Nghệ An xây dựng vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ số

Trong bước tiến vững chắc của tỉnh Nghệ An, ngành nông nghiệp luôn đóng vai trò trụ cột, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên nền tảng này, tỉnh đã xác định rõ định hướng: thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các vùng chuyên canh hiện đại.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Tính đến tháng 9/2023, Nghệ An đã có tổng diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao lên tới 31.000 ha, trong đó trồng trọt chiếm 30.600 ha và nuôi trồng thủy sản 462,7 ha. Điều đáng chú ý là, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm, gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Sự phát triển này được xây dựng trên nền tảng của 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, như Tập đoàn TH, Vinamilk Nghệ An, Tổng công ty cổ phần VTNN Nghệ An, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa, Công ty TNHH Mía đường Nasu... Đây là những doanh nghiệp đi đầu, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An.

Với tiềm năng to lớn trong phát triển nông nghiệp, Nghệ An đã từng bước hình thành một số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, như bò sữa, nuôi tôm, một số cây công nghiệp và cây ăn quả tại các huyện có tiềm năng vùng trung du và các huyện miền Tây Nghệ An. Khu vực miền Tây Nghệ An, với độ che phủ rừng lớn, có nhiều tiềm năng về khai thác, chế biến gỗ, dược liệu dưới tán rừng...

na1-1719372289.jpg
Nghệ An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp

Về lâm nghiệp, ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Nghệ An (Quyết định số 509/QĐ-TTg). Đây là một trong 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ và là khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập sớm nhất trên cả nước.

Mục tiêu của khu là đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.

Mở rộng vùng chuyên canh

Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được mở rộng, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; Xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả có múi sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; Hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; Nhiều công nghệ mới được áp dụng trong nuôi trồng thuỷ sản; Ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý nhà nước trong điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phòng chống cháy rừng, kiểm soát dịch bệnh, chi trả dịch vụ môi trường rừng... cho kết quả chính xác hơn, tiết kiệm thời gian và hiệu quả cao hơn.

Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Xây dựng và phát triển Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng bộ; Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính được phép thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Xây dựng đề án các vùng chuyên thâm canh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và kêu gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp công nghệ cao; các mô hình sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh, sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số trên từng lĩnh vực có quy mô vùng chuyên canh; mô hình công nghệ cao trong chăn nuôi; kết nối cung cầu nông sản trên sàn thương mại điện tử.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư; rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng CNC liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đang trình tham mưu UBND tỉnh chủ trương xây dựng Đề án Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC tại Nghĩa Đàn, cùng với việc đẩy mạnh hoàn thành Khu Lâm nghiệp ứng dụng CNC vùng Bắc Trung Bộ đưa vào hoạt động sẽ tạo động lực cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp, thu hút đầu tư và thực hiện tốt định hướng theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.