Điểm sáng Hồng Vân
Nhưng không phải đợi đến khi có Kế hoạch 73 mới thực hiện mà người dân ở nhiều vùng ngoại thành đã năng động trong việc phát triển du lịch nông nghiệp. Nhờ đó, Hà Nội đã có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch gồm: điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).
Ngoài ra, Hà Nội còn công nhận 5 điểm du lịch cấp thành phố ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái gồm: điểm du lịch xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; điểm sinh thái Hoàng Long, huyện Thạch Thất; điểm du lịch làng nghề lược sừng Thuỵ Ứng, huyện Thường Tín; điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
Có thể nói trong các địa phương thì xã Hồng Vân, huyện Thường Tín là nơi đi tiên phong trong việc đã chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, làng nghề. Tận dụng lợi thế của một xã ven sông Hồng, có truyền thống về nghề trồng hoa, cây cảnh nên Hồng Vân đã tạo điểm nhấn về du lịch bằng chính cảnh quan, môi trường có một không hai của mình. Xã có 21 tuyến đường chính thì mỗi tuyến đường được trồng một loài hoa, tên đường được đặt theo tên các loài hoa như đường hoàng yến, đường bằng lăng, đường hoa ban, đường phượng vĩ…
Xã còn xây dựng gần 20 mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp kết hợp dịch vụ trải nghiệm. Những công trình văn hóa, di tích lịch sử được người dân cùng chính quyền góp sức trùng tu, tôn tạo. Những phong trào xây dựng không gian sáng, xanh, sạch đẹp và hình ảnh người Hồng Vân văn minh, thân thiện, mến khách đã được chính quyền và nhân dân triển khai, hưởng ứng. Nhờ đó mà lượng khách tìm đến mỗi lúc một nhiều, mỗi năm đạt từ 15.000-20.000 lượt, giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Đối với khu vực ven đô, việc phát triển nông nghiệp ngoài phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho chính người dân khu vực nông thôn còn có nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo tỷ lệ cây xanh và điều hòa không khí cho các khu vực nội đô đang đô thị hóa nhanh chóng. Bởi vậy việc phát triển du lịch gắn với tự nhiên và làng nghề của Hồng Vân là một điều đáng ghi nhận. Trong Nghị quyết của Đảng bộ xã mới đây đã thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu đến năm 2025 Hồng Vân sẽ trở thành một trung tâm kết nối vùng trọng điểm và là một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
Chuyện anh Hợi ở thôn Đoài làm du lịch
Nếu như ở Hà Nội có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp do doanh nghiệp hoặc người bên ngoài vào đầu tư thì mô hình của anh Nguyễn Hữu Hợi ở thôn Đoài, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng lại là của hiếm khi hoàn toàn do nông dân tự phát triển. Tại đây có những mặt mạnh và yếu đặc trưng của nền du lịch nông nghiệp còn non trẻ. Hiện tổng diện tích trang trại của anh có 4 ha trong đó một phần trồng nho Hạ Đen. Ban đầu anh chỉ đơn thuần sản xuất rồi bán buôn cho các cửa hàng, siêu thị nhưng về sau đã mở dịch vụ cho khách tham quan, trải nghiệm.
Mỗi năm có 2 vụ nho vào tháng 5 và tháng 11 âm lịch, mỗi vụ kéo dài khoảng 20 ngày, mỗi ngày anh đón trung bình từ vài chục khách đến cả trăm khách. Vé người lớn 30.000đ, vé trẻ em 20.000đ, tính ra mỗi năm cơ sở cũng thu được khoảng vài chục triệu. Nhưng nguồn thu chính của trang trại vẫn là từ bán nho. 1.500 gốc nho Hạ Đen trung bình cho sản lượng 3,5-4 tấn/vụ, với giá bán 150.000 đồng/kg tại vườn, năm ngoái anh thu được hơn 500 triệu, lãi 300 triệu, năm nay mưa nhiều, nho mất mùa anh chỉ thu được hơn 300 triệu, lãi 200 triệu.
Nói về định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, anh Hợi tỏ rõ sự băn khoăn, trăn trở bởi: “Xã đứng ra gom đất của dân sau đó cho tôi thuê lại với mức giá 1 triệu/sào/năm, hợp đồng 5 năm ký một lần. Ngoài trồng nho Hạ Đen tôi còn làm bể cá Koi để thu hút khách nhưng cũng không dám đầu tư tiếp các hạng mục khác bởi thời gian thuê đất quá ngắn. Tôi đang đề nghị xã họp dân lại xin được ký hợp đồng 15-20 năm nhưng không biết có được không.
Theo tôi muốn phát triển du lịch nông nghiệp thứ nhất là tạo điều kiện ký hợp đồng thuê đất lâu dài. Thứ hai là tạo điều kiện cho làm cơ sở hạ tầng như khu vệ sinh, nhà ăn, chỗ cư trú...Tất nhiên làm trên đất nông nghiệp nên chỉ là những công trình lắp ghép. Cuối cùng là tạo điều kiện về vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian vay lâu dài”.
Hiện thành phố Hà Nội có kế hoạch giao cho các huyện làm thí điểm nông nghiệp du lịch nhưng cũng rất khó khăn. Chị Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nhận định: Những tổ nhóm, HTX hay nông hộ làm nông nghiệp du lịch hầu hết đều chưa được đào tạo bài bản, chưa biết cách tuyên truyền, giới thiệu cho du khách. Thêm vào đó là câu chuyện về cơ sở hạ tầng. Đã là điểm du lịch trải nghiệm phải có hạ tầng, ít nhất là có đường đi lối lại, có bãi để xe và có chỗ kê bàn ghế đón khách ăn, nghỉ, có chỗ cho khách lưu trú…Tất cả những điều đó đều đang bị vướng bởi cơ chế quản lý đất nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu của khách, một số chủ cơ sở buộc phải xây dựng những công trình trên đất nông nghiệp lại thành ra vi phạm…
Du lịch nông nghiệp muốn thu hút khách đến lần một rồi lần hai, lần ba thì không đơn giản chỉ là mô hình sản xuất an toàn mà phải phối hợp nhiều hoạt động trong đó, phải đồng bộ thành một khu. Như HTX Hồng Vân của huyện Thường Tín có đủ quy mô diện tích, khi khách đến trải nghiệm có nhiều hoạt động như sản xuất rau, ao cá, hoa cây cảnh, có các gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX hay những sản phẩm OCOP của địa phương. Nhờ đó mới thu hút được khách đến đông, đến nhiều lần. Các công ty lữ hành rất muốn khai thác du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh được kết hợp thành một chuỗi, một tour chứ để riêng du lịch nông nghiệp thì chỉ là một sản phẩm đơn điệu, ít thu hút, thường khách chỉ đến một lần trải nghiệm rồi thôi.
Hà Nội có nhiều vùng trồng sen rất đẹp nhưng việc tuyên truyền, quảng bá vẫn còn hạn chế do người sản xuất chỉ biết sản xuất, chưa được đào tạo về marketing, chưa biết khai thác nông sản dưới góc độ đa giá trị. Trồng sen không chỉ thu hoa và đài mà còn thu lá để làm trà, thu củ sen, ngó sen để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn cho khách đến tham quan, chụp ảnh cùng thưởng thức. Cũng là bông sen nhưng không chỉ bó thành chục để bán mà còn cắm sẵn vào lẵng, tạo cho du khách sự thích thú để mà mua.
“Bán nông sản không đơn giản chỉ là nông sản mà còn bán cả giá trị văn hóa, tinh thần của người nông dân đã đổ mồ hôi, công sức vào đó, phải nâng tầm nó lên. Cán bộ khuyến nông phải truyền tải ý nghĩa ấy, từ đó tư vấn, giới thiệu cho bà con cách làm du lịch nông nghiệp”, chị Hương gợi mở.