Hà Nội: Triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Ngày 13/1, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn năm 2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Các tập thể, cá nhân được nhận khen thưởng tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị cho thấy, công tác xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội có những thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, trong đó vai trò nòng cốt là Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã thu được những kết quả tích cực, toàn diện. Đến nay, toàn Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2022, Thành phố đề ra mục tiêu có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã, đến nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố đã tổ chức Đoàn thẩm định thành phố tiến hành thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng Thẩm định Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022; 12 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Đoàn thẩm định Thành phố tiếp tục thẩm định tại các địa phương khác trong quý I/2023, dự kiến vượt chỉ tiêu thành phố giao.

z4037349642921-9f3019ed8dcc7421b7c8f25cd82aa35f-1673651163.jpg

Một kết quả nữa cũng đáng ghi nhận đó là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài 1.649 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng, 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao) được Thành phố công nhận, năm 2022, Hội đồng OCOP Thành phố đã đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm thuộc 26 quận, huyện, thị xã, trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng theo quy định. Vinh dự cho Chương trình OCOP là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô được Thành phố bình chọn năm 2022.

z4037349688560-5e7a7effc8488a9b582bc5e038102839-1673651162.jpg

Chương trình phát triển nông thôn của Thành phố cũng thu được những kết quả đáng ghi nhận. Song song triển khai chuỗi các sự kiện tuyên truyền, xúc tiến thương mại, tổ chức hội nghị, hội thảo…, năm qua, công tác phát triển nông nghiệp theo chuỗi được quan tâm, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của Thành phố. Hà Nội duy trì 145 chuỗi, trong đó, có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ trồng trọt. 

Bên cạnh đó, năm 2022, Hà Nội có 58 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới và 21 hợp tác xã nông nghiệp giải thể. Đến hết năm 2022, Thành phố có 1.378 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, có 211 hợp tác xã loại tốt (đạt 22%); 362 hợp tác xã loại khá (đạt 37,8%)… Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.695 trang trại chăn nuôi, thủy sản, tổng hợp...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá cao kết quả mà Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đạt được trong năm qua. Một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị thực hiện trong năm 2023 là tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP các cấp, từ cán bộ huyện, thị xã, cho tới lãnh đạo xã, thôn phù hợp với tình hình mới và cho chủ thể tham gia chương trình OCOP.

Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực phân hạng sản phẩm OCOP. Tích cực hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng sao; phấn đấu tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi năm 2023 và đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP đã hết hạn.

Bên cạnh phát triển sản phẩm, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... Nỗ lực để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng...

Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Thành phố giao cho ngành Nông nghiệp Hà Nội. Trong đó, tham mưu với Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021-2025" và UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU) ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và Chương trình OCOP, giai đoạn 2021-2025…

Tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được biểu dương, khen thưởng.