Họ liên tưởng ở tỉnh khác thì có chuyện “đổi tình lấy điểm”, còn ở tỉnh này lại có chuyện “đổi tình lấy hợp đồng dài hạn”. Mấy vị ở cơ quan lúc trà dư tửu hậu tặc lưỡi :
- Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”!
- Từ thời Trần Bố đứng đầu tỉnh, tiếp đó là Phạm Vấn làm Bí thư, Ngọc Hồn làm Chủ tịch, chuyện “tình ái văn phòng” xảy ra như cơm bữa, chả riêng gì Nguyễn Ky, mà có kỷ luật được ai? Các vị đều như rứa cả, bắt chước nhau. “Cơm no ấm cật” sinh ra thế. Cho nên, dân trong tỉnh mới gọi Sở Văn hoá là Sở SVH, đọc trại là “sờ vào háng”, xuất hiện “Tú ông Nam thổ” chuyên tuyển chọn gái xinh cho sếp nhất mua vui để trục lợi, tiến thân. “Tú ông Nam thổ” bị kiện tụng mãi nhưng có ai giải quyết, còn được bổ nhiệm lên làm Phó giám đốc “SVH”, rồi lên làm Giám đốc SVH được mấy tháng thì điều chuyển về làm Phó một Ban của Tỉnh ủy để khỏi mang tiếng dính sâu vào đàn “bươm bướm xinh” ở cái xứ này. Đến thời nữ Bí thư Thùy Lê thì có vẻ đỡ hơn, vì coi đó là phạm trù đao đức, chứ không coi chỉ là tác phong sinh hoạt. Chuyện “tình ái văn phòng” không còn dám công khai, đồn thổi nhiều như thời Trần Bố và Phạm Vấn nhưng vẫn còn “lời ong tiếng ve”.
Chuyện bàn trà, dây cà sang dây muống:
- Ối dào! Thằng Nguyễn Ky thuộc nhóm máu D. Hắn ở đâu cũng mắc bệnh “hủ hoá”, gây ra tai hoạ.
Một vị đồng hương cùng học với Nguyễn Ky biết chút lý số phán :
- Hắn sinh năm 1962, năm Nhâm Dần, cầm tinh con Hổ. Mệnh Kim. Kim Bạch Kim - vàng pha bạc. Trong lá số tử vi, Nguyễn Ky tuổi Dần, thầy tướng số phán bảo “Hổ là con vật đứng thứ ba trong mười hai con giáp, nó đại diện cho uy quyền, sự dũng cảm, gan dạ. Vì thế, người tuổi hổ thường khiến mọi người nể phục, tin cậy nhưng mọi người cũng rất cẩn thận khi bên cạnh người cầm tinh con Hổ”. Gan dạ, dũng cảm đâu chẳng thấy mà đàn bà, con gái khi ở bên cạnh “con hổ” Nguyễn Ky phải cẩn thận, tránh xa để khỏi phải trở thành nạn nhân như em văn thư nọ.
Nguyễn Ky quê ở Hùng Nghĩa, phủ Tường Vinh, tốt nghiệp Đại học ở tỉnh Thái về ngành chăn nuôi thú y. Ra trường, hắn về làm việc ở Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh lớn. Năm 1993, tỉnh lớn thành lập Trung tâm khuyến nông, hắn chỉ là nhân viên quèn. Đến năm 1997, tái lập tỉnh cũ, Nguyễn Ky được thăng chức làm Giám đốc Trung tâm khuyến nông. Đại hội đại biểu Đảng bộ đầu tiên sau khi tái lập tỉnh (nhiệm kỳ 2001 – 2005), được Trần Bố đỡ đầu, Nguyễn Ky trúng Tỉnh uỷ viên khi mới 39 tuổi. Trong khi đó, Ngọc Hồn, nguyên Thường vụ, Trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ khi đó phiếu thấp bị trượt Tỉnh uỷ viên nhưng lại được bổ về làm Giám đốc Sở trồng trọt. Còn Nguyễn Ky, tuy là Tỉnh uỷ viên, chỉ được đề bạt Phó giám đốc sở kiêm Giám đốc trung tâm khuyến nông.
Nhưng rủi ro nhanh chóng ập đến, năm 2002, đại hội chi bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh, Nguyễn Ky đương nhiệm Phó giám Sở trồng trọt, kiêm Giám đốc Trung tâm bị trượt chổng vó, không trúng cấp uỷ Chi cục khuyến nông tỉnh. Năm 2004, Nguyễn Ky được điều chuyển sang làm Phó ban Tuyên giáo một thời gian rồi chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nhà quê thì xảy ra chuyện “hủ hoá” với nhân viên văn thư bị vợ bắt quả tang, đánh ghen ầm ĩ.
Bốn khoá liên tiếp sau tái lập tỉnh đều là Tỉnh uỷ viên, thường xuyên dính chuyện gái gú, không ít lần bị vợ làm cho mất mặt nhưng Nguyễn Ky cũng chỉ bị nhắc nhở, khiển trách, vì lãnh đạo tỉnh này thoáng, coi chuyện “tình ái văn phòng” chỉ là chuyện vặt. Có lẽ thường xuyên dính vào chuyện “trai gái cái đực”, Nguyễn Ky chỉ làm các chức lèm nhèm, cao nhất là Chủ tịch Hội Nhà quê.
Đến khoá thứ 5 nhiệm kỳ 2015 – 2020, do cạy cục, lo lót, năm 2016, Nguyễn Ky được điều động, bổ nhiệm về làm Bí thư huyện Ba Dễ. Biết quỹ thời gian không còn nhiều, Nguyễn Ky tìm đủ mọi cách để kiếm chác, đặc biệt là công tác tổ chức, nhân sự. Là Bí thư huyện, là quyền tối thượng cả một vùng, coi như “lãnh chúa”. Nguyễn Ky học tập “ông vua con” Cấn Vân Đại, cựu Bí thư huyện Sông Cà Bé về bán “ghế”, bán dự án, thâu tóm mua sắm tài sản công…
Để nhanh chóng có nguồn thu bù đắp khoản đã “đầu tư” để được chuyển từ phó ban ở trên tỉnh chỉ “ngồi chơi xơi nước” về làm Bí thư một huyên, là “đầu gà” để mổ thóc, Nguyễn Ky ngồi chưa ấm chỗ đã tỏ ra quyền uy, đảo lộn nhiều vị trí các phòng, ban cấp huyện thuộc thẩm quyền tối thượng của Bí thư. Tự Bí thư quyết định hết nhưng lúc đầu hắn biết giả vờ “dân chủ” tìm cách thông qua Ban Thường vụ cho hợp lệ. Trước hết, những vị trí ngon và không hợp cạ, Nguyễn Ky thay đổi nhận sự trên Huyện uỷ và Uỷ ban nhân dân huyện, luân chuyển, bổ nhiệm từ phòng nọ sang ban kia và từ ban kia sang phòng nọ. Việc thay đổi này khiến các trưởng, phó phòng, ban cấp huyện lo nơm nớp, phải cố chạy giữ ghế. Dư luận ở huyện và tỉnh chộn rộn, rỉ tai nhau:
- Muốn giữ ghế trưởng phòng, ban phải mất 500 chai (tiếng lóng nghĩa là triệu), phó phòng, ban thì 200 đến 300 chai, tuỳ vị trí cụ thể mà tiền lót tay cao hay thấp cho Nguyễn Ky.
Nguyễn Ky từng dằn mặt không ít cán bộ cấp dưới:
- Đây là “luật bất thành văn”, làm cán bộ thời kinh tế thị trường phải hiểu, kín đáo thực hiện, nếu không sẽ “luân chuyển” để có dịp thử thách, đào tạo cán bộ nguồn.
Sau một thời gian “rung cây doạ khỉ” dưới chiêu trò kiện toàn tổ chức cấp phòng, ban trên huyện thu được khá bộn tiền, Nguyễn Ky lại “trấn” tiếp đội ngũ cán bộ cấp xã. Hắn gọi Bí thư, Chủ tịch các xã lên phòng làm việc tại huyện đường với dụng ý các chú không biết điều, anh sẽ luân chuyển. Thế là mấy ông cán bộ xã sợ bị luân chuyển lại phải nôn tiền ra cho hắn. Xã nghèo 5 triệu đồng, xã kha khá có ít nhiều tài nguyên đang khai thác phải cống nạp cho Nguyễn Ky cả trăm triệu đồng.
Cứ thế, Nguyễn Ky tạo thành thói quen cho đội ngũ cán bộ xã “nộp tô” cho hắn. Cứ vài tháng, Nguyễn Ky lại truyền ý chỉ ra ngoài là có ý định chuyển vị trí công tác các bí thư xã, họ lại nhốn nháo xếp hàng đút lót để giữ ghế. Chả thế mà mấy ban, phòng quan trọng của huyện từ ngày Nguyễn Ky về làm Bí thư đều đôn đáo, không dám ho he gì, chỉ quẩn quanh mong kiếm đủ cơ số dự phòng để giữ ghế.
(Còn nữa)
Q.Y