Với niềm đam mê mãnh liệt với nông nghiệp, anh Lại Ngọc Thanh đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp đầu tiên bằng cách trang bị kiến thức nền tốt nhất từ ngành kinh tế nông nghiệp tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.
Quá trình học tập và gắn bó với người nông dân, anh Thanh luôn đau đáu với câu hỏi tại sao Việt Nam có nhiều nông sản rất tuyệt vời nhưng ngoài cây trồng chủ lực, sản phẩm khác không thể vươn tầm? Các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã giúp cho cuộc sống người dân được cải thiện, nông thôn được thay đổi, nhưng chưa thật sự bền vững. Vì sao thành công không được duy trì sau khi dự án kết thúc? Câu trả lời là do thiếu yếu tố thị trường. Người dân được hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật để trồng và tạo ra sản phẩm nhưng lại không thể tiêu thụ được.
Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI) ra đời với mục tiêu xây dựng các thương hiệu nông sản, thực phẩm mạnh để có thể liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân. HANUTI phát triển sản xuất, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng những nông sản quen thuộc nhất như đỗ, lạc hoặc các loại trái cây đặc sản tự nhiên nhưng với một phương thức sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường, tiếp cận dựa trên mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Xưởng sản xuất của HANUTI đặt tại thôn Yên Hà, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sản phẩm chính của công ty là các thành phẩm được chế biến từ trái cây thành các loại siro mang thương hiệu “Giọt Lành” và các loại hạt như lạc, đỗ tương, đỗ đen, đỗ xanh, ngô nếp, vừng trắng, vừng đen… được rang chín, tạo thành bột ngũ cốc mang thương hiệu “Hạt Dưỡng”.
Để phát triển vùng nguyên liệu, HANUTI đã khảo sát và liên kết với đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những người đang canh tác nông nghiệp theo phương pháp truyền thống, chưa hoặc sử dụng rất ít thuốc trừ sâu và phân bón hóa chất. Để tạo lòng tin với người dân, HANUTI có chính sách hỗ trợ một phần giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Công ty chủ động ký kết hợp đồng 3 bên giữa HANUTI, người dân và Ủy ban nhân dân xã, nơi có vùng nguyên liệu sản xuất. Giá thu mua nông sản được thực hiện theo chính sách áp dụng giá sàn. Khi giá thị trường xuống thấp, HANUTI vẫn thu mua nông sản với mức giá tối thiểu, song khi giá thị trường lên cao thì HANUTI lại thu mua theo giá thị trường, đó là chính sách ưu đãi của HANUTI dành cho bà con nông dân.
Từ chính sách trên, HANUTI đã xây dựng chuỗi liên kết với nhiều vùng nguyên liệu sản xuất như: Vùng nguyên liệu hữu cơ cho các loại hạt bản địa tại tỉnh Cao Bằng; vùng nguyên liệu dâu tằm tại Quảng Ninh, Thái Bình; vùng nguyên liệu mơ tại Bắc Kạn; vùng nguyên liệu mận tại Sơn La; vùng nguyên liệu sấu tại Hà Nam… Sản phẩm của HANUTI được sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong quá trình canh tác. Việc liên kết sản xuất đã mang lại lợi ích kép, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu, vừa tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc.
Chia sẻ về bí quyết thành công, anh Lại Ngọc Thanh, Giam đốc HANUTI cho biết, mô hình hoạt động của Hanuti là xây dựng chuỗi giá trị từ việc liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân, sản xuất sản phẩm và bán hàng. Với hai dòng sản phẩm Hạt Dưỡng và Giọt Lành, Hanuti phát triển các vùng nguyên liệu hạt đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế và vùng nguyên liệu trái cây theo hướng lựa chọn các loại trái cây là đặc sản bản địa được trồng ở những vùng sạch hoá chất. Các nguyên liệu được đưa về nhà máy sản xuất. Hiện tại, Hanuti có hai nhà máy: 01 nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng từ hạt và 01 nhà máy chuyên sản xuát các sản phẩm siro trái cây. Các sản phẩm của Hanuti hiện đang được bán tại thị trường trong nước và đang trong quá trình đàm phán.
"Với dòng sản phẩm Hạt Dưỡng, Hanuti bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị bằng việc liên kết với bà con nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, an lành để sản xuất và đưa đến tay người tiêu dùng những những sản phẩm có chất lượng cao, giàu dinh dưỡng, mang đậm tính bản địa của đặc sản nông sản Việt Nam. Hiện nay, Hanuti đang phát triển các vùng nguyên liệu hạt tại tỉnh Cao Bằng. Đây là một vùng núi với độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, có nhiệt độ trung bình thấp hơn so với các vùng đồng bằng từ 5-7 độ C, đồng thời có biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao. Điều đặc biệt là nơi đây không có sông, suối hay khe nước, mọi hoạt động sinh hoạt và canh tác đều phụ thuộc vào nước mưa nên việc canh tác ít chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ nguồn nước. Tuy nhiên, do các thung lũng canh tác nằm dưới chân núi đá vôi nên đất đai canh tác có nhiều khoáng chất và độ ẩm lớn. Người dân nơi đây có tập tục canh tác lâu đời với các loại cây như ngô, lạc đỏ, đậu tương. Với điều kiện đất đai tơi xốp, nhiều khoáng chất; biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao cộng thêm kinh nghiệm canh tác lâu đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hanuti phát triển vùng nguyên liệu hạt hữu cơ có chất lượng cao...", anh Lại Ngọc Thanh chia sẻ.
Chủ thương hiệu Hanuti cho biết thêm, từ hơn 6ha đã được chứng nhận hữu cơ của Mỹ (USDA), châu Âu (EU) và Nhật Bản (JAS), năm 2022, Hanuti đang phát triển và dự kiến đánh giá cấp chứng nhận hữu cơ cho hơn 30ha diện tích cây trồng đang chuyển đổi hữu cơ. Tại đây, các loại hạt bản địa của được công ty chú trọng phát triển gồm lạc đỏ, đậu tương, đậu đen, đậu xanh, vừng đen.
Để có thể phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ một cách bền vững, Hanuti đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng để quy hoạch các thung lũng trồng cây hữu cơ. Các thung lũng được chọn đưa vào quy hoạch là những thung lũng đã được phân tích đất và đạt tiêu chuẩn đất canh tác hữu cơ và ở đó chỉ trồng các loại cây hữu cơ do Hanuti liên kết với người dân trồng và bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, đến năm 2025, diện tích đất canh tác hữu cơ tại Hà Quảng của Hanuti sẽ đạt 50ha.
Năm 2022, để đáp ứng nhu cầu tăng lên về nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, Hanuti đã khảo sát và mở rộng vùng trồng với các loạt hạt bản địa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại các huyện Hoà An, Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng. Dự kiến năm 2023, 2 vùng trồng này sẽ được đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ với tổng diện tích khoảng 20ha.
Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào, hiện nay Hanuti đang liên kết với các hộ dân tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để trồng các loại hạt như đỗ xanh, đỗ đen, lạc đỏ, vừng đen, vừng trắng và ngô nếp với tổng diện tích hơn 30ha. Đặc điểm của vùng nguyên liệu này là vùng đất bãi ven sông Hồng nơi có phù sa màu mỡ đang được người dân trồng dâu xen canh với các loại cây lấy hạt. Do người dân trồng dâu để lấy lá nuôi tằm trong khi con tằm lại rất nhạy cảm với các loại thuốc hoá học nên người dân hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu hoá học để phun cho dâu. Tận dụng lợi thế này, Hanuti đã liên kết với các hộ để chuyển đổi vùng trồng dâu xen canh các loại cây có hạt thành vùng sản xuất hữu cơ (chuyển đổi từ việc sử dụng phân bón hoá học sang phân bón hữu cơ). Dự kiến vùng nguyên liệu tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình sẽ được đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ vào năm 2024.
Để có nguồn trái cây an toàn, chất lượng phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm siro trái cây mang thương hiệu Giọt Lành, Hanuti đã phát triển các vùng nguyên liệu trái cây đặc sản tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như vùng mơ vàng tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; vùng mận hậu tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; vùng táo mèo tại Mù Cang Chải – Yên Bái. Đây là những vùng núi cao với điều kiện khí hậu mát mẻ, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao tạo ra hương vị thơm ngon đặc biệt. Các loại cây trồng này đều được trồng trên các sườn núi cao hoặc trong rừng, không sử dụng hoá chất trong quá trình canh tác nên nguyên liệu rất an toàn và chất lượng. Bên cạnh đó, Hanuti còn đang liên kết và bao tiêu các loại trái cây khác như sấu ở Hà Nam, dâu tại Thái Bình, gừng và sả được thu từ các hộ dân trồng gừng, sả xen canh với các loại cây có hạt tại vùng nguyên liệu hữu cơ Cao Bằng.
Để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đạt chất lượng tốt và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn hữu cơ, Hanuti đang thực hiện chính sách mô hình liên kết từ khâu cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát quy trình canh tác và bao tiêu sản phẩm.
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, để lựa chọn được vùng nguyên liệu sạch, an toàn, đảm bảo cho việc chuyển đổi canh tác hữu cơ thành công, Hanuti tiến hành khảo sát các vùng trồng, tìm hiểu lịch sử canh tác của người dân, lựa chọn các vùng đất có lịch sử canh tác sạch, sau đó lấy mẫu đất, nước để tiến hành phân tích. Khi mẫu đất và nước đạt yêu cầu cho canh tác hữu cơ, Hanuti sẽ tiến hành làm việc với chính quyền địa phương từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, xóm để trao đổi về mục đích và kế hoạch hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu tại địa phương. Để có thể quy hoạch được các thung lũng hoặc khu đất phù hợp cho canh tác hữu cơ bền vững, Hanuti tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ với UBND huyện, xã để quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất cây hữu cơ cho Hanuti. Việc làm này sẽ giúp tránh được sự lây nhiễm chéo trong quá trình sản xuất. Tiếp đó, công ty tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa công ty, các hộ dân và UBND xã. Việc tham gia ký hợp đồng của UBND xã sẽ đảm bảo cam kết thực hiện của cả phía công ty và người dân, đồng thời tạo sự tin tưởng của người dân với công ty.
Về việc cung cấp giống: Hanuti chỉ thực hiện việc cung cấp giống đối với những loại cây trồng chưa có sẵn tại địa phương. Việc cấp giống miễn phí trong vụ đầu tiên giúp người dân yên tâm và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Từ vụ thứ hai, người dân sẽ tự để giống để trồng cho vụ sau.
Về việc hỗ trợ kỹ thuật canh tác: Công ty tổ chức các khoá tập huấn về kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, nguyên tắc canh tác hữu cơ. Việc tập huấn không chỉ được thực hiện trên lớp mà còn được hướng dẫn cụ thể tại đồng ruộng giúp người dân nắm chắc các nội dung và thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác, công ty luôn có nhân viên kỹ thuật giám sát và hỗ trợ cho người dân. Vì vậy, việc tuân thủ nguyên tắc canh tác hữu cơ được thực hiện một cách nghiêm ngặt, nhờ đó công ty đã có được nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng và đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Về việc bao tiêu sản phẩm: Công ty thực hiện việc thu mua sản phẩm với mức giá sàn. Khi giá sản phẩm trên thị trường xuống thấp, công ty sẽ mua sản phẩm với mức giá tối thiểu mà ở đó vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân. Trong trường hợp giá thị trường lên cao hơn mức giá sàn thì công ty sẽ thu mua theo giá thị trường. Đối với các sản phẩm hữu cơ thì giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường tối thiểu là 10%.
Với chính sách liên kết chặt chẽ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, công ty luôn thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký: hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, bao tiêu toàn bộ sản phẩm được thu hoạch từ phần diện tích mà các hộ đã đăng ký với mức giá đúng như trong hợp đồng. Nhờ đó, người dân đã dần tin tưởng và hợp tác chặt chẽ với công ty hơn, thực hiện các yêu cầu về mặt kỹ thuật và kiểm soát chất lượng tốt hơn.
Đánh giá về thành công của mô hình liên kết theo chuỗi giá trị tại các vùng nguyên liệu của Hanuti, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng, Hanuti đã góp phần tạo được sinh kế bền vững và tăng thu nhập cho các hộ nghèo người dân tộc thiểu số: Hanuti phát triển các vùng nguyên liệu hạt và trái cây tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số nghèo. Bằng việc liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm với người dân, Hanuti đã giúp người dân phát triển các sinh kế mới một cách bền vững. Chính sách bao tiêu sản phẩm với giá sàn đảm bảo cho người dân có được thu nhập ổn định ngay cả khi giá cả thị trường xuống thấp, và khi giá thị trường lên, người dân vẫn bán được sản phẩm cho Hanuti với mức giá thị trường để đạt được mức thu nhập cao. Ngoài ra, việc chuyển đổi từ các loại cây trồng có giá trị thấp sang canh tác các loại cây trồng có giá trị cao hơn, đặc biệt là các loại cây trồng hữu cơ luôn được công ty thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10 – 20% đã giúp người dân có mức thu nhập cao hơn từ 40-50% so với khi trồng các loại cây trồng truyền thống.
"Tôi đánh giá cao mô hình của Hanuti đã góp phần bâng cao kiến thức và kỹ thuật canh tác cho người dân: Để phát triển các VNL đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, Hanuti luôn đồng hành, hỗ trợ người dân trong suốt quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật và trong suốt quá trình giám sát vùng trồng. Vì vậy, người dân đã thay đổi thói quen canh tác từ canh tác sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá chất, phân chuồng chưa hoai mục sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và phân chuồng đã được ủ hoai mục. Thương hiệu này, cũng góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học: Canh tác hữu cơ không sử dụng hoá chất góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí. Mặt khác, việc luân canh cây trồng và sử dụng giống cây trồng bản địa giúp bảo tồn đa dạng sinh học...", ông Nguyễn Văn Chí cho biết thdeem.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, việc canh tác hữu cơ không sử dụng hoá chất của Hanuti đã giúp bảo vệ sức khoẻ cho người trồng trọt và cộng đồng xung quanh. Sản xuất sản phẩm hữu cơ không sử dụng hoá chất, không sử dụng chất bảo quản giúp bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất. Sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu hữu cơ và chế biến theo quy trình sản xuất hữu cơ giúp bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mô hình này đã tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn: Ngoài việc tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu sổ tại các vùng nguyên liệu, Hanuti còn sử dụng lao động là những phụ nữ nông thôn, vùng ven đô đang không có việc làm do tác động của quá trình đô thị hoá. 100% công nhân của Hanuti đều là phụ nữ có thu nhập ổn định ở mức từ 6-8tr đồng/tháng.
Phân tích những điểm mạnh của Hanuti, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, đơn vị này đã phát triển được một vùng nguyên liệu đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế USDA (Mỹ), EU (Châu Âu), JAS (Nhật Bản) tại Cao Bằng. Việc vùng nguyên liệu trồng các loại cây ngắn ngày là những loại cây rất khó kiểm soát khi thực hiện theo tiểu chuẩn hữu cơ đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế là một thành công rất lớn. Với thành tựu này, Hanuti trở thành đơn vị đầu tiên của Việt Nam có chứng nhận hữu cơ quốc tế cho các sản phẩm hạt truyền thống như lạc đỏ, đỗ tương, đỗ xanh, đỗ đen, vừng. Đây là điều kiện thuận lợi giúp Hanuti phát triển được các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ phận khúc khách hàng cao cấp trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hanuti có được nguồn nguyên liệu không chỉ chất lượng mà còn ổn định về sản lượng giúp công ty yên tâm phát triển thị trường và thuận lợi hơn trong việc ký kết hợp đồng với các đối tác.
Đồng thời, qua theo dõi nắm tình hình hoạt động của Hanuti, ông Nguyễn Văn Chí cũng chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như sau: Vùng nguyên liệu ở xa nên khó khăn cho việc quản lý, chi phí quản lý và chi phí vận chuyển cao; Thiếu vốn để phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn: Trong giai đoạn đầu, công ty cần hỗ trợ người dân về giống (với vùng nguyên liệu hạt) nên đòi hỏi cần có nguồn vốn lớn. Mặt khác, việc bao tiêu sản phẩm theo mùa vụ khiến cho công ty cần một khoản vốn lớn lúc vào vụ. Thu mua theo vụ để sản xuất quanh năm cũng khiến cho doanh nghiệp bị đóng vốn nên cần có nguồn vốn vay dài hạn. Để tiếp cận và mở rộng thị trường thì doanh nghiệp cần tham gia nhiều hội chợ kết nối giao thương ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chi phí tham gia các hội chợ, đặc biệt là hội chợ quốc tế khá cao nên doanh nghiệp hạn chế về vốn khó có cơ hội được tham gia.
Từ đó, người đứng đầu Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội góp ý với đơn vị nghiên cứu một số giải pháp như: Tìm kiếm và phát triển các vùng nguyên liệu ở gần nhà máy hơn như ở khu vực Hà Nội và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng để thuận lợi cho việc quản lý, giám sát quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ; tiết kiệm chi phí quản lý và chi phí vận chuyển; tăng chất lượng sản phẩm do được đưa vào chế biến do rút ngắn được thời gian từ lúc thu hái đến khi đưa vào chế biến, bảo quản; Chủ động tìm kiếm các nguồn vốn vay dài hạn nhằm đầu tư cho nhà xưởng, máy móc và vùng nguyên liệu;Tăng cường nguồn vốn để có thể đầu tư các loại máy móc thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất để có thể xuất khẩu hàng hoá tới các thị trường cao cấp, nâng cao giá trị cho nông sản từ đó tăng thu nhập cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Đứng trên phương diện của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Chí khẳng định, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách về cung cấp giống, phân bón cho người dân trong vụ đầu tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp để giảm gánh nặng về nguồn vốn cho doanh nghiệp; Có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn dài hạn với mức lãi suất ưu đãi để có thể giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nhà xưởng, máy móc thiết bị; Có cơ chế hỗ trợ và kết nối thị trường cho doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội chợ bán buôn, bán lẻ; có nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để tăng khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI) là một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt dinh dưỡng mang thương hiệu Hạt dưỡng và đồ uống với thương hiệu Giọt lành. Mô hình hoạt động của công ty bắt đầu từ việc xây dựng chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng từ hạt mang thương hiệu Hạt Dưỡng theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế và các sản phẩm siro trái cây mang thương hiệu Giọt Lành theo tiêu chí an toàn, chất lượng, tự nhiên (không sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu, chất điều vị trong quá trình sản xuất sản phẩm) đến xây dựng hệ sinh thái Hạt Dưỡng và Giọt Lành hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu. Với chiết lý kinh doanh “HANUTI thành công nhờ làm thật, sống chất, lan tỏa Năng lượng từ tâm, Tinh chất từ hạt, Dưỡng tính từ nhân, đổi mới sáng tạo, kết nối giá trị và cống hiến cộng đồng” và tầm nhìn: “Trở thành trung tâm kết nối hệ sinh thái hạt dưỡng, niềm tự hào trong thế giới hạt, biểu tượng niềm tin của người tiêu dùng sản phẩm dinh dưỡng từ hạt”, Hanuti thực hiện sứ mệnh: “HANUTI tiên phong xây dựng thế giới hạt và hệ sinh thái hạt dưỡng. Lan tỏa lối sống: sống chất, sống khỏe, sống đẹp, sống vui, sống văn minh và sống an nhiên”. |
---
BÀI VIẾT CÓ SỢ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI