Triển khai vụ đông xuân linh hoạt để ứng phó thiên tai

29/11/2022 14:44

Để tránh mất giống đầu vụ đông xuân 2022-2023 do mưa lớn, ngành nông nghiệp Bình Định ứng phó bằng cách triển khai sản xuất linh hoạt theo điều kiện cụ thể từng địa phương.

Đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp Bình Định, vụ đông xuân (ĐX) 202-2023, trên chân ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm xuống giống sớm, tập trung từ ngày 25/11 đến ngày 5/12/2022; chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm xuống giống tập trung từ ngày 10/12 đến ngày 25/12/2022; chân ruộng trũng thấp xuống giống theo tình hình nước rút, tập trung gieo sạ và kết thúc trước ngày 20/1/2023.

Rút kinh nghiệm từ vụ ĐX 2021-2022, mưa lớn xảy ra vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2021 đã gây ngập úng, gây mất giống trên một số diện tích mới gieo sạ. Tiếp đến, mưa lũ bất thường vào cuối tháng 3/2022 đã làm đổ ngã nhiều diện tích lúa vụ ĐX 2021-2022 chưa kịp thu hoạch, kéo giảm năng suất 1,8 tạ/ha so với vụ ĐX 2020-2021.

Nông dân Bình Định đã và đang gieo sạ lúa vụ đông xuân 2022-2023 trên chân cao và chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân Bình Định đã và đang gieo sạ lúa vụ đông xuân 2022-2023 trên chân cao và chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm. Ảnh: V.Đ.T.

Do đó, ngay từ thời điểm này, Sở NN-PTNT Bình Định đã giao các đơn vị chuyên môn, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng thất thường, chúng tôi tập trung vào các giải pháp cụ thể để giúp nông dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất cũ sang sản xuất kiểu mới nhằm giảm rủi ro. Đối với trồng trọt, ngoài việc duy trì diện tích lúa để đảm bảo an ninh lương thực, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương quy hoạch các vùng trồng, lựa chọn các giống cây trồng phù hợp để tăng năng suất, sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, chia sẻ.

Cũng theo ông Cang, bên cạnh lịch thời vụ chung của tỉnh, các địa phương dựa vào đó để có kế hoạch chủ động sản xuất phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương. Để thích ứng với thời tiết biến động ngày càng phức tạp, ngành nông nghiệp Bình Định phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tuân thủ lịch thời vụ, cập nhật diễn biến thời tiết để linh hoạt gieo sạ, tránh tình trạng mất giống do mưa lớn.

Chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm xuống giống tập trung từ ngày 10/12 đến ngày 25/12/2022. Ảnh: V.Đ.T.

Chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm xuống giống tập trung từ ngày 10/12 đến ngày 25/12/2022. Ảnh: V.Đ.T.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai một số mô hình sản xuất an toàn, giảm áp lực chi phí do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Ví như các mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ...

“Tiếp nối thành công của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trong năm 2022, vụ ĐX 2022-2023 và những vụ tiếp theo, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô các mô hình, nhóm nông dân tham gia, giúp người dân làm quen, chuyển đổi và thích ứng dần”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, chia sẻ.

Triển khai linh hoạt để “né” thiên tai

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng ngày 30/11/2022, 1 đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung. Từ ngày 1-3/12/2022, khu vực phía Nam biển Đông có khả năng xuất hiện vùng áp thấp, có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất 65-75%, khoảng 15-25% mạnh lên thành bão. Những ngày đầu tháng 12/2022, vùng Trung bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to trên diện rộng.

Theo đó, từ đầu tháng 12/2022, dự báo trên địa bàn Bình Định sẽ có mưa lớn. Trong khi hiện nay nông dân ở một số địa phương đã và đang gieo sạ lúa vụ ĐX 2022-2023 trên chân cao và chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm, nguy cơ sẽ bị thiệt hại giống do mưa lớn.

Vụ đông xuân ở Bình Định thường gặp mưa lớn vào đầu vụ, nông dân phải thực hiện các phương án tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Vụ đông xuân ở Bình Định thường gặp mưa lớn vào đầu vụ, nông dân phải thực hiện các phương án tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Do đó, sáng 28/11, Sở NN-PTNT Bình Định đã có văn bản gửi các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng theo dõi kỹ tình hình thời tiết để linh động điều chỉnh lịch gieo sạ cho phù hợp. Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cũng sẽ ban hành các giải pháp kỹ thuật đi kèm để ứng phó với thời tiết và triển khai kịp thời vụ.

Sở NN-PTNT Bình Định đề nghị các địa phương kịp thời thông tin đến nông dân về dự báo tình hình mưa lớn trong thời gian tới, để bà con chủ động các biện pháp ứng phó, giảm thiểu hư hỏng, mất giống trong đầu vụ ĐX 2022-2023. Đối với diện tích đã gieo sạ, ngành chức năng khuyến cáo nông dân chủ động thực hiện các phương án tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn.

Mưa lớn thường xảy ra vào đầu vụ đông xuân khiến nông dân mất giống, phải mua giống sạ đi sạ lại. Ảnh: V.Đ.T.

Mưa lớn thường xảy ra vào đầu vụ đông xuân khiến nông dân mất giống, phải mua giống sạ đi sạ lại. Ảnh: V.Đ.T.

Căn cứ vào dự báo thời tiết sẽ có mưa lớn trong những ngày đầu tháng 12/2022, ngành chức năng phối hợp với chính quyền kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thời điểm gieo sạ chân ruộng sản xuất 3 vụ và 2 vụ lúa/năm phù hợp, dựa trên cơ sở lịch thời vụ của ngành nông nghiệp Bình Định ban hành. Sở NN-PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các HTX Nông nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp bảo quản lúa giống, vật tư nông nghiệp đã chuẩn bị cho sản xuất vụ ĐX 2022-2023 tránh bị ướt, ngập nước làm ảnh hưởng đến chất lượng.

Vũ Đình Thung (NN)
Bạn đang đọc bài viết "Triển khai vụ đông xuân linh hoạt để ứng phó thiên tai" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309