mạng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường của Thủ đô.
Huyện Sóc Sơn có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển với hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy. Đặc biệt là có Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, giúp giao thương hàng hóa với khu vực nội thành và các tỉnh phía Bắc cũng như cả nước hết sức thuận lợi.
Sau 45 năm xây dựng, phát triển và hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, TP Hà Nội, cùng tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn đã tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Chương trình 02 của Huyện ủy Sóc Sơn về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
Hiện nay, huyện đã có 13/25 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí nông thôn mới nâng cao như: Đức Hòa, Phù Linh, Thanh Xuân, Xuân Giang, Nam Sơn, Tân Dân, Trung Giã, Quang Tiến, Mai Đình, Phù Lỗ, Phú Cường, Phú Minh, Tiên Dược.
12/25 xã đạt và cơ bản đạt từ 5-9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao như: Đông Xuân, Bắc Phú, Bắc Sơn, Hiền Ninh, Hồng Kỳ, Kim Lũ, Minh Phú, Minh Trí, Tân Hưng, Tân Minh, Việt Long, Xuân Thu.
Đặc biệt đối với 3 xã thực hiện kế hoạch NTM nâng cao năm 2022, xã Phù Lỗ đã đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí; xã Đức Hoà đã đạt và cơ bản 19 tiêu chí, trong đó có 8 tiêu chí cơ bản đạt; xã Phù Linh đã đạt và cơ bản 19 tiêu chí, trong đó có 7 tiêu chí cơ bản đạt.
Kinh tế những tháng đầu năm của huyện có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Giá trị sản xuất của huyện ước đạt 14.883 tỷ đồng tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng tăng 7,95%; quý III tăng 9,5%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giá trị sản xuất 9 tháng đạt 1.672 tỷ đồng tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn tốc độ tăng 4,9% của 9 tháng năm 2021).
Hiện nay trên địa bàn huyện khuyến khích đưa máy móc phục vụ sản xuất để từng bước cơ giới hóa trong các khâu hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giảm thời gian làm đất, gieo trồng, thu hoạch, giảm áp lực thời vụ, giải phóng sức lao động chuyển qua làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến nay, trên địa bàn huyện cơ giới hóa trong sản xuất lúa, gieo trồng rau, củ quả: 100% trong khâu làm đất, 100% sử dụng máy móc khâu gặt đập, thu hoạch.
Hiện nay trên địa bàn huyện có16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của huyện, đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay như: Mô hình chăn nuôi gà vi sinh theo hướng hữu cơ (Hộ chăn nuôi Thu Thoan, diện tích 500m2), mô hình chăn nuôi lợn giun quế (HTX Sơn Phú, Hộ chăn nuôi GHT, diện tích 700m2), mô hình nuôi gà đẻ trứng (HTX công nghệ cao Việt, diện tích 2.000m2), mô hình nấm công nghệ cao KMS (Công ty CP nấm KMS, diện tích 0,8ha), mô hình sản xuất rau thủy canh (Công ty TNHH Thiên Sơn, diện tích 0,8ha)...
Theo số liệu thống kê cho thấy: trên địa bàn huyện hiện có 112 HTXNN. Theo quy mô có: 15 HTX toàn xã; 58 HTX thôn, liên thôn và 30 HTX chuyên ngành. Theo loại ngành, nghề có: 85 HTX tổng hợp, 24 HTX trồng trọt, 03 HTX chăn nuôi.
Các HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ công ích thuỷ lợi, từng bước tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, tạo nền tảng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững
Xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế của huyện và các xã. Do đó, thời gian tới huyện Sóc Sơn tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế của huyện.
Những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn sẽ là nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vì vậy, huyện thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện các giải pháp như: Khuyến khích mở rộng phát triển sản xuất các giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày có năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao. Phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Phấn đấu đạt 950 tấn thủy sản nuôi và khai thác.
Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động như: quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại.
Đánh giá về kết quả xây dựng Nông thôn mới huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, huyện Sóc Sơn đã đạt kết quả là 25/25 xã đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí. Trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%...
"Đặc biệt, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%, đặc biệt cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020. Hiện trên địa bàn huyện chưa có xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, do vậy chưa có kết quả triển khai thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu. UBND huyện đang yêu cầu các xã rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành 30% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...". ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã chúc mừng thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn đạt được. Đặc biệt, những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn sẽ là nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương được xác định trong văn kiện Đại hội lần thứ 12 Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Thường trực Thành ủy nhấn mạnh huyện Sóc Sơn cần xác định, xây dựng nông thôn mới có điểm đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg năm 2011, huyện Sóc Sơn được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội; bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng đã định hướng huyện Sóc Sơn trong tương lai sẽ là một phần quan trọng để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, những định hướng quan trọng nêu trên sẽ mở ra cho huyện Sóc Sơn những thời cơ thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới; song cũng đòi hỏi huyện Sóc Sơn nói riêng và TP Hà Nội nói chung cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động; khắc phục những khó khăn; với khát vọng phát triển, cố gắng, nỗ lực, phấn đấu để xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại.
---
BÀI VIẾT CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI