Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững và ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; tạo tiền đề hiện thực hóa khát vọng hùng cường, hạnh phúc của dân tộc. Mới đây, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu đã đề xuất ý kiến tâm huyết để đưa khu vực nông thôn, miền núi tiến tới phát triển bền vững.
Tăng cường hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp
Cho ý kiến về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) khẳng định: Thời gian qua chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhiều nơi đã thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất truyền thống.
Các sản phẩm của nông dân đã phát triển và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được quản lý, khai thác, phát triển, từ đó góp phần phát huy được danh tiếng, uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm hàng hóa ở địa phương.
Theo đại biểu, nhiều hộ dân vùng nông thôn đã bắt đầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các hoạt động kết nối cung, cầu để tiêu thụ nông, lâm sản và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ về mục tiêu của Chương trình là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân theo hướng bền vững là hết sức cần thiết.
Theo đại biểu, đây là một tín hiệu vui để đưa khu vực nông thôn miền núi phát triển bền vững. Để triển khai hiệu quả các hoạt động, đại biểu tỉnh Lưu Bá Mạc đề xuất với Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, quy trình công nghệ, ứng dụng kết quả vào chuỗi giá trị sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quan tâm bố trí nguồn kinh phí theo hướng tăng dần qua các năm để thực hiện chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Cho rằng đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng được xem là "chìa khóa" cho việc triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) chỉ rõ: Hiện chất lượng nguồn nhân lực lao động ở nông thôn nhìn chung còn thấp, lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,5%. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, rộng với kinh tế quốc tế, nông dân phải "gánh" nhiều vai, vừa sản xuất, vừa tiếp thị, vừa hạch toán vừa quản lý.
Do vậy, đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học và công nghệ; cập nhật các kiến thức về pháp luật, quản lý, quản trị để nông dân Việt Nam thực sự là người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng tư duy công nghiệp.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), trong điều kiện khó khăn, thiên tai, dịch bệnh như hiện nay, khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết và phải được đặc biệt quan tâm hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy.
“Để góp phần tăng thu nhập cho người dân, cần có thêm cơ chế, chính sách thực sự đổi mới về vấn đề đất đai, môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ quan nghiên cứu khoa học, để cùng các địa phương đồng hành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiệu quả”, đại biểu cho biết.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn như: xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn linh hoạt hơn, cập nhật hơn cho người lao động vùng nông thôn; trang bị các kiến thức về thị trường, về hội nhập quốc tế và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để có các chương trình hiệu quả hơn, thiết thực hơn cho cán bộ địa phương và người dân. Đặc biệt, cần tăng cường hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Có như vậy mới có thể tăng được thu nhập cho người dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, nông thôn
Theo các đại biểu, qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ và rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều giải pháp hiệu quả đã được triển khai. Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện.
Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các địa phương còn lại đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), kiến nghị: Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để các địa phương căn cứ tổ chức thực hiện. Cùng với đó, cần có quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách trung ương thực hiện chương trình.
Ngoài danh mục các công trình hạ tầng cần ưu tiên đầu tư như trong dự thảo nghị quyết, đề nghị quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, nông thôn. Song song với đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư cho phát triển sản xuất phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu là để thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao, bền vững, giúp cho nông dân làm giàu trên chính mảnh đất nông nghiệp, trên quê hương của mình.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (tỉnh Kiên Giang) cũng cho rằng hạ tầng công nghệ, thông tin truyền thông có vai trò to lớn để phát triển đất nước và nông thôn cũng không ngoại lệ. “Nhờ thông tin, người dân xem thời tiết khí hậu, biết được mùa này nên trồng cây gì, nuôi còn gì thì năng suất cao, bán ở đâu được giá. Nhờ công nghệ thông tin, người dân cũng cập nhật tình hình thời sự, thị trường, nâng cao hiểu biết, kỹ năng, cũng nhờ công nghệ mà hiện nay, trẻ em ngừng đến trường nhưng không ngừng học,” đại biểu nêu vấn đề.
Để phát huy hiệu quả những gì đã đạt được, đại biểu đề nghị cần phân bổ vốn hợp lý để phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, lập dự án chuyển giao công nghệ, ví dụ kỹ thuật số mặt đất ở những vùng sâu, vùng xa để người dân không bị biệt lập với truyền thông...Đại biểu cũng tán thành với chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ hiện nay và đề nghị Chính phủ sớm thực hiện hiệu quả các chính sách này trong thực tiễn./.