Được biết, tính đến năm 2022, diện tích sản xuất nông nghiệp của Sóc Trăng đạt chứng nhận VietGAP là 739,5 ha, trong đó: Lúa 330,99 ha, màu 35,10 ha và cây ăn trái 373,41 ha. Đất nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ là 1.588 ha, trong đó: Lúa 1.225 ha; cây ăn trái 57 ha và rau màu 306 ha. Ngoài ra còn có 110 nhà lưới, nhà màng, với diện tích là 6,05 ha chuyên sản xuất các loại rau màu như rau ăn lá, hành hẹ,…; 219 ha diện tích ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, cây ăn trái 64 ha và rau màu 155 ha.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Tại các mô hình cây ăn trái, giảm được khoảng 20 triệu đồng/ha. Không chỉ có vậy, với 8 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 6 trại gà với tổng đàn 300.000 con, 1 trang trại nuôi heo và 1 trang trại nuôi bò. Ngoài ra còn triển khai 36 mô hình điểm chăn nuôi bò sữa an toàn sinh học… Hiện nay, trên địa bàn có 6 doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 886 ha, quy mô 30 tấn/ha; 34 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP) với diện tích 1.200 ha sản lượng khoảng 10.000 tấn.
Để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn và doanh nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông bắt đầu từ việc củng cố mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư từ tỉnh xuống đến xã, phường và thị trấn, Ngành Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hình thành các hợp tác xã dịch vụ, gắn kết tiêu thụ sản phẩm,... từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh cao.