Có lợi thế về vị trí chiến lược, trong đó tiếp giáp với các trục đường chính như quốc lộ 1A, quốc lộ 19, các trục đường huyện… nhưng trong quá trình xây dựng, Tuy Phước luôn chú trọng đến giữ gìn bản sắc và phát huy các giá trị vốn có trước đó. Thiên nhiên ưu đãi cho Tuy Phước có cả sông, núi, hồ, đầm và các ưu thế này, đã và đang được bảo tồn phát triển, trở thành một phần quan trọng trong không gian đô thị của địa phương.
Toàn huyện có 16 di tích lịch sử văn hóa cách mạng (trong có 4 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh). Hệ thống danh thắng huyện Tuy Phước hết sức phong phú và đa dạng như: khu sinh thái Cồn Chim, Tiểu chủng viện Làng Sông (nơi có nhà máy in chữ Quốc ngữ đầu tiên tại miền Trung), khu du lịch sinh thái Diêm Vân... Ngoài ra, Tuy Phước còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Nghệ thuật Tuồng, Bài chòi cổ dân gian, Chèo bả trạo, lễ hội Chợ Gò, lễ hội Chùa Bà... đã được bảo tồn, phát huy tốt các giá trị. Cùng với đó, Trung tâm VHTT huyện đạt chuẩn theo đã kết nối hoạt động thường xuyên với 11 Trung tâm VHTT xã và 91 Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn để tạo nên “không gian” phục vụ tốt hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân.
Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: Những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bề dày di tích lịch sử đã được chính quyền và nhân dân nơi đây bảo tồn tối đa để tạo nên vóc dáng bộ mặt đô thị xanh hiện có của địa phương. Đặc biệt hơn, để kết nối với danh lanh thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, Tuy Phước đang triển khai mạnh mẽ xây dựng các cung đường để kết nối, từ đó phát huy các giá trị di sản để phục tốt cho cộng đồng. Riêng vấn đề môi trường, đến nay toàn huyện Tuy Phước có 100% các xã, thị trấn đều có dịch vụ thu gom rác thải cũng như thành lập 101 tổ, đội thu gom rác thải và 182 tổ tự quản các tuyến đường tự quản, đảm bảo xanh, sạch, đẹp... Ngoài ra, 2 làng nghề Bánh tráng Kim Tây và làng nghề Trồng hoa Bình Lâm tại xã Phước Hòa đều có hồ sơ môi trường và xử lý chất thải theo quy định.
Với định hướng phát triển hướng đến không gian đô thị xanh, theo ông Nam "UBND huyện Tuy Phước đang tập trung triển khai rà soát, điều chỉnh cục bộ, tổng thể các đồ án quy hoạch chung. Trước mắt, huyện Tuy Phước đã hoàn thành đầu tư xây dựng các công viên cây xanh nội thị với tổng diện tích trên 11.550 m2, hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường trục chính nội thị với tổng diện tích 7.950 m2, nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc và không gian xanh công cộng đô thị. Cụ thể là Công viên Can Lộc ở ngã ba cầu Ông Đô, Quảng trường Xuân Diệu và nhiều khu đất trống tại các khu dân cư mới đã được xây dựng thành công viên quy mô nhỏ (thị trấn Tuy Phước 2 công viên, thị trấn Diêu Trì 1 công viên)".
Khát vọng về một huyện nông thôn mới hướng đến không gian đô thị xanh được hiện hữu rõ hơn khi tại buổi dự lễ đón nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới vừa rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, “Tuy Phước phải trở thành 1 huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao của Việt Nam. Đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định và huyện Tuy Phước cần có kế hoạch cụ thể, bước đi phù hợp, giữ vững môi trường sống cho người dân, nhất là Đầm Thị Nại – lá phổi xanh trên địa bàn”. Đáp lại niềm mong mỏi, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã hứa nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo định hướng của Chủ tịch nước, để cụ thể hóa triển khai thực hiện trong thời gian tới.