Xây dựng thương hiệu “Dưa gang muối Quế Võ” cho sản phẩm dưa gang muối của thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

 1. Đặt vấn đề

Xuất thân từ một món ăn truyền thống của người dân Quế Võ, những quả dưa gang trồng và muối chua đã trở thành một sản phẩm hàng hóa đang được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, thị xã Quế Võ có 23 ha đất màu chuyên canh cây dưa chuột và chế biến hàng chục tấn dưa gang muối hàng năm, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm và gấp từ 2-3 lần nếu muối dưa. Phát triển sản phẩm đặc thù và có thế mạnh như “Dưa gang muối Quế Võ” là một trong những giải pháp hiện thức hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thị xã giai đoạn 2020-2025 (công nghiệp công nghệ cao tập trung, thương mại và dịch vụ hiện đại, đô thị hóa, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái và làng nghề, bảo tồn phát triển các làng nghề truyền thống, nông thôn mới kiểu mẫu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống...). Tuy nhiên, sản xuất quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, cần được cải thiện và nâng cấp về chất lượng và bao bì đóng gói theo các tiêu chuẩn để mở rộng thị trường, tăng giá trị và phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ NHCN "Dưa gang muối Quế Võ; áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, tiến bộ kỹ thuật; quảng bá, xúc tiến thương mại; đa dạng hóa kênh phân phối và thay đổi phương thức bán hàng truyền thống bằng thương mại điện tử; thiết lập hệ thống quản lý nhãn hiệu; xây dựng và sử dụng hệ thống nhận diện, truy xuất nguồn gốc là cần thiết.

2. Định danh pháp lý cho sản phẩm “Dưa gang muối Quế Võ”

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, nhiều địa phương, quốc gia cùng sản xuất một loại sản phẩm. Vì vậy, hàng hóa cần có các dấu hiệu nhận diện tiêu dùng và bảo hộ quyền sở hữu để tiêu thụ và tránh các tranh chấp thương mại. Nhãn hiệu chứng nhận (chứng nhận hàng hóa) là một thông lệ quốc tế phổ biến, phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại. Sản phẩm gắn nhãn được pháp luật và người tiêu dùng coi như là một minh chứng đã đáp ứng được những tiêu chuẩn cụ thể và đã được kiểm soát và chứng nhận độc lập.

Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 15/6/2020 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án: “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”, sản phẩm dưa gang muối của thị xã Quế Võ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ” ngày 16/01/2024.

UBND thị xã Quế Võ là chủ sở hữu và Phòng kinh tế thị xã là cơ quan quản lý nhãn hiệu này, đối tượng sử dụng nhãn hiệu là các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm trên địa bàn. Nhãn hiệu “Dưa gang muối Quế Võ” đã được định danh pháp lý về logo (biểu tượng của sản phẩm), chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng (cảm quan, lý hóa), kỹ thuật sản xuất (canh tác, chế biến), khu vực địa lý (toàn bộ địa giới hành chính của thị xã Quế Võ), Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu.

Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “ Dưa gang muối Quế Võ” là Ủy ban nhân dân thị xã Quế Võ và Phòng Kinh tế thị xã Quế Võ thực hiện chức năng quản lý nhãn hiệu: Cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và/hoặc kinh doanh sản phẩm dưa gang muối đáp ứng được các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm; kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm.

anh-chup-man-hinh-2024-06-06-luc-131537-1717654562.png
Lễ Công bố Văn bằng bảo hộ NHCN “Dưa gang muối Quế Võ

3. Quản lý và phát triển nhãn hiệu “Dưa gang muối Quế Võ”

Định danh pháp lý cho “Dưa gang muối Quế Võ” mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên chặng đường dài thuyết phục thị trường tiêu dùng và tin dùng sản phẩm. Định vị thị trường cho sản phẩm là việc quản lý sử dụng biểu tượng đã được bảo hộ gắn với hệ thống nhận diện và chất lượng sản phẩm, tổ chức vận hành chuỗi cung ứng, kiểm soát quy trình kỹ thuật sản xuất, phát triển mạng lưới tiêu thụ và dịch vụ hỗ trợ. Thực tế cho thấy, nếu chỉ tập trung vào việc bảo hộ và khai thác thương mại mà bỏ quên việc quản lý chất lượng sản phẩm sẽ có tác dụng ngược “phản thương hiệu” (chất lượng suy giảm, nạn hàng giả/nhái,... làm mất niềm tin tiêu dùng). Vì vậy, “Dưa gang muối Quế Võ” đã được xây dựng hệ thống nhận diện (bao bì, nhãn, tem truy xuất nguồn gốc Qr-code, standee, poster, biển hiệu, túi quà tặng, website,...) với các thông tin xác thực về nguồn gốc xuất xứ (cơ sở sản xuất), chất lượng và an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất và quá trình kiểm soát/chứng nhận sản phẩm để quảng bá và xúc tiến thương mại.

Quản trị nhãn hiệu chính là việc tạo dựng và duy trì hình ảnh của sản phẩm với người tiêu dùng bằng chất lượng, sự cam kết của nhà sản xuất. Vì vậy, sản phẩm “Dưa gang muối Quế Võ” đã được xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm (Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, Quy định kiểm soát chất lượng sản phẩm,...).

Để phát triển thị trường sản phẩm “Dưa gang muối Quế Võ”, UBND thị xã Quế Võ đã lựa chọn 12 hộ gia đình tiêu biểu, có sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cấp quyền sử dụng và khai thác thương mại nhãn hiệu này.

Ngoài các kênh tiêu thụ hiện có, một số hộ gia đình sản xuất được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu đã đa dạng phương thức bán hàng và thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống bằng việc bán hàng online, có bao bì, nhãn và truy xuất nguồn gốc. Qua đó, sản phẩm “Dưa gang muối Quế Võ” sẽ có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ.

anh-chup-man-hinh-2024-06-06-luc-132026-1717654879.png

UBND thị xã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 12 hộ sản xuất, kinh doanh.

4. Kiến nghị

Sản phẩm “Dưa gang muối Quế Võ” đã được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu này đã được thiết lập và cấp quyền khai thác thương mại cho 12 hộ gia đình là những kết quả tích cực ban đầu.

Vấn đề quan trọng hiện nay là duy trì vận hành hệ thống quản lý chất lượng của thị xã và của chính các hộ sản xuất, liên kết theo chuỗi, nghiên cứu mở rộng thị trường,... Để quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu “Dưa gang muối Quế Võ”, đề xuất một số kiến nghị sau:

- Hỗ trợ xây dựng các loại hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị giữa những người nông dân sản xuất nhỏ thành các tổ chức tập thể (Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp địa phương), lấy doanh nghiệp làm trung tâm để kết nối với thị trường; gắn kết sản xuất nguyên liệu với chế biến và thị trường tiêu thụ.

- Thay đổi thói quen cũ, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản và đóng gói công nghệ cao giúp kéo dài thời gian lưu tồn của sản phẩm.