Những ký ức về phong cách báo chí của Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hương Sắc sẽ không bao giờ phai nhạt. Ông đã về với cõi vĩnh hằng nhưng những tâm tư chia sẻ về nghề báo của ông vẫn còn đau đáu trong lòng bao người ở lại.
Ông thường phân tích, nghề báo không chỉ chịu áp lực và sức ép về thời gian mà còn phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập như phải tác nghiệp trong những mùa mưa lũ, hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh, phản ánh cái xấu…Vậy nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao người làm báo phải hết sức linh hoạt và say mê thâm nhập cuộc sống để phản ánh những vấn đề xã hội.
Người viết cần phải nắn nót từng con chữ, từng câu từ để có được một tác phẩm báo chí hay, sắc sảo, có sức lan tỏa rộng, được độc giả chú ý và gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.Trong nghề báo, cách học tốt nhất là học hỏi chính ngay trong cuộc sống, học bạn bè đồng nghiệp và tự học ngay trong quá trình hoạt động thực tiễn của bản thân mình.
Để nhìn nhận chuẩn xác vấn đề và có thể phản ánh đúng tính chất báo chí thì một người phóng viên cần có tư duy nhanh nhạy và phân tích tình huống “khác biệt” so với những người bình thường.Ông lưu ý tác phẩm báo chí không chỉ cung cấp những thông tin mang tính "vật liệu" thuần túy như cách đưa tin của mọi cá nhân trên mạng xã hội mà phải cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thông tin hoàn thiện.
Ông cũng thường nhấn mạnh về thử thách trước cái tâm, cái tầm, cái tài của người làm báo với ma lực đồng tiền và bao lực hút cám dỗ danh lợi khác. Vượt qua được thử thách “cam go” này sẽ hun đúc bản lĩnh nghề nghiệp. Ông cho rằng người viết báo phải luôn có tinh thần cầu thị ham học hỏi, khiêm nhường và biết giấu cái tôi của mình sau mỗi tác phẩm báo chí, phải luôn biết đặt mình vào người đọc, hiểu người đọc và cung cấp cho người đọc những thông tin trung thực mang được "hơi thở" cuộc sống.
Để báo chí đến với được công chúng một cách nhanh chóng và đi vào lòng người không quá cứng nhắc, ông cho rằng trong báo chí cần phải có chất văn học. Điều đó thể hiện ở cách nhìn, cách nghĩ, cách diễn đạt, nghĩa là mọi thứ vẫn xoay quanh cái thông tin mới.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: Người làm báo phải hình thành cho mình những kỹ năng thu thập thông tin tài liệu và những bằng chứng, dữ liệu đa chiều. Trong đó cần phải đặc biệt quan tâm đến mối liên hệ giữa các luận cứ trong bài viết với yếu tố hình ảnh, thông tin đồ họa. Một bài viết dù có hay đến đâu mà thiếu những yếu tố đó cũng là bài viết "chay" thiếu hấp dẫn, thiếu tính thuyết phục.
Đặc biệt ông lưu ý những nhà báo trẻ cần chú ý vượt qua được những giới hạn của mình để tránh viết "Nhàm, Nhạt, Nhảm, Nhăng" luôn phấn đấu để có được những trang viết có giá trị đạt được các tiêu chí "Nhanh, Trúng, Đúng, Hay". Điều quan trọng nhất là chú ý tới những người viết có phong cách, tìm tòi cái mới.Người làm báo trẻ nên thường xuyên tự bồi dưỡng trau dồi những cá tính riêng, phải có tí châm chọc, Trong mọi hoàn cảnh phải "giữ cho trái tim luôn nóng, cái đầu luôn lạnh" và luôn thấm nhuần lời dạy của bậc thầy báo chí Cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Hồ Chí Minh:
Suy nghĩ trước khi viết
Cương quyết khi hành động
Bình tĩnh sáng suốt lúc nguy nan
Nhẫn nại ôn hòa khi tức giận
Thẳng thắn quá hay mất lòng
Nguyên tắc quá hay hỏng việc
Giải quyết linh động tùy trường hợp
Qua những câu chuyện của một nhà báo lão thành cách mạng như ông, đã giúp chúng tôi ghi nhớ những lời khuyên quý báu ấy làm cẩm nang bước vào nghề báo và sẽ theo chúng tôi đi hết cuộc đời.