Cụ thể, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc từng bước được đầu tư ngày càng hoàn thiện như giao thông, điện, nước, trường học, y tế; sản xuất nông nghiệp phát triển; giáo dục, y tế, an sinh xã hội được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản được đảm bảo; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn cán bộ người DTTS được quan tâm;
Ngoài ra, hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS không ngừng được kiện toàn, củng cố, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm nhanh, bình quân mỗi năm từ 2-3%. Có 75/77 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới (còn 2 xã Đạ Long và Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông dự kiến đạt chuẩn trong năm 2024); 100% xã vùng DTTS đạt chuẩn văn hóa; 98% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 82,97%, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương 82%.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, “Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó chú trọng đến vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn; công tác y tế được triển khai thực hiện toàn diện, đầy đủ và hiệu quả”
Hơn nữa, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, nâng cao; niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững, củng cố, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Để đạt được những kết quả đáng mong đợi, trước tiên nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương đối với Lâm Đồng, nhất là trong công tác dân tộc. Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo tỉnh cùng hệ thống chính quyền các cấp đoàn kết, thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ.
Thứ nhất, phát triển toàn diện kinh tế song song với giữ gìn bản sắc văn hoá và ổn định an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS; tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục bám sát Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, các Nghị quyết của Trung ương; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, Kế hoạch của Chính phủ và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 của tỉnh và các chính sách có liên quan, để tổ chức xây dựng, triển khai Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030 sát với yêu cầu thực tế của địa phương. Tập trung trước mắt về đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, nhà ở, đất ở, nước sạch, thu nhập và nâng cao dân trí, y tế vùng dbdt.
Thứ ba, phát huy tổng hợp các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng dân cư; khơi dậy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào.
Thứ tư, tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất; phân công đầu mối quản lý gắn với chức năng nhiệm vụ rõ ràng của cơ quan công tác dân tộc; nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đảm bảo phân bổ mang tính toàn diện, khoa học.