Toàn xã Hàm Minh hiện có trên 2.000 ha thanh long, trở thành cây trồng chủ lực, lợi thế của xã và đã được cấp mã vùng trồng. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường thanh long gặp nhiều biến động, nhiều nơi giảm diện tích thì vùng trồng thanh long của xã vẫn duy trì ổn định. Đây cũng là nơi có nhiều hộ dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với gần 1.000 ha. Bà con sản xuất các loại giống chủ yếu là ruột trắng, ruột đỏ, tím hồng và thu nhập chính từ sản xuất và buôn bán loại nông sản này.
Nhắc đến Hàm Minh, nhiều người sẽ biết đến những xóm tỷ phú, làm giàu từ trồng thanh long, những ngôi biệt thự khang trang, những tuyến đường bê tông rộng thênh thang do nhân dân tự đóng góp xây dựng. Qua đó, tạo nên khung cảnh hiện đại, giàu đẹp ở một vùng quê yên bình. Những hình ảnh đó, chính là quả ngọt của sự chịu thương, chịu khó và nỗ lực của người dân địa phương trên hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao.
Ông Nguyễn Đình Hà – Chủ tịch UBND xã Hàm Minh cho biết, qua rà soát trong tổng số 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, UBND xã tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định là 19/19 tiêu chí. Trong đó các tiêu chí 4, 6, 9, 10, tiểu tiêu chí 13.3, 13.4, 13.6, 13.7, 13.8; tiêu chí 14, tiểu tiêu chí 17.8, tiểu tiêu chí 18.4, 18.5 và tiểu tiêu chí 19.1 đã có văn bản công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, phấn đấu giữ chuẩn NTM nâng cao tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu…
Sự liên kết chuỗi, chú trọng gia tăng giá trị nông sản ở xã Hàm Minh, còn được khẳng định qua hoạt động có hiệu quả của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Thanh long Hàm Minh 30 (HTX thanh long Hàm Minh 30). Theo bà Lê Phương Chi - Giám đốc HTX này, ngành nghề kinh doanh của HTX là buôn bán phân bón, trái thanh long, chế biến, bảo quản trái thanh long và hoạt động dịch vụ trồng trọt. HTX có 17 thành viên, diện tích sản xuất thanh long là 93,64 ha theo VietGAP, vốn điều lệ 306,5 triệu đồng. Quá trình duy trì hoạt động đến nay, đã tăng số thành viên lên 44. Từ chất lượng nông sản đảm bảo, đã có nhiều hợp đồng liên kết từ khâu cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái thanh long. Sản lượng bình quân mỗi năm đạt khoảng 2.340 tấn…
Hay như mô hình sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Trang trại Trịnh Anh (thôn Minh Tiến) với diện tích canh tác 30 ha trồng thanh long ruột đỏ, ruột trắng và tím hồng. Trang trại này cung ứng nguyên liệu trái cây cho các thị trường như châu Âu, Mỹ, Úc, New zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và nội địa. Sản phẩm thanh long của trang trại nhờ được chăm sóc tốt, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (công nghệ Israel) tự động hóa, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật theo hướng GlobalGap. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất nên sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 960 tấn/năm. Trang trại cũng giải quyết việc làm cho 45 lao động thường xuyên và một số lao động thời vụ tại địa phương, giúp người dân địa phương có việc làm và tăng thu nhập.