Người dân trong vùng quen gọi anh Hồ Đắc Vĩnh là "triệu phú dế". Hiện tại anh Vĩnh đang sở hữu trại nuôi dế lớn nhất vùng biên giới Tây Ninh với số lượng khoảng 2,5 triệu con.
Anh Hồ Đắc Vĩnh nhẩm tính, với khoảng 100 thùng dế ở trại, ước tính có khoảng 2,5 triệu con. Trung bình mỗi tháng, trại dế anh xuất chuồng khoảng 500 – 600kg dế thương phẩm. Với mức giá thị trường dao động từ 70.000 – 130.000 đồng/kg dế tươi (trại dế cung cấp dế thịt, dế giống, thức ăn cho chim cảnh - PV) thì thu nhập của anh Vĩnh từ 50-80 triệu đồng/tháng.
Thành công từ nhiều lần thất bại
Anh Vĩnh kể, từ nhỏ anh sống ở vùng nông thôn biên giới nên quá quen với các loài dế ngoài đồng ruộng. Thế nhưng, việc sử dụng thuốc hóa học càng nhiều khiến loài dế ít dần trong tự nhiên. Nghĩ vậy, năm 2004, khi đang làm cán bộ công an xã, anh Vĩnh xin nghỉ để về thử sức với nghề nuôi dế.
“Thời điểm này hầu như có rất ít người nuôi dế, đặc biệt khó tìm được người có kinh nghiệm để học hỏi, thậm chí đến cả sách hướng dẫn cách nuôi dế cũng tìm không ra”, anh Vĩnh nhớ lại.
Nghĩ là làm, anh Vĩnh bắt vài ổ trứng dế ngoài ruộng về nuôi thử. Ban đầu nuôi một chuồng, sau đó anh nhân lên khoảng 5 chuồng. Anh Vĩnh cho hay đặc trưng chung dế là dễ nuôi, đẻ nhanh. Trung bình một con dế mái đẻ được khoảng 400 trứng cho một chu kỳ sinh sản kéo dài 22 ngày. Nắm được đặc tính ấy, chỉ sau vài tháng khởi nghiệp, đàn dế của anh đã lên đến hàng trăm ngàn con.
Những tưởng con dế giúp anh khởi nghiệp thành công, thế nhưng đến ngày gần xuất bán thì đàn dế lăn đùng ra chết sạch. Trắng tay, thua lỗ và ngay đến khoản tiền cám thức ăn anh cũng phải mang nợ. Để có tiền trả nợ, anh đôn đáo xoay sở đủ việc làm. Thế nhưng, anh luôn nghĩ, dế nuôi dễ sinh sản thì sao mà không thể nuôi được? Sau thời gian mày mò tìm hiểu và qua nhiều lần thất bại, anh phát hiện nguyên nhân do môi trường nuôi quá chật chội khiến đàn dế của mình không sống được.