Chế phẩm vi sinh đặc biệt xử lý rơm rạ

Đất lúa cần được thường xuyên bồi bổ mùn hữu cơ và các vi sinh vật có lợi, khôi phục trạng thái màu mỡ sau thời gian bị tác động bởi phân, thuốc hóa học

Để giải quyết yêu cầu này, rơm rạ chính là nguồn hữu cơ rất tốt để cung cấp trở lại nguồn hữu cơ cho đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Chế phẩm vi sinh vật Emuniv do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu sản xuất hiện nay là giải pháp giúp xử lý nhanh rất hữu hiệu rơm rạ trên đồng ruộng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vùng ĐBSCL nhan nhản hình ảnh đốt rơm rạ trên đồng. Nhiều câu hỏi đặt ra về mối nguy hiểm này bởi ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông do khói đốt đồng gây ra.

Thực trạng đốt đồng hiện nay vẫn còn phổ biến tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Thực trạng đốt đồng hiện nay vẫn còn phổ biến tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Ông Huỳnh Trung Thu, nông dân canh tác lúa lâu năm ở xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang thẳng thắn nhìn nhận, trước đây ông cũng như nhiều nông dân trong xã thường gom rơm lại đem bán nhưng thu nhập không nhiều, lại tốn công. Vì thế, bà con chọn phương pháp đốt rơm mà không nghĩ cách làm này làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Theo ông Thu, sau mỗi vụ canh tác, cứ mỗi ha là mấy tấn rơm rạ đem đốt bỏ đi như vậy, không chỉ ảnh hưởng môi trường, mà đốt rơm rạ chính là… đốt tiền, lãng phí quá lớn. Chính trăn trở này đã thôi thúc ông quyết tâm tìm một hướng đi khác cho vấn đề xử lý rơm rạ trên đồng ruộng.

Theo PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa, Phó trưởng Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ), việc đốt rơm rạ sẽ góp phần tiêu diệt mầm bệnh hay côn trùng gây hại còn lưu tồn trên ruộng lúa ở vụ trước. Tuy nhiên, nó cũng giết luôn những nhóm vi sinh vật và thiên địch có lợi.

Hơn nữa, việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất lúa gạo nói riêng và trồng trọt nói chung còn làm cho chất lượng dinh dưỡng của hạt gạo ngày càng suy giảm, kéo theo hệ lụy suy giảm sức khỏe cộng đồng, chất lượng đất trồng lúa nhiều nơi không còn đủ an toàn cho phát triển trồng lúa.

Lợi nhiều bề nhờ chế phẩm xử lý nhanh rơm rạ   

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện khá đa dạng các loại sản phẩm vi sinh có tác dụng phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng. Thực tế, do sử dụng nhiều loại men vi sinh chưa đáp ứng tốt yêu cầu xử lý rơm rạ đã dẫn đến tâm lý e ngại áp dụng giải pháp này, khiến bà con lại tiếp tục quay trở lại với cách làm cũ là đốt rơm rạ. Đây là vấn đề được rất nhiều nhà khoa học quan tâm.

Năm 2018, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành chọn lựa công nghệ và nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm, triển khai nhân rộng phương pháp mới xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh vật Emuniv.

Mô hình đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước như Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên… Tại ĐBSCL, Hậu Giang và An Giang là hai địa phương đang thực hiện hiệu quả giải pháp xử lý rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh Emuniv trên diện tích hơn 130 ha.

Men vi sinh Emuniv đang được nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang áp dụng rộng rãi trong việc xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng. Ảnh: Văn Vũ.

Men vi sinh Emuniv đang được nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang áp dụng rộng rãi trong việc xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng. Ảnh: Văn Vũ.

Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp (Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay: Chế phẩm vi sinh Emuniv ra đời với sự nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ từ năm 2000.