Bình Định: Truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn

Sáng 17/4, tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn, năm 1966.

Dự lễ có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, Sư đoàn 3 Sao vàng, Ban Liên lạc Sư đoàn 3 sao vàng cùng các thân nhân các liệt sĩ.

Bình Định: Truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn ảnh 1

Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn năm 1966.

Theo Bộ CHQS tỉnh Bình Định, cuộc tìm kiếm hố chôn tập thể các liệt sĩ Trung đoàn 22 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) hy sinh anh dũng tại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) kéo dài trong nhiều năm qua.

Từ nguồn tin của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn), Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khảo sát, thăm dò tại vị trí khoanh vùng ở thực địa. Đến nay, qua các mẫu xương, răng và nhận dạng rất nhiều di vật được tìm thấy, xác định đây chính là hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh trong trận tập kích cứ điểm đồi Xuân Sơn.

Do nhiều yếu tố lịch sử chiến tranh, đến nay bước đầu mới chỉ xác định được danh tính 60 liệt sĩ.

Tại lễ truy điệu, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Phi Long – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bày tỏ: Đây là tổn thất vô cùng to lớn. Đảng và Nhà nước ta mất đi những người con kiên trung, bất khuất; Quân đội ta mất đi những cán bộ, chiến sĩ trung dũng, kiên cường; quê hương và gia đình mất đi những người con trung hiếu.

Sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm thêm vào trang sử vàng bất khuất của dân tộc Việt Nam, những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hương linh các anh hùng liệt sĩ mãi mãi vọng tiền nhân, soi hậu thế! Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Bình Định hôm nay và mãi mãi mai sau xin tạc dạ, ghi lòng.

“Trong giờ phút thiêng liêng, trọng đại này, chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước hương linh của các anh hùng liệt sĩ và kính dâng nén hương thơm với tất cả lòng thành kính, tri ân, lòng biết ơn vô hạn đối với những người con ưu tú của mọi miền đất nước đã xả thân, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho nền độc lập tự do và sự thống nhất của Tổ quốc thân yêu. Chúng ta, những thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau xin nguyện sẽ tiếp tục sống xứng đáng và có trách nhiệm hơn nữa đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, nguyện đem hết tâm sức, trí tuệ và nghị lực của mình để làm cho mảnh đất Bình Định thân yêu này mãi mãi xanh tươi, ngày càng phát triển, tiếp nối con đường, mục tiêu, lý tưởng cao cả mà các anh hùng liệt sĩ đã nguyện hiến dâng xương máu và tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc”, ông Long bày tỏ.

Tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trao tặng 200 triệu đồng cho Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Ân để cùng nhân dân xây dựng bia tưởng niệm, mộ cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vừa được tìm thấy.

Một số hình ảnh tại buổi lễ truy điệu

Bình Định: Truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn ảnh 2
Bình Định: Truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn ảnh 3
Bình Định: Truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn ảnh 4

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại buổi lễ truy điệu và an táng các anh hùng liệt sĩ.

Bình Định: Truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn ảnh 5

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tại buổi lễ truy điệu, an táng các anh hùng liệt sĩ.

Bình Định: Truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn ảnh 6
Bình Định: Truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn ảnh 7

Hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ.

Đồi Xuân Sơn cách thị trấn Bồng Sơn 22km về phía tây nam, cao 198m, phía đông bắc giáp núi Gò Công, 3 hướng còn lại giáp sông Nước Lương và sông Kim Sơn. Trên đỉnh đồi quân Mỹ bố trí một trận địa pháo 12 khẩu 105 mm và 155 mm, lực lượng có 2 đại đội pháo binh và 2 đại đội bộ binh, quân số khoảng 650 tên Mỹ (thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1) và được sự yểm trợ trực tiếp của 2 căn cứ pháo binh Tân Thạnh và và Kim Sơn, vì vậy các chỉ huy Mỹ cho rằng Xuân Sơn sẽ "miễn dịch" với bất kỳ cuộc tấn công nào của đối phương.

Đêm 26 rạng sáng ngày 27 tháng 12 năm 1966, Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng với quân, dân huyện Hoài Ân tổ chức tập kích cứ điểm đồi Xuân Sơn. Đây là trận đánh có ý nghĩa quan trọng nhằm kéo quân Mỹ ra để tiêu diệt, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng nổi dậy, chống địch càn quét gom dân, lập "ấp chiến lược, phá âm mưu "bình định" của Mỹ, ngụy.

Trung đoàn 22 đã diệt và làm bị thương khoảng 600 lính Mỹ, phá hủy 11 khẩu pháo 105mm và 155mm, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, thu 34 súng các loại. Trên đường lui quân ta diệt thêm 120 lính Mỹ và 1 trực thăng.