“Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”

PV
Theo TTXVN: Ngày 4/4, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp cùng Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu tư tổ chức hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.
Chú thích ảnh Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thông tin về vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới.

Hiện nay, trên thị trường xuất khẩu có 3 loại gạo: gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thì phần lớn là gạo chất lượng cao (chiếm tới 60 - 70%); gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%; gạo thường chiếm khoảng 10 - 15%. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường có đòi hỏi khắt khe nhờ chất lượng cao. Cơ cấu thị trường gạo Việt Nam với 72% cho thị trường châu Á, 18% cho thị trường châu Phi và châu Mỹ là 4%. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhận thấy thị trường mới đang lên là châu Phi. 

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mặc dù, đầu năm 2025, giá lúa gạo Việt Nam giảm nhưng ước tính quý I/2025, tổng lượng gạo xuất khẩu gạo đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng 2% so với quý I/2024. Điều này cho thấy, thị trường thế giới vẫn có nhu cầu sử dụng gạo Việt Nam. 

"Gạo Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường, vấn đề là các nhà xuất khẩu làm cách nào để giữ được giá bán lúa với 7.000 đồng/kg trở lên mua tại ruộng và bán gạo được với giá 500 USD/tấn trở lên để ổn định, tạo thị trường cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu", ông Nam nêu vấn đề.

Để giải quyết bài toán này, Chủ tịch VFA cho rằng cần cơ cấu tốt giống lúa, thị trường gạo. Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%. Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn, với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.

Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Chú thích ảnh Các chuyên gia trao đổi, thảo luận giải pháp định vị hạt gạo Việt trong kỷ nguyên mới.
 

Ở góc độ nhà nghiên cứu lúa gạo, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhìn nhận, dù lúa gạo của Việt Nam đã chiếm ưu thế trong phân khúc gạo trắng hạt dài nhưng ở phân khúc gạo thơm cấp cao và các phân khúc gạo cao sản chế biến, dinh dưỡng… vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp và của các đơn vị nghiên cứu công lập sẽ giúp đa dạng cơ cấu giống về chất lượng gạo; giúp cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội trong việc khai thác thị trường ngách nội địa và quốc tế có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có các giống lúa có tiềm năng năng suất cao và có phẩm chất gạo ngon, chống chịu được với sâu bệnh và ở mức độ nào đó với mặn như: OM5451, OM18, Đài Thơm 8… Các giống lúa này chiếm 70 - 80% diện tích sản xuất và đóng góp cho hơn 85 - 90% lượng gạo xuất khẩu của nước ta. 

Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, bên cạnh đa dạng về chủng loại giống lúa, các bên liên quan cũng nên xây dựng vùng lúa nguyên liệu phù hợp cho từng loại giống lúa, ổn định về sản lượng và phẩm chất gạo. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và sự tham gia hợp tác từ nhiều bên, nhằm đảm bảo sự bền vững và phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.

Để tiếp tục khẳng định vị trí hạt gạo Việt trên thị trường thế giới trong thời gian tới, theo Chủ tịch VFA - Đỗ Hà Nam, các bên liên quan cần có những suy nghĩ, cách làm khác biệt: giống lúa khác biệt, cơ cấu thị trường khác biệt,... Nếu gạo Việt Nam tạo được sự khác biệt, thì sẽ có được giá bán khác biệt, dành cho đối tượng khách hàng khác biệt. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”(gọi tắt Đề án 1 triệu ha lúa). Với những tín hiệu tích cực ban đầu sẽ góp phần tạo được đột phá cho hạt gạo Việt. 

Đồng quan điểm về đóng góp của Đề án 1 triệu ha lúa trong việc khẳng định vị thế hạt gạo Việt, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề xuất, Đề án 1 triệu ha lúa nên tập trung cho giống cao cấp, chất lượng cao và giống xác nhận đi kèm với làm thương hiệu để giữ chất lượng gạo Việt để tiếp cận cho thị trường cao cấp.

Cho rằng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong định hướng thị trường, định hướng giá trị trong chuỗi lúa gạo Việt Nam, theo ông Nguyễn Anh Phong, Việt Nam chiếm lĩnh thị trường gạo khá nhanh, doanh nghiệp Việt Nam cũng nhanh nhạy tìm kiếm thị trường, tìm phân khúc có lợi nhất. Bộ Nông nghiêp và Môi trường luôn tạo ra môi trường tốt nhất cho kinh doanh, đồng thời hỗ trợ về chính sách công (bảo quản, giống, chất lượng, đàm phán mở cửa thị trường).

Doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng tìm kiếm thị trường tiềm năng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường rà soát thị trường tiềm năng, thị trường mới; trong đó phân tích xem thị trường mới, đối thủ cạnh tranh, cách để gạo Việt Nam chiếm được thị phần tốt trên thị trường,...

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp và các hợp tác xã về nhu cầu tín dụng, chia sẻ thông tin về các sản phẩm tài chính, tín dụng hỗ trợ cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo.