Du lịch nông thôn được định nghĩa là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian thoáng mát, cho phép du khách tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu của vùng nông thôn như di sản văn hóa, xã hội và truyền thống làng xã. Điều này thể hiện sự đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử và địa điểm của mỗi vùng nông thôn.
Theo bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, Chương trình Quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã đạt được những thành tựu cơ bản về số lượng sản phẩm, quy mô và sự tham gia của các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay rất cần sự kết nối để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của du lịch nông thôn.
Tuy nhiên việc kết nối tiêu thụ sản phẩm phải mang ý nghĩa, giá trị trong từng sản phẩm OCOP như đúng với ý nghĩa chương trình, đó là hồn quê, là giá trị đặc sắc của mỗi địa phương, “mỗi làng một sản phẩm”. Nếu những giá trị đó được thể hiện qua ẩm thực, qua quà tặng, qua các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn”.
Thực tế thời gian qua, các hoạt động du lịch nông thôn đã tạo “không gian” quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời, phát huy và lan tỏa các giá trị về chất lượng, văn hóa, tri thức bản địa của từng địa phương.
Loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện đang phát triển nhưng lại chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Sản phẩm du lịch giữa các vùng miền còn tương đồng, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, cần thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia, từ nông dân, hợp tác xã, trang trại đến doanh nghiệp lữ hành.
Tại TP.HCM đã triển khai Chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng", tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn của từng khu vực. Các sản phẩm độc đáo, không sao chép như: "Quận 4 - Cù Lao giữa lòng phố thị", "Về quận 5 xem múa lân", "Thủ Đức - Thành phố xanh bên sông Sài Gòn"... đã tạo ra nhiều nét đặc trưng và thu hút du khách.
Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng “Khám phá đảo muối Thiềng Liềng” có khoảng 16 điểm đến với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và văn hóa của người dân vùng biển như ẩm thực và thức uống vùng biển, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn và tất nhiên là không thể thiếu các hoạt động về muối. Tất cả sản phẩm du lịch này do chính các hộ dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện và đang bắt đầu được khách du lịch quan tâm.
Thực tiễn từ các chương trình cho thấy, cách tiếp cận này có thể lan rộng ra các địa phương khác, tránh trùng lặp và cạnh tranh không lành mạnh. Điều này giúp các cơ quan quản lý nhìn lại du lịch nông nghiệp, nông thôn để đề xuất chính sách phù hợp.