Giá tăng cơ bản vẫn là do cung nhỏ hơn cầu
Tính đến hôm nay 2/12, Giá cà phê trong nước trong nước đã tăng tổng cộng 11.000 – 11.500 đồng/kg trong tuần qua và đang rất gần mức đỉnh lịch sử đạt được vào tháng 4 năm nay, hiện giao dịch trong khoảng 129.500 - 130.500 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê trong nước đã tăng gần 20% trong tháng 11 vừa qua và đang rất gần mức đỉnh lịch sử hơn 134.000 đồng/kg.
Giá cà phê robusta tuần qua đã có lúc chạm ngưỡng cao nhất trong lịch sử và arabica cao nhất trong 47 năm do được hỗ trợ bởi thời tiết bất lợi tại Brazil và Việt Nam, hai nước trồng cà phê lớn nhất thế giới, đe dọa sản lượng cà phê toàn cầu.
Việc nông dân trồng cà phê tại Brazil và Việt Nam chần chừ bán ra với kỳ vọng giá tốt hơn cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá lên cao.
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê lớn với 176,8 ngàn ha, tăng 0,7% so cùng kỳ 2023; sản lượng 572,7 ngàn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích cà phê có các chứng nhận 4C, UTZ, RainForest… đạt 88.000 ha, tăng 2,32%; sản lượng đạt 297.440 tấn/năm, tăng 8,1%.
Theo bà con Nhân dân chuyên trồng cà phê, 2 năm trở lại đây, giá cà phê đã tăng mạnh trở lại nên nông dân rất phấn khởi.
Huy động nhân công để đảm bảo cà phê được thu hái kịp thời vụ
Tháng 11 hàng năm, khi những đóa hoa dã quỳ vàng rực rỡ trên các dốc đồi cũng là lúc nông dân ở các huyện, thành phố tỉnh Lâm Đồng bắt tay vào nhiệm vụ thu hoạch cà phê, loại cây trồng chủ lực trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.
Cà phê tươi đang có giá cao khiến bà con rất phấn khởi. Trung bình mỗi ha, năng suất thu hoạch khoảng 5 - 6 tấn nhân xô, cá biệt có vườn đạt 8 - 10 tấn nhân mỗi ha.
Bên cạnh sự tất bật của chủ vườn hái cà phê, nhiều Hợp tác xã cũng mở các lớp đào tạo, hoạt động trải nghiệm dành cho các nhà rang, chủ quán cà phê tham gia quá trình hái và sơ chế cà phê chất lượng cao.
Lớp “Sơ chế cà phê chất lượng cao” của HTX Hoa Linh tổ chức tại Thôn 5, xã Tân Châu, huyện Di Linh (Lâm Đồng), thu hút nhiều đơn vị kinh doanh cà phê tham gia.
Các chủ kinh doanh cà phê cùng tham gia hái chọn, sơ chế, phơi cà phê cùng bà con nông dân.
Toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 610.000 ha cà phê, trong đó Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ nhất cả vùng cũng như cả nước về diện tích, sản lượng cà phê. Toàn tỉnh có hơn 176,8 ngàn ha với sản lượng 572,7 ngàn tấn tăng 5%.