TÓM TẮT
Nghiên cứu cho thấy, Thạch đen Lạng Sơn (bao gồm thạch đen cây khô, thạch đen ăn liền và bột thạch đen) là sản phẩm có danh tiếng được người tiêu dùng, người kinh doanh ghi nhận; chất lượng cảm quan, lý hóa có sự khác biệt với thạch đen ở địa phương khác, tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm. Kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học, thực tiễn để xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thạch đen Lạng Sơn” của tỉnh Lạng Sơn.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cây thạch đen có tên khoa học Mesona chinensis Benth. thuộc bộ: Hoa môi (Lamiales); họ: Hoa môi/bạc hà (Lamiacceae); chi: cỏ thạch (Mesona); loài: Mesona chinensis Benth (Đỗ Tất Lợi, 2003) và có nguồn gốc ở Đông và Đông Nam Châu Á.
Là loài thực vật thân thảo, có nhựa kết thạch trong nước, chứa nhiều hoạt chất sinh học như: mono và oligosaccharid, pectin, polyphenol, polysaccharid, alkaloid .... và nhiều khoáng vi lượng có lợi, thạch đen không chỉ thức uống giải khát mà còn là một dược liệu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp…tốt cho sức khỏe con người.
Tại Lạng Sơn cây Thạch đen được coi là cây bản địa, truyền thống. Mặc dù chưa có tài liệu nào xác định chính xác nguồn gốc của thạch đen Lạng Sơn, nhưng từ những năm 70 của thế kỷ trước, cây thạch đen được người dân Lạng Sơn nhân rộng từ tự nhiên và phát triển tại ba (03) huyện Tràng Định, Văn Lãng và Bình Gia với diện tích 3.500 ha (hiện là diện tích lớn nhất cả nước), năng suất từ 4,5- 6 tấn/ha, sản lượng khoảng 18.000 tấn/năm, giá bán từ 30.000-35.000 đồng/kg để trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế của địa phương trên cả thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài[2].
Nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của loại cây bản địa gắn với phương thức canh tác truyền thống, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân, thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai hoạt động đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thạch đen Lạng Sơn theo Quyết định só 535/QĐ-UBND ngày 25/2/2921 của UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt danh mục dự án xây dựng Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể đối với một số sản phẩm của tỉnh. Do đó, việc nghiên cứu về tính chất, chất lượng đặc thù của Thạch đen Lạng Sơn trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký thành công Chỉ dẫn địa lý Thạch đen Lạng Sơn là rất cần thiết.
II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu các cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn về danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm thạch đen Lạng Sơn bao gồm thạch đen cây khô, thạch đen ăn liền và bột thạch đen, từ đó làm căn cứ để hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho các sản phẩm thạch đen của tỉnh Lạng Sơn.
2. Phương pháp nghiên cứu
a) Phương pháp thu thập thông tin:
- Thông tin thứ cấp: gồm các báo cáo, tài liệu nghiên cứu, số liệu thống kê liên quan đến sản phẩm thạch đen Lạng Sơn.
- Thông tin sơ cấp: Điều tra khảo sát; Lấy mẫu sản phẩm và phân tích các chỉ tiêu chất lượng trong tương quan so sánh giữa thạch đen Lạng Sơn và thạch đen khu vực đối chứng (thạch đen Hậu Giang và thạch đen Lâm Đồng).
b) Phương pháp phân tích thông tin:
- Phương pháp chuyên gia để đánh giá tính chất, chất lượng cảm quan: các cản phẩm thạch đen được đánh giá cảm quan bởi các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người có am hiểu sâu sắc về thạch đen, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thạch đen.
- Phương pháp thống kê, so sánh và mô tả để xác định tính chất, chất lượng đặc thù của Thạch đen Lạng Sơn;
- Phân tích số liệu sử dụng phần mềm Excel.
III. KẾT QUẢ THẢO LUẬN
1. Danh tiếng của Thạch đen Lạng Sơn
Hiện chưa có tài liệu nào xác định nguồn gốc của thạch đen Lạng Sơn, nhưng từ những năm 70 của thế kỷ trước cho đến nay, cây thạch đen được người dân Lạng Sơn nhân rộng từ tự nhiên và phát triển tại ba (03) huyện Tràng Định, huyện Văn Lãng và huyện Bình Gia; và cây thạch đen được coi là cây bản địa, truyền thống, có giá trị kinh tế của địa phương.
Từ trước đến nay, thạch đen cây khô Lạng Sơn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc (80%). Năm 2020, Trung Quốc đã cử các chuyên gia kỹ thuật đến Lạng Sơn và Cao Bằng để kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, khu vực sản xuất, cơ sở đóng gói và các biện pháp bảo quản thạch đen làm cơ sở ký kết Nghị định thư về xuất nhập khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc. Các chuyên gia Trung Quốc đã đánh giá rất cao chất lượng thạch đen của Việt Nam nói chung và của Lạng Sơn nói riêng, đặc biệt, sau khi ăn thử thạch đen chế biến, các chuyên gia còn khẳng định chất lượng, hương vị thạch đen tại Việt Nam nói chung, thạch đen Lạng Sơn nói riêng là rất đặc trưng và ngon hơn thạch đen được trồng tại Trung Quốc [5]. Ngày 08/12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc.
Theo đánh giá của người thu gom, cơ sở mua bán và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thạch đen cây khô, thạch đen cây khô Lạng Sơn được người thu mua/phân phối thích hơn vì chất lượng khác biệt so với địa phương khác. 100% ý kiến đánh giá là hàm lượng trương thạch cao (AMC Việt Nam, 2022). Dù không có tài liệu, nghiên cứu nào ghi rõ cụ thể, nhưng theo ý kiến của 86% người sản xuất và kinh doanh thạch đen đều cho rằng thạch đen Lạng Sơn là sản phẩm có danh tiếng (AMC Việt Nam, 2022).
Hiện nay, Thạch đen Lạng Sơn không chỉ được tiêu thụ nội địa ở rất nhiều tỉnh từ Bắc tới Nam (dưới dạng thạch đen cây khô, thạch đen chế biến ăn liền, bột thạch đen) mà còn được xuất khẩu (dưới dạng thạch đen cây khô, bột thạch đen) tới nhiều quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc. Kết quả khảo sát các cơ sở thu gom, doanh nghiệp xuất khẩu thạch đen về việc tiếp nhận phản hồi từ nhà nhập khẩu/thu mua cũng cho biết doanh nghiệp hoặc nhà nhập khẩu khi thu mua thạch thường đánh giá cao chất lượng thạch đen Lạng Sơn, tập trung vào chỉ tiêu nhựa thạch (độ nhớt) hay hàm lượng trương thạch lớn, tỉ lệ lá trên thân cành cao để đảm bảo sản phẩm thạch khi được chế biến sẽ đạt về mùi (thơm đặc trưng) và dai, giòn.
Kết quả khảo sát sự ưa thích đối với thương hiệu thạch đen Lạng Sơn trên mạng xã hội (facebook, zalo…) do AMC Việt Nam thực hiện năm 2022 cho thấy, 84,3% số người được hỏi đã từng biết đến “Thạch đen Lạng Sơn”. Đặc biệt, 87,5% số người được khảo sát cho biết, họ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua sản phẩm thạch đen Lạng Sơn khi so sánh với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Như vậy có thể thấy, thạch đen Lạng Sơn là sản phẩm có danh tiếng, có uy tín, niềm tin từ khách hàng và khách hàng nhận biết được về sản phẩm và thương hiệu sản phẩm.
Bảng 1: Kết quả đánh giá của người tiêu dùng đối với “Thạch đen Lạng Sơn”[1]
Chỉ tiêu |
Tổng mẫu |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
Giá trị trung bình |
Ý nghĩa của giá trị trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Thương hiệu thạch đen Lạng Sơn nổi tiếng |
384 |
1 |
5 |
4,23 |
Cao |
1,38 |
Các sản phẩm thạch đen Lạng Sơn được bán rộng rãi |
384 |
1 |
5 |
4,21 |
Cao |
1,29 |
Giá cả các sản phẩm mang thương hiệu tương ứng với chất lượng |
384 |
1 |
5 |
4,62 |
Cao |
1,12 |
Sản phẩm thạch đen Lạng Sơn dễ nhận biết với các sản phẩm thạch đen khác trên thị trường |
384 |
1 |
5 |
4,68 |
Cao |
1,37 |
Mức độ ảnh hưởng của thương hiệu thạch đen Lạng Sơn tới sự lựa chọn sản phẩm |
384 |
1 |
5 |
4,51 |
Cao |
1,21 |
(Nguồn: AMC Việt Nam, Khảo sát năm 2022)
2. Tính chất, chất lượng đặc thù của Thạch đen Lạng Sơn
Sản phẩm thạch đen Lạng Sơn hiện có 03 loại bao gồm: Thạch đen cây khô, thạch ăn liền và bột thạch đen.
2.1. Kết quả đánh giá đặc tính cảm quan của thạch đen Lạng Sơn
(i) Đối với thạch đen cây khô:
So với thạch đen cây khô của Hậu Giang và Lâm Đồng, thạch đen cây khô Lạng Sơn có số lượng lá trên thân cành cao hơn khoảng 15%- 20% (theo kết quả tổng hơp đánh giá và đếm lá so sánh tại chỗ giữa thạch đen cây khô Lạng Sơn và thạch đen đối chứng).
Độ nhớt của thạch đen cây khô được xác định cảm quan bằng cách ngâm một lượng cành và lá thạch đen cây khô như nhau giữa các vùng đối chứng vào nước lạnh trong một khoảng thời gian nhất định; sau đó, cảm nhận bằng cách xoa các đầu ngón tay vào mặt lá thạch. Kết quả là, thạch đen cây khô của Lâm Đồng và Hậu Giang được đánh giá là ít nhớt trong khi thạch đen cây khô của Lạng Sơn được đánh giá có rất nhiều nhớt.
Bảng 2: Bảng tổng hợp kết quả đánh giá cảm quan của thạch đen cây khô
STT |
Chỉ tiêu |
Thạch đen Lạng Sơn |
Thạch đen Hậu Giang |
Thạch đen Lâm Đồng |
1 |
Độ lớn của thân (To/nhỏ/khác) |
To |
To |
To |
2 |
Độ dài của thân (Dài/ngắn/khác) |
Dài |
Ngắn |
Ngắn |
3 |
Màu sắc của thân (Đen/xám/nâu/khác) |
Đen xám Đen nâu |
Nâu xám |
Nâu xám |
4 |
Độ to của lá (To/nhỏ/khác) |
To |
To |
To |
5 |
Độ dày của lá (Dày/mỏng/khác) |
Dày |
Mỏng |
Mỏng |
6 |
Số lượng lá trên thân/cành (Nhiều/ít/khác) |
Nhiều |
Ít |
Ít |
7 |
Mùi của thân, lá thạch đen cây khô (Không mùi/có mùi/khác) |
Thơm đặc trưng |
Ít mùi |
Ít mùi |
8 |
Độ nhớt (Rất nhiều/nhiều/ít/rất ít/không có/khác) |
Rất nhiều |
Ít |
Ít |
(Nguồn: AMC tổng hợp kết quả hội nghị cảm quan, 2022)
(ii) Đối với thạch đen ăn liền:
Kết quả đánh giá cảm quan bằng thử nếm và quan sát đối với thạch đen ăn liền như sau:
- Thạch đen ăn liền Lạng Sơn được đánh giá là giòn đến rất giòn trong khi thạch đen ăn liền của Hậu Giang được đánh giá là hơi giòn;
- Thạch đen ăn liền Lạng Sơn được đánh giá là dai đến rất dai trong khi thạch đen ăn liền của Hậu Giang được đánh giá là không dai đến hơi dai;
Thạch đen ăn liền Lạng Sơn được đánh giá là tách nước ít thậm chí là không tách nước trong khi thạch đen ăn liền của Hậu Giang được đánh giá là tách nước nhiều Không tiến hành đánh giá cảm quan đối với thạch đen Lâm Đồng do thạch đen Lâm Đồng ít được chế biến thành thạch ăn liền để thương mại. Khảo sát tại các chợ nhỏ ở Lâm Đồng phản ánh thạch đen tại Lâm Đồng thường chỉ nấu dưới dạng nước uống, một số rất ít nấu thành khối thạch ăn liền tại nhà, thì thạch có độ tách nước, độ giòn, độ dai kém hơn so với thạch Lạng Sơn (tách nước rất nhiều, không giòn, không dai).
Bảng 3: Bảng tổng hợp kết quả đánh giá cảm quan của thạch đen ăn liền
STT |
Chỉ tiêu |
Thạch đen Lạng Sơn |
Thạch đen Hậu Giang |
1 |
Màu sắc của thạch (Đen/nâu/khác) |
Đen |
Đen |
2 |
Độ chắc của thạch (Rất cứng/cứng/hơi cứng/hơi mềm/mềm/rất mềm/khác) |
Cứng |
Hơi cứng |
3 |
Độ dai của thạch (Rất dai/dai/ít dai/không dai/khác) |
Dai
|
Không dai;
|
4 |
Độ tách nước (Tách nước nhiều/tách nước ít/không tách nước/khác) |
Ít tách nước |
Tách nước nhiều |
5 |
Độ giòn của thạch (Rất giòn/giòn/ít giòn/không giòn/khác) |
Giòn
|
Hơi giòn
|
6 |
Độ đàn hồi của thạch (Rất đàn hồi/đàn hồi/ ít đàn hồi/không đàn hồi/khác) |
Đàn hồi |
Ít đàn hồi |
7 |
Mùi của thạch (Rất thơm/thơm/ít thơm/không thơm/khác) |
Rất thơm |
Ít thơm |
8 |
Vị của thạch (Ngái/chát/đắng nhẹ/thanh mát/khác) |
Thanh mát |
Mát, hơi ngái |
(Nguồn: AMC tổng hợp kết quả hội nghị cảm quan, 2022)
(iii) Đối với bột thạch đen:
Về mặt cảm quan, so với bột thạch đen của khu vực đối chứng, bột thạch đen Lạng Sơn mịn và có mùi thơm đặc trưng.
Bảng 4: Bảng tổng hợp kết quả đánh giá cảm quan của bột thạch đen
STT |
Chỉ tiêu |
Bột thạch đen Lạng Sơn |
Bột thạch đen Cơ sở HCM |
Bột thạch đen cơ sở Đồng Nai |
Bột thạch đen cơ sở Bắc Ninh |
1 |
Màu sắc của bột thạch (Đen/xám/nâu/khác) |
Nâu đen xám |
Nâu đen xám |
Nâu đen xám |
Nâu đen xám |
2 |
Độ mịn của bột thạch (Rất mịn/mịn/ít mịn/không mịn/khác) |
Rất mịn |
Mịn |
Ít mịn |
Ít mịn |
3 |
Mùi của bột thạch (Rất thơm/thơm/ít thơm/không thơm/khác) |
Rất thơm |
Thơm |
Ít thơm |
Ít thơm |
(Nguồn: AMC tổng hợp kết quả hội nghị cảm quan, 2022)
2.2. Kết quả đánh giá đặc tính chất lượng của thạch đen Lạng Sơn
(i) Đối với Thạch đen cây khô
Về chất lượng: Thạch đen cây khô Lạng Sơn có hàm lượng Pectin dao động trong khoảng (27,86% - 31,06%) cao hơn khoảng 2,9 lần so với thạch đen cây khô Lâm Đồng (hàm lượng pectin trong khoảng 9,36% - 10,87%) và cao hơn khoảng 2,8 lần so với thạch đen cây khô Hậu Giang (hàm lượng pectin trong khoảng 9,3% - 11,7%).
(ii) Đối với Thạch đen ăn liền
Về chất lượng: Thạch đen ăn liền Lạng Sơn có hàm lượng pectin dao động trong khoảng (15,45% - 17,31%) cao hơn hàm lượng pectin của thạch đen ăn liền Hậu Giang khoảng 1,32 lần (11,27% - 13,53%).
(iii) Đối với Bột thạch đen
Bột thạch đen Lạng Sơn có hàm lượng pectin dao động trong khoảng (39,75% - 40,60%), cao hơn hàm lượng pectin của bột thạch đen cơ sở Bắc Ninh khoảng 2,33 lần (trung bình là 17,2%); cao hơn bột thạch đen cơ sở thành phố Hồ Chí Minh khoảng 4,38 lần (trung bình là 9,16%); và cao hơn bột thạch đen cơ sở Đồng Nai khoảng 3,46 lần (trung bình là 11,60%).
Từ kết quả đánh giá đặc tính cảm quan và đặc tính chất lượng của thạch đen Lạng Sơn cho thấy, các sản phẩm thạch đen Lạng Sơn bao gồm thạch đen cây khô, thạch đen ăn liền và bột thạch đen có tính chất, chất lượng đặc thù, cụ thể như sau:
Bảng 5: Tính chất chất lượng đặc thù của Thạch đen Lạng Sơn
Chỉ tiêu đánh giá |
Thạch đen cây khô |
Thạch ăn liền |
Thạch đen dạng bột |
Cảm quan |
Số lượng lá trên thân/cành lớn Độ nhớt lớn khi ngâm |
Giòn, dai, tách nước ít. |
Mịn và có mùi thơm đặc trưng. |
Chất lượng: Hàm lượng Pectin |
27,86% - 31,06% |
15,45% - 17,31% |
39,75% - 40,60% |
IV. KẾT LUẬN
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn về danh tiếng, tính chất và chất lượng đặc thù của thạch đen Lạng Sơn đã chỉ ra rằng:
Về danh tiếng: Thạch đen Lạng Sơn là sản phẩm hàng hóa từ những năm 70 của thế kỷ 20 và được nhận biết, đánh giá cao về chất lượng bởi người tiêu dùng, người thu gom, cơ sở mua bán, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người thu mua/phân phối thạch đen, thậm chí cả các chuyên gia nước ngoài.
Về mặt tính chất, chất lượng: Thạch đen cây khô, thạch đen ăn liền và bột thạch đen Lạng Sơn đều có đặc tính cảm quan và chất lượng khác biệt so với thạch đen của địa phương khác:
Đối với Thạch đen cây khô: Cảm quan: Số lượng lá trên thân cành lớn, độ nhớt lớn khi ngâm; Chất lượng: Hàm lượng Pectin từ 27,86% - 31,06%.
Đối với Thạch đen ăn liền: Cảm quan: Giòn, dai, tách nước ít; Chất lượng: Hàm lượng Pectin từ 15,45% - 17,31%.
Đối với Bột Thạch đen: Chất lượng: Hàm lượng Pectin từ 39,75% - 40,60%.
Các kết quả trên đây cho thấy sản phẩm thạch đen Lạng Sơn đáp ứng các điều kiện về sản phẩm để đăng ký chỉ dẫn địa lý Thạch đen Lạng Sơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Tất Lợi, 2003, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học. Hà Nội.
2. Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam, 2021, Báo cáo Kết quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Thạch đen trên địa bàn các huyện Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng tháng 12 năm 2021.
3. Biên bản Hội thảo khoa học đánh giá chất lượng cảm quan sản phẩm thạch đen Lạng Sơn.
4. Kết quả đánh giá chất lượng lý hóa của sản phẩm thạch đen mang Chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn.
5. Nguyễn Huân, Hưng Giang, 2019, Chuyên gia Trung Quốc đánh giá cao thạch đen Việt Nam, truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2022. Địa chỉ: https://nongnghiep.vn/chuyen-gia-trung-quoc-danh-gia-cao-thach-den-viet-nam-d245759.html
[1]Áp dụng công thức xác định cỡ mẫu của Qualtrics, tập đoàn chuyên nghiên cứu về thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng hàng đầu thế giới (Smith, 2013), sử dụng kỹ thuật lấy mẫu ngẫu nhiên.Smith, S. M. (2013). Determining Sample Size: How to Ensure You Get the Correct Sample Size. https://www.qualtrics.com/blog/calculating-sample-size/