Tâm thư tháng Tư của Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

BBT
Nongthonvaphattrien - Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trân trọng giới thiệu Tâm thư Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn!

Tháng tư về ai còn nhớ nụ cười

Thủa chân đất, đầu trần, con diều nhỏ

Nâng bước ta đi qua thời khốn khó

Giữ niềm tin vượt sóng cả, mây ngàn

Vậy là chúng ta đã đồng hành với nhau được một năm kể từ ngày tôi được bổ nhiệm vào vị trí hôm nay. Ngày nối tiếp ngày, tuần nối tiếp tuần, tháng nối tiếp tháng, vậy mà đã hơn 365 ngày trôi qua. Trong chừng ấy thời gian, chúng ta đã cùng làm việc với nhau. Trong chừng ấy thời gian, chúng ta đã cùng nhau san sẻ vui buồn. Trong chừng ấy thời gian, từng ngày từng ngày, chúng ta đã thấu hiểu và thân thiết với nhau hơn. Và thật xúc động, tôi luôn nhận được sự sẻ chia của các đồng chí, đồng nghiệp, từ lãnh đạo Bộ cho đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động luôn sẵn sàng dốc hết sức cho công việc chung.

5-0-1650247674.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Các đồng chí, đồng nghiệp thân mến!

Chúng ta đã trải qua những tháng ngày đầy biến động. Đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn thị trường trong một khoảng thời gian dài. Vậy là chúng ta thành lập hai tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp và góp phần đảm bảo an sinh xã hội bằng sáng kiến cung cấp các túi “combo” lương thực, thực phẩm. Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc gần đây lại một lần nữa gây nên muôn vàn khó khăn cho xã hội. Chúng ta lại vào cuộc bằng tinh thần trách nhiệm cao, tích cực trao đổi với các cơ quan hữu quan phía nước bạn, kích hoạt các diễn đàn kết nối, đa dạng hoá các kênh tiêu thụ nông sản.

Trong vòng quay 365 ngày vừa qua, ngoài xử lý những tình huống cụ thể phát sinh đột biến, chúng ta còn tập trung cho những vấn đề căn cơ, dài hạn. Chúng ta đã trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chúng ta đã hoàn tất tất cả thủ tục để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chúng ta đã tổ chức Hội nghị phát triển nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu và thành lập Văn phòng điều phối cấp vùng đầu tiên.

Những sự kiện trên giúp chúng ta tự tin hơn trong công tác chuẩn bị và tiếp tục triển khai những vấn đề có tính căn cơ, dài hạn trong các lĩnh vực khác: nông nghiệp xanh - sinh thái - bền vững, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường… Chúng ta cũng sẽ tiếp cận cách theo đó cho những vùng sinh thái đặc trưng còn lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các đồng chí, đồng nghiệp thân mến!

Tôi thường quan sát những sự vật, sự việc hàng ngày chung quanh mình. Quan sát để cảm nhận nhiều hơn từ mỗi công việc đang thực hiện. Quan sát để phát hiện những giá trị, năng lực còn đang tiềm ẩn trong mỗi người. Quan sát để suy nghĩ về cách thức khơi gợi, kích hoạt mọi người có thể làm việc tốt hơn, sống với nhau tốt hơn. Tôi tâm đắc với câu nói: “Mỗi người chỉ mới sử dụng khoảng 10% những gì mà chúng ta có thể làm được”. Tôi tin chắc rằng, từ bản thân mình, các đồng chí, đồng nghiệp cũng cảm nhận được điều sâu sắc đó. Bao nhiêu năm học hành, bao nhiêu kiến thức, kỹ năng tích luỹ được, bao nhiêu điều được trải nghiệm trong cuộc sống, trong công việc, chúng ta đã sử dụng, vận dụng hết chưa? Vì sao vẫn chưa phát huy hết những gì chúng ta còn có thể? Phải chăng do môi trường làm việc? Phải chăng do quy chế làm việc? Phải chăng kỹ năng “học để chung sống cùng nhau” - một trong bốn triết lý giáo dục của UNESCO (ba trụ cột còn lại là: “học để biết, học để làm, học để khẳng định mình”), vẫn là cản trở lớn nhất với mỗi người?

Qua hơn một năm gắn bó, tôi khẳng định rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hội tụ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức đầy trí tuệ, nhiều tâm huyết và không thiếu khát vọng cống hiến. Hơn hai ngàn người trong bộ máy sẽ còn tạo ra được nhiều giá trị cho Ngành và xã hội hơn nữa, nếu mỗi người chúng ta chủ động thay đổi, mạnh dạn thay đổi. Thay đổi phương pháp làm việc, nhất là cách làm việc nhóm, giúp phát huy hết những ý tưởng, kiến thức từng cá nhân. Thay đổi cách thức hợp tác trong nội bộ đơn vị, giữa đơn vị này với đơn vị khác, và với các nhóm xã hội khác nhau. Thay đổi trong cách tiếp cận tổng thể vấn đề, thay vì chỉ dừng lại ở góc nhìn riêng rẽ, gói gọn trong từng đơn vị, từng ngành, từng lĩnh vực.

Tôi kết nối được với nhiều nhóm xã hội khắp mọi miền đất nước: hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cán bộ hưu trí, bà con nông dân, thanh niên khởi nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí,…Hằng ngày, ngoài thông tin từ trong nội bộ, tôi còn nhận được rất nhiều chia sẻ rất hữu ích cho cá nhân tôi và Ngành chúng ta. Trong hàng trăm ý kiến đó, mở ra trong tôi là nhiều câu hỏi. Đâu là thế mạnh của cơ quan quản lý chuyên ngành, đâu là thế mạnh của xã hội? Đâu là nguồn lực hữu hạn, đâu là nguồn lực vô hạn? Làm sao chúng ta kết nối được các nguồn lực đa dạng, vô hạn đó? Làm sao chúng ta vừa hoàn thành nhiệm vụ của một cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời phát huy sức mạnh toàn xã hội để bổ khuyết cho những giới hạn của chúng ta?

Các đồng chí, đồng nghiệp thân mến!

Gắn bó với nghiệp nông gia, ai cũng cầu cho “mưa thuận gió hoà”, nhưng thiên nhiên không phải lúc nào cũng chiều theo mong muốn của con người, cũng có khi “trái gió trở trời”. Tương tự như thế, một tập thể đông người không tránh khỏi những lúc không hiểu hết tâm ý của nhau. Những lúc như vậy, quan trọng hơn hết, cần thiết hơn hết, là cùng ngồi lại với nhau. Ngồi lại với nhau, không gì là không thể. Ngồi lại với nhau, để nhớ đến bao nhiêu điều nông dân, doanh nghiệp đang trông chờ vào chúng ta, cấp trên đang trao niềm tin cho chúng ta. Ngồi lại với nhau, để nhớ đến tên một vở kịch của Lưu Quang Vũ mang triết lý cuộc sống: “Tôi và chúng ta”.  “Tôi và chúng ta” gửi gắm thông điệp rằng, không thể giữ mãi các phương pháp cũ trước bao chuyển biến sinh động, không ngừng của cuộc sống. “Chúng ta” được hình thành từ nhiều cái tôi cthể, vì vậy, cần quan tâm, chăm sóc quyền lợi, hạnh phúc của từng cá nhân con người.

Bản thân tôi cũng là một con người bình thường, nên không tránh khỏi có những lúc làm phiền lòng, làm tổn thương một người nào đó. Không biện minh, không viện dẫn lý do nôn nóng công việc, tôi nhìn nhận đấy là hạn chế, khuyết điểm trong tôi mà thôi. Dù không cố ý và đôi khi rất áy náy vì một lời lỡ nói ra, một hành động lỡ thực hiện, tôi mong mọi người có thể cảm thông và chia sẻ.

Trước mắt chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, cùng nhau làm trong vòng quay của năm thứ hai nhận nhiệm vụ của tôi. Chúng ta lại cùng nhau hướng về những tầm nhìn mới, mục tiêu mới!

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2022

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan