Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy vịt cỏ Vân Đình làm ví dụ 'bốn nấc thang giá trị'

02/06/2023 14:11

'Hà Nội có quá nhiều giá trị vô hình. Những sản phẩm hữu hình, bán là mất, còn những cái vô hình, bán đi vẫn còn mãi', Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.

Nông thôn mới Hà Nội là niềm cảm hứng cho nhiều địa phương

Sáng 21/4, Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 04 của Thành uỷ về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Thành phố hiện có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 huyện còn lại tuy chưa đạt chuẩn nhưng đã hoàn thiện hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định công nhận.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm trứng gà, cà gai leo SaDu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm trứng gà, cà gai leo SaDu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có 4 địa phương đủ điều kiện huyện nông thôn mới nâng cao, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2023.

2 địa phương phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Có 111 xã nông thôn mới nâng cao và 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân hàng năm 3,03%, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch TP giao.

Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, trong đó 57 chuỗi nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt.

Từ năm 2019 đến nay TP đã đánh giá được 2.167 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao, 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao và 780 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, do thời hạn công nhận sản phẩm OCOP theo quy định là 36 tháng, vì vậy đã có 296 sản phẩm OCOP được chứng nhận hết hạn, chỉ còn 1.871 sản phẩm OCOP.

Dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá: “Hà Nội là niềm cảm hứng cho nhiều địa phương của cả nước, là niềm cảm hứng cho Bộ NN-PTNT và cá nhân tôi, để tiếp tục kiến tạo nên những miền quê nông thôn đáng sống…”.

TP. Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Tư liệu.

TP. Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Tư liệu.

Chương trình nông thôn mới của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, ngày càng đi vào chiều sâu. Ở đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một được nâng cao. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp ngày càng được chuyển dịch tích cực, phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị.

Thủ đô hiện dẫn đầu về số lượng hợp tác xã với gần 1.400 cái đang hoạt động. Những làng nghề truyền thống, đa dạng bản sắc không chỉ tạo việc làm, giúp cải thiện đời sống cho người dân mà còn kết nối cộng đồng, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống.

Chương trình nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các mô hình sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập của người dân mà giá trị sâu xa của nó ở chỗ kích hoạt, hồi sinh đời sống cộng đồng nông thôn đã bị tác động bởi công nghiệp hóa. 

Những cái vô hình, bán đi vẫn còn mãi

Tuy Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hơn hai năm triển khai Chương trình 04 nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng dư địa của phát triển nông nghiệp của Thủ đô vẫn còn rất lớn và TP cần khai quật tiềm năng riêng có của mình trên cơ sở đổi mới tư duy: “Những sản phẩm OCOP là hữu hình, bán là mất đi, còn những cái vô hình bán đi vẫn còn mãi. Đó là những giá trị văn hóa, bản sắc, truyền thống lịch sử, những dấu ấn của từng địa danh... Hà Nội có quá nhiều giá trị vô hình.

Tôi có xem những sản phẩm OCOP của Hà Nội. Có bốn nấc thang giá trị của nền kinh tế mà tôi lấy luôn con vịt cỏ Vân Đình làm ví dụ cho dễ hiểu. Nếu chúng ta nuôi con vịt rồi bán đó là bán sản phẩm thông thường, bán thô chứ chưa tạo ra giá trị gia tăng, đó là nấc thang thứ nhất.

Nấc thang thứ hai là làm ra được sản phẩm từ con vịt cỏ Vân Đình như món chả vịt. Đa phần chúng ta đang nằm ở trong nấc thang thứ hai này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) bên sản phẩm chả cá thát lát Huệ Dương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) bên sản phẩm chả cá thát lát Huệ Dương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nấc thang thứ ba, cũng là vịt cỏ Vân Đình, sau khi chế biến, làm thương hiệu, công nhận OCOP thì bán qua sàn thương mại điện tử để đưa đến các siêu thị, hệ thống phân phối, đó là bán sản phẩm bằng dịch vụ.

Ba nấc thang đó giá trị thấp, nâng dần. Nấc thang thứ tư là bán sự trải nghiệm mới làm ra giá trị cao. Chúng ta hãy tưởng tượng người du khách mua sản phẩm OCOP vịt cỏ Vân Đình mang về ăn với việc đến vùng nuôi vịt cỏ Vân Đình trải nghiệm, trực tiếp chế biến, ngồi ăn trên những cánh đồng thì nó thú vị, nó cảm xúc như thế nào? Đó là nền kinh tế trải nghiệm.

Hà Nội có quá nhiều điều kiện để phát triển nấc thang thứ tư này bởi có gần 10 triệu người tiêu dùng, chưa nói tới khách nước ngoài. Bi kịch của người sản xuất bây giờ là có quá nhiều sản phẩm tương đồng để cho khách hàng người ta lựa chọn. Ai biết sáng tạo. Ai biết kể ra một câu chuyện giàu cảm xúc. Ai biết làm truyền thông thì người đó thắng”.

Cũng theo Bộ trưởng, dư địa phát triển của nông nghiệp Hà Nội là rất lớn, hoàn toàn ngành có thể đóng góp tích cực hơn vào kinh tế chung của Thủ đô. Đặc biệt, nông nghiệp nếu được tổ chức hài hoà trong đô thị sẽ giúp tối ưu hoá chi phí vận chuyển; tăng khả năng cung cấp tại chỗ, giảm chi phí và góp phần bảo đảm tiêu dùng tại chỗ.

Có thể tính đến việc hình thành các cụm liên kết ngành nông - công nghiệp hài hoà đầu vào - đầu ra; các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp và chuỗi ngành hàng. Có thể tính đến việc thúc đẩy các mô hình bất động sản nông nghiệp, để vừa ở vừa sản xuất nông nghiệp quy mô gia đình, là nơi cung cấp thực phẩm và thư giãn cuối tuần cho mọi người trải nghiệm.

Có thể tính đến việc thí điểm cơ chế đặc thù về mô hình sàn cho thuê đất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết vấn nạn đất bỏ hoang đang dần nhiều nên hiện nay giống như một số quốc gia đã có sàn. Có thể tính đến việc liên kết các hợp tác xã, thí điểm hợp nhất để tạo ra những liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn…

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh với sản phẩm tranh kính. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh với sản phẩm tranh kính. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Cảm ơn những gợi mở của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo Chương trình 04 sắp tới phải quán triệt những định hướng lớn “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững hơn; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nông dân. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, hạ tầng thông tin, giải trí, thư viện khu vực nông thôn để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức hưởng thụ cho nông dân;

Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục kịp thời.

Hà Nội chỉ còn 2.134 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,095% trong đó số hộ nghèo khu vực nông thôn là 2.128 hộ chiếm 0,17% dân cư. Có 5/18 huyện  gồm Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì không còn hộ nghèo.

 

Minh Trí