Xây dựng Nông thôn mới đạt hiệu quả cao tại Huyện Châu Thành (Bến Tre)

PV
Châu Thành là một huyện thuần nông của tỉnh Bến Tre. Với thế mạnh của vùng đất giàu phù sa nên nơi đây đã trở thành vùng trồng ăn quả đặc sản, có giá trị kinh tế cao.

Phóng viên Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn VN đã phỏng vấn ông Phạm Văn Sang - chủ tịch UBND huyện về xây dựng NTM trong thời gian qua: 

z4497232386662-17b2d827fe393bcad4b2ff18db7b6406-1688742512.jpg
Ông Phạm Văn Sang - chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Bến Tre)


PV: Thế mạnh của huyện mình so với các huyện khác ở Bến Tre trong khi thực hiện chuyển dịch cây trồng - vật nuôi gắn với xây dựng NTM? 

Trả lời:

Đối với cây trồng: Thế mạnh của huyện Châu Thành so với các huyện khác ở tỉnh Bến Tre là vườn cây ăn trái đặc sản khoảng 8.000ha (gồm các cây như: bưởi da xanh, sầu riêng và chôm chôm); khoảng 5.000ha diện tích dừa xiêm xanh uống nước. Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp có những lợi thế như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, chuyển trồng những cây phù hợp với điều kiện về đất đai, tập quán, kỹ thuật canh tác. Từ đó, hình thành nên vùng cây ăn trái tập trung (các xã cánh Tây trồng cây ăn trái đặc sản như: sầu riêng, chôm chôm và bưởi da xanh; các xã cánh Đông trồng dừa xiêm xanh uống nước và cây bưởi da xanh); từng bước hình thành vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng mã số vùng trồng và tham gia mô hình kinh tế tập thể gắn các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện đã góp phần tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, doanh thu kinh tế vườn khá cao, từ đó lợi nhuận trên 1ha (đối với cây sầu riêng ước khoảng 500 triệu; chôm chôm khoảng 200 triệu; bưởi da xanh khoảng 200 triệu; dừa xiêm uống nước khoảng 120 triệu) đã góp phần tăng thu nhập của người dân nông thôn tham gia mô hình kinh tế vườn.

Đối với vật nuôi: Huyện Châu Thành có khoảng: 500.000 con gia cầm; khoảng: 20.000 con heo, 3.800 con bò, 25.000 con dê. Huyện đã phát huy được các lợi thế mô hình chăn nuôi như: mô hình nuôi nông hộ; mô hình nuôi gia công gắn kết với công ty, doanh nghiệp. Các mô hình chăn nuôi thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đối với mô hình chăn nuôi nông hộ theo gia trại, trang trại là một trong những mô hình phổ biến của huyện về nuôi gia cầm, nuôi heo, nuôi bò và nuôi dê đã góp tăng thu nhập đáng kể cho các hộ dân. Đặc biệt, trong thời gian qua được sự hỗ trợ của các chương trình dự án (dự án Ifad; AMD,…) hỗ trợ phát triển mô hình nuôi dê, nuôi bò, gà góp phần tăng thu nhập cho hộ hộ nghèo, cận nghèo.

PV: Quá trình xây dựng NTM, huyện Châu Thành đã đạt được những kết quả gì? Những vấn đề đặt ra cần được sự quan tâm đúng mức để cuộc vận động xây dựng NTM trở thành động lực của mỗi gia đình, mỗi ấp và mỗi xã?

Trả lời:

Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lâu dài và xuyên suốt, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Châu Thành tập trung quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt 14 tiêu chí trở lên. Số tiêu chí bình quân các xã đạt là 17,45 tiêu chí. Năm 2022, xây dựng 05 xã nông thôn mới và 02 xã nông thôn mới nâng cao; huyện đã hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định đánh giá công nhận. 

z4497232396767-e9212981c79598e86eae65aa4dd8acbc-1688742512.jpg

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện từng bước hoàn thiện, các công trình xây dựng giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế,… được đầu tư tạo nên diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ; việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn được huyện quan tâm thực hiện, các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã có phát triển; công tác xây dựng nông thôn mới gắn với việc củng cố, nâng chất xây dựng đời sống văn hóa, công tác bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

PV: Phương hướng cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là gì?

Trà lời: 

- Cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền vận động của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã; xây dựng kế hoạch và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện kế hoạch về hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong năm.

- Tổ chức các cuộc họp định kỳ của Ban Chỉ đạo, cán bộ nông thôn mới các xã để nắm tiến độ thực hiện, các khó khăn, vướng mắc kịp thời chỉ đạo giải quyết. 

- Hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, có thương hiệu hàng hóa và có uy tín trên thị trường, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thành viên.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình, của cộng đồng dân cư, tự giác tham gia góp công, góp của, chung sức xây dựng nông thôn mới.

- Chỉ đạo ngành công an thường thường kiểm tra, tuần tra, tuyên truyền về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Pv : Xin cảm ơn ông.