Năm 2015, Khánh Hà được công nhận là xã nông thôn mới. Không dừng lại ở đó, xã tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và không ngừng phát triển...
Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Nguyễn Viết Bình, khó khăn nhất đối với xã thuần nông là tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Xác định rõ hạn chế, lợi thế, Khánh Hà tập trung đi kèm giải pháp khi triển khai xây dựng chương trình. Do vậy, từ năm 2015, Khánh Hà đã "cán đích" xây dựng nông thôn mới, tiếp tục hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo đó, xã đầu tư hơn 230 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó phần lớn là nguồn hỗ trợ từ ngân sách thành phố và huyện; phần còn lại được xã hội hóa từ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn...
Nhờ nguồn lực đó, cùng sự quyết tâm của chính quyền và người dân, Khánh Hà có bước chuyển mình lớn. Đến nay, xã có tổ chức Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Hà thực hiện theo Luật Hợp tác xã mới với nhiều hoạt động dịch vụ cơ bản, thiết yếu như dịch vụ thủy nông và vật tư nông nghiệp, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả. Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Hà còn phát triển dịch vụ kinh doanh sản phẩm hạt gỗ, hộp gỗ, khung tranh, vòng hạt gỗ, đũa ăn và đang được đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Đặc biệt, xã có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ, quy mô gần 5ha; mô hình sử dụng máy bay không người lái hỗ trợ chăm sóc lúa. Ngoài ra, xã quy hoạch, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp, dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Hợp tác xã Tâm An (chuyên sản xuất dược liệu tại xã Khánh Hà) Nguyễn Thị Thu cho biết: Trước kia, nhiều diện tích trồng lúa, rau màu của xã bỏ hoang, nông dân gặp nhiều khó khăn. Hợp tác xã đã đứng ra thuê đất, hướng dẫn người dân trồng, chế biến dược liệu. Đến nay, ngoài vùng trồng dược liệu, Hợp tác xã đầu tư dây chuyền sản xuất các loại trà đóng gói từ dược liệu như trà chùm ngây, trà cà gai leo và một số mỹ phẩm chiết xuất từ dược liệu, được phân phối tại hệ thống siêu thị lớn.
Cùng với chuyển dịch kinh tế, Khánh Hà cũng đầu tư lớn cho hệ thống giao thông. Cụ thể, tính riêng trong năm 2023, xã đã triển khai đầu tư 3 tuyến đường trục liên thôn, 4 tuyến đường trục nội đồng, 3 tuyến đường ngõ xóm với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, đường trục xã, liên xã được rải nhựa và lắp đặt các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…). Đối với đường trục thôn, liên thôn, đều có hệ thống chiếu sáng, cây xanh, cơ bản bảo đảm tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp”...
Ông Nguyễn Viết Bình cho biết thêm, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, Khánh Hà đổi thay với diện mạo nông thôn mới hiện đại song vẫn giữ được nét truyền thống. Đời sống nhân dân không ngừng nâng cao, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) được xây dựng mới, phát triển đồng bộ. Hiện, xã không có hộ nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. 100% số làng đạt văn hóa, số gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, giữ vững.
Đánh giá về xây dựng nông thôn mới tại xã Khánh Hà, Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho rằng, với cách làm linh hoạt, sáng tạo cùng quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã, đến nay, Khánh Hà cơ bản hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đây là kết quả đáng ghi nhận ở một xã thuần nông song có bước chuyển dịch kinh tế, đầu tư hạ tầng kết nối giao thông hiệu quả. Kết quả khá toàn diện của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hà trong xây dựng nông thôn mới nâng cao thể hiện tầm nhìn, tư duy, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền kết hợp sức mạnh nội tại toàn dân trong xã đang tạo nền tảng vững chắc để Khánh Hà tiếp tục vững bước trên chặng đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội)