1. Vấn đề đặt ra với ngành nông nghiệp Thủ đô
Sau mở rộng địa giới hành chính (tháng 8 năm 2008), Hà Nội có diện tích 3.344,6 Km2 trở thành thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích tự nhiên và thứ 2 vè dân số. Hà Nội có hơn 1000 năm tuổi, luôn giữ được vai trò đầu não, xứng đáng với vị thế Thủ đô của cả nước..
Diện tích đất nông nghiệp của thành phố có trên 197.793 ha, chiếm 58,9% diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp có rừng chiếm 6,1%, nuôi trồng thủy sản 4,5% và đất nông nghiệp khác khoảng 2%.
Hà Nội phát triển nông nghiệp đô thị tạo không gian xanh (Ảnh Năng lượng sạch VN)
Cuối năm 2022, sản xuất nông nghiệp chiếm 2,3% tổng sản phẩm (GRDP) của địa bàn, đáp ứng được từ 30% đến 65% nhu cầu sản phẩm nông nghiệp của hơn 10 triệu dân; đảm bảo 65% nhu cầu gạo, hơn 94,% thịt lợn hơi, 28,8% về trái cây và trứng gia cầm khoảng 94%.
Lượng nông sản thực phẩm khai thác trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài chưa tốt, thiếu sự kết nối nên tình hình an ninh lương thực, tính liên kết của hệ thống nông nghiệp và cung ứng lương thực thực phẩm trên địa bàn chưa ổn định, cần có biện pháp tháo gỡ. Đây là nhiệm vụ cấp thiết của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Tốc độ đô thị hóa nhanh đòi hỏi phải đa dạng hóa các kênh cung ứng; song, việc xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp và hạ tầng kinh tế-xã hội đã dẫn đến đất đai bị chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị ách tắc, là một trong những nguyên nhân gây tình trạng nông dân bỏ không sản xuất nông nghiệp.
Hà Nội hiện có nhiều quy hoạch liên quan đến nông nghiệp đã phá vỡ không gian nông nghiệp để nhường chỗ cho hạ tầng đô thị. Đây là nguyên nhân dẫn tới suy giảm giá trị lịch sử văn hoá nông nghiệp để lại từ hàng ngàn năm trước.
Thực hiện các chương trình và Nghị Quyết của lãnh đạo Thành phố như Chương trình 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND tháng7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân; Quyết định 17/2012/QĐ-UBND của UBND thành phố và; Kế hoạch 227/KH-UBND thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp Đô thị trong giai đoaạn từ 2022 đến 2026. Đề án tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp thực hiện đối với các đối tượng trực tiếp hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp và các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Yếu tố tác động đến phát triển nông nghiệp Thủ đô
2.1. Phát triển nông nghiệp đô thi từ góc nhìn nghiên cứu
Theo tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) (1996), Nông nghiệp đô thị (NNĐT) là hoạt động sản xuất các loại thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp dựa trên quỹ đất và nguồn nước ở khu vực đô thị. Hoạt động này sử dụng nguyên liệu tự nhiên và chất thải đô thị. Khái niệm NNĐT tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Gần đây, xu hướng phát triển NNĐT đã được nhìn nhận toàn diện và hệ thống hơn. Mạng lưới Nông nghiệp Đô thị Thế giới định nghĩa NNĐT là ngành sản xuất, chế biến và tiếp thị thực phẩm, nhiên liệu và các sản phẩm đầu ra để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trong các thị trấn, thành phố hoặc đô thị,
NNĐT áp dụng phương pháp sản xuất thâm canh, để tạo ra các loài động thực vật và các sản phẩm nông nghiệp khác, dựa trên quỹ đất và nguồn nước ở khu vực đô thị. Ngành sản xuất này đã góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, sức khoẻ, sinh kế và môi trường của cá nhân, hộ gia đình và các cộng đồng sống trong đô thị.
Những thành phố quan tâm tới NNĐT, có thể tự đáp ứng đến 100% nhu cầu nông sản tươi sống. Sử dụng tầng mái ở New York (Mỹ) đã tăng gấp đôi không gian cần thiết để cung cấp rau xanh cho cả Thành phố, trồng cây xanh trong các thành phố có thể cắt giảm được đáng kể lượng rác thải thực phẩm.
Là một hệ thống phức tạp, NNĐT bao gồm những cốt lõi liên quan đến sản xuất, chế biến, tiếp thị, phân phối và tiêu dùng nông sản. Sáng kiến quy hoạch và thiết kế hiện đại đáp ứng yêu cầu của mô hình nông nghiệp đô thị do phù hợp với thiết kế bền vững, gắn với quyết định chính sách để xây dựng các thành phố hiện đại. Tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng, cả về kinh tế và địa lý, là một khác biệt trong những nỗ lực định vị sản xuất lương thực và chăn nuôi ở các thành phố. Sự gia tăng dân số thế giới ở các đô thị đã làm tăng nhu cầu hàng năm về thực phẩm và khả năng an toàn về nông sản.
Khu vực đô thị đang phải đối mặt với an ninh lương thực đang còn hạn chế, thường dựa vào thức ăn nhanh qua chế biến hoặc các cửa hàng thực phẩm với hàm lượng calo cao và ít chất dinh dưỡng, dễ thể dẫn đến những bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Vấn đề nảy sinh khái niệm công bằng được giải thích là do, "tạo cơ hội tiếp cận với thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng, phù hợp với văn hóa trong bối cảnh thể chế còn phân biệt. Công bằng lương thực đóng vai trò cầu nối giữa học thuật với khả năng tích cực về nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và công bằng môi trường. "
Phong trào làm vườn ở các cộng đồng đã mở cửa cho công chúng và cung cấp không gian cho người dân trồng cây làm thực phẩm hoặc giải trí. Phong trào trồng cây lâu năm đã ảnh hưởng to lớn trong thời kỳ phục hưng của nông nghiệp đô thị. Những năm 1960, nhiều khu vườn cộng đồng được thành lập ở Vương quốc Anh, với trang trại thành phố đầu tiên được thành lập năm 1972 ở Luân Đôn. Trang trại này đã kết hợp chăn nuôi động vật trang trại với không gian làm vườn, tạo sự bổ sung lẫn nhau.
Lấy cảm hứng từ các trang trại dành cho trẻ em ở Hà Lan, những trang trại thành phố tiếp theo được xây dựng ở London và Vương quốc Anh. Ở Úc, nhiều trang trại thành phố đã tồn tại nhiều năm trong các khu đô thị khác nhau. Tại Melbourne, trang trại Collingwood được thành lập vào năm 1979 trên Khu Di sản Abbotsford Precinct (APHF) thuộc vùng đất canh tác là trang trại liên tục và lâu đời nhất của bang Victoria, đã ra đời vào năm 1838.
NNĐT phù hợp với Hà Nội là ngành kinh tế tổng hợp đô thị, bao gồm cả hoạt động sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ về rau, hoa, quả, thảm xanh thực vật, cây xanh, cây cảnh, cây trang trí, cây dược liệu, cây trồng nông nghiệp và sinh vật hữu ích khác; những trang trại này dùng phương pháp canh tác hữu cơ, sinh thái, công nghệ chính xác và giải pháp kỹ thuật truyền thống kết hợp với hiện đại, không cần nhiều diện tích, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải sinh hoạt nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống, tạo không gian sống xanh,; giảm bớt tiếng ồn và hiệu ứng nhà kính; đồng thời kiến tạo cảnh quan kiến trúc môi trường, không gian thư giãn, chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân đô thị.
Trong quy hoạch sử dụng đất còn có khái niệm không gian NNĐT. Đây là nơi chứa đựng mọi hoạt động liên quan đến nông nghiệp, gọi là không gian đa chức năng. Không gian đô thị bao gồm các yếu tố được hiểu là không gian của các vật thể kiến trúc, cây xanh, mặt nước và hoạt động chăn nuôi trồng trọt tích hợp trong môi trường đô thị, có tác động trực tiếp đến cảnh quan đô thị.
Không gian NNĐT bao gồm cả cảnh quan đô thị truyền thống và đô thị sản xuất phái sinh. Hầu hết lý thuyết phát triển đô thị đều nhìn nhận NNĐT có vai trò ngày càng quan trọng trong quy hoạch xây dựng phát triển đô thị bền vững theo hướng sinh thái, bằng giá trị giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường, gia tăng cảnh quan và tăng hiệu quả sử dụng đất đai.
Trong đô thị hiện đại và phát triển bền vững, không thể thiếu được vai trò của NNĐT. Nền nông nghiệp này mang tính đặc thù của tổ chức sản xuất trong không gian hẹp, ít đất canh tác. Đóng góp của NNĐTđối với đời sống dân cư phụ thuộc vào thuận lợi, khó khăn và nhất là nhận thức về kiểm soát và giám sát rủi ro.
So với nông nghiệp truyền thống, NNĐT có lợi thế cạnh tranh nhất định, nhất là khi NNĐT có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm với chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, cần chú ý là NNĐT không cạnh tranh với nông nghiệp ở các vùng nông thôn và thường tập trung vào những hoạt động có lợi thế, nhất là cung cấp sản phẩm tươi sống và mau bị hư hỏng. Có thể thấy, NNĐT là một nền sản xuất nghiệp đa chức năng đóng vai trò chính về chức năng cung ứng lương thực thực phẩm, đảm bảo môi trường bền vững; tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nghèo đô thị
1.2. Xu hướng phát triển Nông nghiệp trong các đô thị Việt Nam và ảnh hưởng của nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.
Không gian NNĐT có thể phân thành 3 vùng theo đặc điểm của quá trình đô thị hoá. Đó là vùng nông thôn ven đô, đô thị ven đô và vùng nội đô.
Hà Nội phát triển nông nghiệp sử dụng công nghệ cao. Ảnh: Kinh tế nông thôn
Phân tích tình hình phát triển NNĐT ở các vùng ven đô; các nhà nghiên cứu cho rằng, nông nghiệp của Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác thường phát triển theo mô hình 3 vành đai. Kể từ trong ra ngoài gồm có: vành đai nông nghiệp chuyên canh, vành đai nông nghiệp đa dạng và vành đai nông nghiệp thích ứng.
Khi đất đai thuộc quyền quản lý của chính quyền đô thị, đất nông nghiệp được giao cho nhà đầu tư, nông dân mất đất canh tác. Mặt khác, đất nông nghiệp manh mún, không liền mạch nên việc mở rộng canh tác và đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn. Các HTX nông nghiệp bị giải thể hoặc ngừng hoạt động.dẫn đến đất đai bị bỏ hoang hóa. Với hạn chế tuổi tác, trình độ học vấn và kỹ năng, nông dân khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Trong quá đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; NNĐT giữ vai trò quan trọng để đảm bảo sinh kế và việc làm cho cư dân nghèo.
Dân số Hà Nội tăng nhanh đã nảy sinh những lo ngại về cung cấp lương thực. Làm thế nào giữ an ninh lương thực bền vững mà không gây nguy hại đến tài nguyên môi trường là vấn đề lớn đặt ra. Nhu cầu “thực phẩm an toàn” tại các địa phương ngày một giá tăng; nhưng các hộ sản xuất nhỏ, thường không có phương tiện hoặc chưa được đào tạo kỹ thuật để đáp ứng những yêu cầu về thực phẩm an toàn. Thêm nữa, dân số tăng nhanh kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh như ô nhiễm nguồn nước, không khí và môi trường ngày càng suy thoái.
Nông nghiệp đô thị không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bền vững sinh kế, tạo nguồn thu GDP từ đất nông nghiệp mà còn được xem là hướng đi tối ưu, mang tính khả thi để giải quyết những bất cập liên quan đến quá trình đô thị hóa như an ninh lương thực và môi trường, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái, cảnh quan bền vững tương lai.
Phát triển NNĐT sẽ từng bước thay đổi nhận thức của người dân từ nền sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác theo hướng sinh thái, bền vững, an toàn sinh học, giảm thiểu tác động của ô nhiễm, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. NNĐT sẽ đóng góp quan trọng vào chiến lược đô thị hóa xanh, thông minh và bền vững. Phát triển NNĐT sản xuất sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cộng đồng; đảm bảo không chỉ phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bao trùm mà còn bảo tồn được các giống, loài cây trồng vật nuôi.
Trên quan điểm của Hệ thống LTTP bền vững, Hà Nội còn nhiều khó khăn trong phân phối nông sản thực phẩm và tiêu dùng. Quá trình đô thị hóa tác động mạnh tới mật độ và khoảng cách của các điểm cung cấp thực phẩm. Các điểm bán thực phẩm tại đô thị đa dạng hơn nhiều so với nông thôn. Người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm qua các điểm bán thực phẩm như chợ truyền thống, điểm bán thực phẩm hiện đại, chợ và các điểm bán như siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích. Khu vực đô thị không phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, chế độ ăn của người dân có thêm thực phẩm được du nhập từ nước ngoài và giá cả thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.
Trong những thập kỷ gần đây, an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Năm 2013, Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nước có nhiều sai phạm về an toàn thực phẩm. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, 89% người tiêu dùng thế giới đang tiêu thụ thực phẩm không an toàn. Mức độ đô thị hóa nhanh tạo áp lực mạnh đến cung cấp thực phẩm truyền thống. Việc sử dụng quá mức đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như kháng sinh, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và kiểm soát lỏng lẻo hoặc nhập khẩu lậu; thiếu truy xuất nguồn gốclà những tác nhân gây mất an toàn thực phẩm. Đây là thách thức lớn trong thực hành sản xuất của các nhà sản xuất quy mô nhỏ.
Hà Nội có hệ thống thực phẩm đa dạng với nhiều lựa chọn khác nhau giữa các vùng miền, nhóm dân tộc, khí hậu và mùa vụ. Trong khi lúa gạo là thực phẩm chính, thì sở thích và sự lựa chọn ngày càng thay đổi; thịt lợn tăng nhanh trong những năm gần đây và tiêu thụ các loại rau xanh là vô cùng quan trọng trong chế độ ăn. Mặc dù sản phẩm sữa không được ưa chuộng trong chế độ ăn truyền thống, nhưng xu hướng tiêu dùng lại ngày càng mở rộng. Việc lựa chọn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng và thực phẩm có mùi vị ngon và hấp dẫn ngày càng gia tăng. Sở thích lựa chọn thực phẩm có sự thay đổi và khác nhau giữa các thế hệ. Trong đó, giới trẻ có xu hướng thích tiêu thụ thực phẩm hiện đại có nguồn gốc phương Tây, còn người lớn tuổi lại thích tiêu thụ thực phẩm truyền thống. Hành vi tiêu dùng hướng tới “ăn ngon miệng hơn” đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng bữa ăn trong ngắn và dài hạn.
Ăn uống bên ngoài hộ gia dình ngày càng trở nên phổ biến; người tiêu dùng lựa chọn ăn bên ngoài vì lý do thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho nấu nướng và chi phí rẻ hơn so với mua đồ ăn để nấu nướng tại nhà. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến 2030 và tầm nhìn 2045 xác định rõ định hướng nông nghiệp sinh thái. Với Hà Nội, Luật Thủ đô sửa đổi đã xác định rõ tầm nhìn đô thị sinh thái, bền vững và khẳng định rõ vai trò của NNĐT.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, gắn sản xuất Nông nghiệp với cung ứng và tiêu dùng Lương thực thực phẩm là điều kiện cần thiết. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030 (Quyết định 300 cuả Thủ tướng Chính phủ).
Chính phủ xác định chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của mọi tác nhân trong toàn hệ thống, được thực hiện đồng thời ở nhiều cấp từ Trung ương tới địa phương dưới sự giám sát, điều hành thống nhất và xuyên suốt của Chính phủ. Xây dựng đề án Phát triển Nông nghiệp đô thị theo hướng tích hợp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia là có cơ sở pháp lý và thực tiễn của Thủ đô.
3. Phát triển NNĐT ở Việt Nam, trên thế giới và việc vân dụng trên địa bàn Hà Nội
Có nhiều hình thức phát triển NNĐT, nó bao gồm cả canh tác trên mặt đất, trên mái nhà, thủy canh, canh tác trong nhà kính và các công nghệ khác. NNĐT có tiềm năng sản xuất lương thực, đặc biệt là những loại sản phẩm dễ hỏng và có giá trị cao. Ngoài ra, ngày càng có nhiều mối quan tâm đến canh tác quy mô thương mại các loại cây trồng phi lương thực như trồng hoa hoặc tận dụng không gian trồng cây ở các bức tường đô thị.
Ở nhiều nơi trên thế giới, NNĐT đã đóng vai trò then chốt đối với an ninh lương thực và được phát triển trong những thành phố thông minh. Đây là hiện tượng có quan hệ mật thiết đến kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ. So với những hoạt động nông nghiệp khác, NNĐT sử dụng nhiều vốn, cơ sở vật chất, công nghệ và lao động; được cho là nền nông nghiệp công nghiệp hóa, có thể tận dụng thị trường để phát triển mạng lưới thông tin và giao thông, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thương mại liên vùng.
Để NNĐT phát triển bền vững cần đi theo cách cận liên ngành, được gọi là Hệ thống lương thực thực phẩm đô thị. Đây là cách tiếp cận quan trọng để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Đô thị lớn có nhiều rủi ro về an ninh lương thực thực phẩm do thiếu kết nối cung cầu. Hệ thống lương thực-thực phẩm hoạt động hiệu quả là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế, phải trở thành khát vọng rõ ràng của các thành phố năng động; cần là nội dung chính trong các quy hoạch và chính sách đô thị, cần được các cấp lãnh đạo quan tâm.
Ở nhiều quốc gia, lương thực-thực phẩm là một trong những chính sách và quản trị đô thị. Trên toàn châu Á, chính sách lương thực từ lâu đã được coi là nhiệm vụ của các bộ về nông nghiệp. Trên thực tế, các bộ về nông nghiệp đã tập trung vào tăng cường sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn,và thực hiện mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Nhìn chung, khu vực đô thị không được đề cập trong quy hoạch nông nghiệp hay quy tài nguyên thiên nhiên; sự phát triển của các tổ chức an toàn thực phẩm toàn cầu cho thấy, hệ thống lương thực-thực phẩm hiện được nhiều cơ quan khác nhau giải quyết với rất ít sự phối hợp.
Kinh nghiệm rút ra là các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách đô thị phải giải quyết quá nhiều vấn đề trong các thành phố phát triển nhanh. Nhiều thành phố đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan đến sự phát triển không theo quy hoạch, bao gồm cả tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, tích tụ chất thải rắn, cơ sở hạ tầng vật chất kém phát triển; yếu kém về y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hà Nội có 11 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nhưng phần lớn đã bị biến đổi và phải điều chỉnh do tốc độ đô thị hoá quá nhanh đã phá vỡ không gian nông nghiệp. Đây là thách thức mà cư dân đã lên tiếng yêu cầu có giải pháp và sự phối hợp liên ngành.
Nông nghiệp đô thị trong quy hoạch Hà Nội - Ảnh: Tư Giang
Cùng với những thay đổi cấu trúc, hệ thống lương thực-thực phẩm ở nhiều nước đang tăng lợi ích tiềm tàng của việc hình thành hệ thống đô thị cũng như gia tăng chi phí không hành động. Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2023, chi phí không hành động trong chuyển đổi hệ thống LTTP còn tốn kém gấp 30 lần so với chi phí cho các hành động chuyển đổi, trên toàn cầu được ước tính khoảng 400 Tỷ USD.
Đại dịch COVID–19 đã bộc lộ sự mong manh của hệ thống lương thực-thực phẩm đô thị. Ở Việt Nam, kinh nghiệm rút ra từ thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, khi áp dụng lệnh đóng cửa‘lockdown’ nhiều người dân thành thị khó tiếp cận và giảm khả năng chi trả đối với các loại thực phẩm thiết yếu và giàu dinh dưỡng. Nhiều thành phố đã bị gián đoạn nguồn cung từ nông thôn đến thành thị. Đóng cửa chợ, trường học, căng tin cơ quan và các địa điểm liên quan đến nguồn cung thực phẩm,đã làm trầm trọng thêm lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm ở đô thị.
Những yếu tố trên đây chỉ ra những thách thức mà hệ thống lương thực-thực phẩm đô thị phải đối mặt. Nền kinh tế thực phẩm đô thị mới nổi là cơ hội kinh doanh to lớn. Theo nghiên cứu của Viện Brookings, gần 90% số người mới gia nhập tầng lớp trung lưu ở châu Á với phần lớn là cư dân của các thành phố mới nổi.
Mô hình chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng liên quan đến tỷ lệ cao các mặt hàng phi thực phẩm, song chi tiêu cho thực phẩm vẫn gia tăng và chuyển từ thực phẩm giá rẻ sang thực phẩm có nguồn gốc động vật hoặc thực phẩm chế biến, trái cây,rau quả và ăn uống bên ngoài. Những chuyển dịch trong mô hình tiêu dùng đã diễn ra liên tục trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong tương lai, nông dân, công ty thực phẩm và nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ sẽ có cơ hội to lớn khi đáp ứng và tạo được nhu cầu, sở thích và kỳ vọng mới của người tiêu dùng thành thị từ sự đa dạng, tính thuận tiện, phù hợp và an toàn thực phẩm..
Ngân hàng thế giới (2023) đã có một số kiến nghị về những can thiệp cần thiết để cải thiện tính bền vững Hệ thống LTTP và NNĐT.Theo đó, cần: tập trung vào
Xây dựng nền tảng quản trị hệ thống thực phẩm cấp thành phố; tăng cường can thiệp hạ nguồn liên quan trực tiếp nhất đến người tiêu dùng ở đô thị và những can thiệp liên quan đến NNĐT; Bảo vệ sức khỏe dựa trên chế độ ăn bằng cách bảo vệ nguồn cung các loại trái cây và rau củ quả tươi quan trọng về dinh dưỡng và thực phẩm được chế biến tối thiểu; Quản lý sự gián đoạn đối với sinh kế và nguồn cung thực phẩm thông qua phát triển mạng lưới an toàn; Quản lý và hỗ trợ hiệu quả môi trường hoặc khía cạnh khác của hoạt động canh tác thông qua khuyến nông và hoạt động tương tự trong khu vực đô thị; Tận dụng canh tác không tốn kém để duy trì không gian thông thoáng, tốt cho quản lý nước mưa, tích tụ chất thải và duy trì các công viên trong khu vực đô thị. Sau cùng là bảo tồn trang trại nông nghiệp sinh thái cho mục đích giáo dục-giải trí với quy mô nhỏ .
Về lâu dài, các thành phố phát triển sẽ là những thành phố có hệ thống lương thực -thực phẩm RICH nghĩa là Đáng tin cậy (Reliable–R); Bao trùm (Inclusive–I); Cạnh tranh (Competitive–C) và Lành mạnh (Healthy–H) .
Về các hành động can thiệp cần thiết để cải thiện tính bền vững của Hệ thống LTTP và Nông nghiệp đô thị Hà Nội, các nhà phân tích cho rằng cần tập trung vào Xây dựng nền tảng quản trị hệ thống thực phẩm cấp thành phố; Tổ chức can thiệp từ hạ nguồn liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng và NNĐT; Bảo vệ sức khỏe dựa trên chế độ ăn uống thích hợp bằng cách bảo vệ nguồn cung trái cây và rau quả quan trọng về dinh dưỡng và thực phẩm chế biến tối thiểu thông qua bảo vệ đất trồng; Quản lý sự gián đoạn đối với sinh kế và nguồn cung thực phẩm thông qua phát triển mạng lưới an toàn; Quản lý và hỗ trợ hiệu quảvề môi trường hoặc khía cạnh khác trong hoạt động canh tác thông qua khuyến nông và hoạt động tương tự; Tận dụng canh tác không tốn kém để duy trì không gian thông thoáng, tốt cho quản lý nước mưa, tích tụ chất thải và duy trì các công viên trong lòng đô thị. Sau cùng là bảo tồn trang trại nông nghiệp sinh thái dùng cho mục đích giáo dục - giải trí với quy mô nhỏ
Bài học kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam qua các thời kỳ không phải mô hình duy nhất để áp dụng, nhưng nó lại là cơ sở tham khảo có ích trong xây dựng đề án Nông nghiệp đô thị hướng tới chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, có trách nhiệm và bền vững của Thành phố./.