Lâm Đồng: Không ngừng sáng tạo phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào DTTS là khát vọng của biết bao người. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều cá nhân tiêu biểu vẫn ngày đêm thầm lặng, miệt mài lan toả những giá trị văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS.

Những cá nhân nổi bật

Điển hình như câu chuyện về chị Ka Hem (trú tại thôn Đồng Hò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng), là 1 trong 93 gương sáng đời thường vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tôn vinh về những đóng góp cho cộng đồng. Chị Ka Hem vui vẻ chia sẻ, xuất phát từ niềm đam mê tiếng cồng chiêng, điệu múa của người K’Ho nên chị đã cùng các bạn trẻ thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Đồng Đò. Ngoài ra chị còn kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức trẻ huyện Di Linh - nơi hội tụ, đoàn kết các bạn trẻ K’Ho cùng đam mê nghiên cứu, tìm hiểu, giữ gìn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.

1-1727752958.jpg

Nét đẹp trong giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo.

Nhằm lan toả, quảng bá giá trị văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS, chị Ka Hem thường xuyên kết nối đưa các thành viên đi trình diễn cồng chiêng, biểu diễn ở các điểm du lịch, lễ hội văn hóa để giới thiệu nét đẹp này đến khách du lịch và du khách nước ngoài. Với tình yêu và trách nhiệm của người trẻ, chị Ka Hem đã và đang tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy, gìn giữ nét đẹp văn hóa có giá trị này tại chính quê hương mình.

Một cá nhân tiêu biểu khác trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) là chị Ka Thuân - chủ thương hiệu may Ka Thuan Minz, tại thôn 5b - xã Đinh Trang Hòa - huyện Di Linh - Lâm Đồng. Với tâm huyết hơn 10 năm may trang phục thổ cẩm chị Thuân chia sẻ mong muốn không chỉ mang trang phục thổ cẩm của người đồng bào K'ho đến gần hơn với mọi người, vì thế ban đầu cơ sở may chỉ chuyên về trang phục truyền thống. Nhưng đến nay, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong cách thiết kế để trang phục có tính ứng dụng cao, nhưng vẫn giữ được hoa văn, đường nét mang bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm của chị hiện nay không chỉ là trang phục truyền thống mà còn nhiều dòng sản phẩm khác như: kẹp tóc ,cà vạt, túi đựng điện thoại, nơ gắn áo và trang phục cưới…bằng vải thổ cẩm. Những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, màu sắc đẹp, phù hợp với tiêu chí “mang trang phục thổ cẩm đến với mọi người”. Các sản phẩm mang đi trưng bày tại Huyện và các chương trình giao lưu văn hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được khách tham quan, khách nước quan tâm yêu thích và mua làm quà lưu niệm. 

picture1-1727753012.png

Sản phẩm may thổ cẩm cẩm luôn được du khách ưa chuộng. 

Cùng với nỗ lực và tâm huyết của mình, chị Thuân đang là chủ nhiệm mô hình “May thổ cẩm”, thuộc CLB Tri Thức Trẻ của Xã Đinh Trang Hòa. Bản thân chị luôn có trách nhiệm trong việc tích cực lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Về định hướng trong tương lai, chị chia sẻ thêm “Nâng cao giá trị kinh tế, nhằm thúc đẩy thu hút các bạn trẻ đến với trang phục truyền thống của người K'ho mục tiêu hàng đầu, đặc biệt đem trang phục đến với người tiêu dùng nhiều hơn, góp phần tạo thu nhập cho bản thân, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ trong thôn. Tương lai, với mong muốn mở rộng quy mô cơ sở may, kết hợp trưng bày nét văn hóa khác của dân tộc như Cồng Chiêng, vật dụng của người K'ho và bán kèm sản phẩm của địa phương như là rượu cần, cà phê Oh Mi K'ho, rau củ quả của địa phương, nhằm giới thiệu nét đẹp trong bản sắc dân tộc cho nhiều người biết đến”. 

Ứng dụng khoa học công nghệ bảo tồn truyền thống văn hóa

Trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học, công nghệ (KHCN) nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số của Lâm Đồng. Với sự phong phú, độc đáo về văn hóa của cộng đồng các dân tộc, kết quả các nghiên cứu đạt được đã trở thành một trong những nội lực quan trọng cho quảng bá du lịch địa phương. 

t5-02-20240930194050-20241001050553-1727753088.jpg

Hoa văn trang trí của các dân tộc bản địa Lâm Đồng đã được nghiên cứu.

Cụ thể, đề tài “Nghiên cứu thực trạng nghề thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã cho thấy một số dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông, S’tiêng đang duy trì sản xuất các nghề thủ công gồm: nghề dệt thổ cẩm, làm gốm, nhẫn bạc, rượu cần, nghề đan lát mây tre, nghề rèn. Đề tài đã đưa ra các kiến nghị để phát triển các nghề thủ công truyền thống; xây dựng cơ chế, chính sách giúp người dân tộc tổ chức các mô hình sản xuất thủ công phù hợp; đào tạo, bồi dưỡng chủ cơ sở sản xuất thủ công là người dân tộc. Bên cạnh đó, còn có các đề tài như “Đánh giá kết quả việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” đã sưu tầm, bảo tồn và phát huy hoa văn trang trí các dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc hiện nay. 

Trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được đặt ra. Sở KHCN đã và đang triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số trong tỉnh, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên. Trong đó, đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số" tỉnh Lâm Đồng sẽ xây dựng Danh mục số hóa hệ thống di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trong tỉnh; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, có mã định danh, loại hình, dân tộc, khu vực địa lý phổ biến, nguồn gốc, lịch sử cư trú, văn hóa, phong tục tiêu biểu…

ThS.Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, với định hướng quan tâm hơn nữa công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào lĩnh vực xã hội - nhân văn, ngành KHCN sẽ có nhiều đề tài thiết thực nhằm đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử góp phần gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em, tạo nền tảng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả đã góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Cũng từ đây, tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng trong các bản, làng, buôn… của các DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được duy trì và phát huy.