Nông nghiệp đô thị và những vấn đề đặt ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (Kỳ 5)

II. Kết quả phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2023

2.1. Hiện trạng và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội

- Hiện trạng cơ sở hạ tầng sản xuất Nông nghiệp đô thị

Hà Nội có 7 con sông chảy qua (sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy) và 3 sông nội thành (sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà) nên có hệ thống đê lớn với chiều dài 626.513 km. Diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội được cung cấp nước từ 110 hồ chứa nước thủy lợi và 2.129 trạm bơm, 2.049 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 19.233 km. Hiện nay có 5 công ty đầu tư phát triển thủy lợi phục vụ tưới, tiêu gồm các công ty: Sông Nhuệ, Sông Đáy, Hà Nội, Mê Linh, Sông Tích.

- Hiện trạng hệ thống phân phối nông sản thực phẩm đô thị

Hà Nội có 453 chợ và 160 siêu thị đã phân hạng, và nằm xen kẹp trong các khu dân cư là hàng ngàn điểm chợ. Lương thực, thực phẩm chiếm 22,1% tổng doanh thu bán lẻ các loại hàng hóa. Các chợ đầu mối nông sản của Hà Nội bao gồm: Chợ Long Biên, Chợ đầu mối Minh Khai, Chợ đầu mối Yên Sở, Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), Chợ hoa Quảng Bá. Các siêu thị cung cấp nông sản gồm: Aeon Long Biên, Aeon Hà Đông, BigC Thăng Long, MM Mega Market. Các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm gồm: Bác Tôm, Big Green, Sói Biển, Clever Food. Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố để xây dựng, và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 159 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, các chợ đầu mối thực phẩm của Hà Nội nhìn chung chưa đạt yêu cầu của các trung tâm phân phối hiện đại, thiếu các phương tiện để đảm bảo công tác quản lý An toàn thực phẩm (Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 13/1/2022 của UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”.)

- Hiện trạng các dịch vụ phục vụ nông nghiệp

Trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội có 195 công ty và 1.453 cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, 40 cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Báo cáo Tổng kết của Sở NN&PTNT 2023). Các chợ cung cấp dịch vụ nông nghiệp (cây giống, cây cảnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá thể) như Chợ Hoàng Hoa Thám, chợ hoa cây cảnh Vạn Phúc - Hà Đông; các nhà vườn cung cấp cây giống như khu vực xung quanh Học viện nông nghiệp Việt Nam (quận Gia Lâm), An Khánh (huyện Hoài Đức). 

2.2. Hiện trạng của Nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội theo tiểu ngành

- Nhìn tổng quan thì năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 (theo giá so sánh) đạt 41.681 tỷ đồng, tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 16.318 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; Giá trị sản xuất chăn nuôi 20.810 tỷ đồng, tăng 4,3%; Giá trị sản xuất dịch vụ nông nghiệp 895 tỷ đồng, tăng 2,21% so với cùng kỳ; Giá trị sản xuất thủy sản: 3.566 tỷ đồng, tăng 3,31% so với cùng kỳ; Giá trị sản xuất lâm nghiệp 92 tỷ đồng, giảm 2,71% (Niên giám thống kê 2023 TP Hà Nội, 2024).

- Tình hình phát triển ngành Trồng trọt, tập trung vào công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng; công tác quản lý sau chuyển đổi và một số giải pháp để phát triển trồng trọt theo tự duy kinh tế ngành

Theo Báo cáo số 204/BC-UBND, về kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2017-2020, Hà Nội đã chuyển đổi được 7.762 ha đất lúa sang đất trồng cây hàng năm (2.331 ha), cây lâu năm (2.963 ha), nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa (2.466 ha). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây ăn quả lâu năm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5-6 lần so với trồng lúa cho các hộ sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giá trị trên cùng diện tích canh tác; giảm diện tích đất bỏ hoang không sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững. Trên địa bàn Thành phố có gần 700 trang trại cho thu nhập từ 1 đến 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như trồng hoa chất lượng cao ở huyện Chương Mỹ, trồng nhãn chín muộn ở huyện Hoài Đức, trồng hoa ly ở các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng. Những mô hình chuyển đổi này cho hiệu quả kinh tế từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Theo Quyết định 470/QĐ-BNN-TT ngày 7/02/2023 của Bộ NN&PTNT, trong năm 2023 Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển đổi 3.838 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác (605 ha cây hàng năm, 1.119 ha cây lâu năm, và 994 ha trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản). 

- Tình hình phát triển ngành Chăn nuôi:

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội năm 2023, Hà Nội có số lượng đàn trâu 29 nghìn con, tăng 1,21% so cùng kỳ; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 2,09 nghìn tấn, tăng 3,93% so với năm 2022. Đàn bò hiện có 129,5 nghìn con, giảm nhẹ 0,1% so cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 10,6 nghìn tấn, tăng 0,2%; sản lượng sữa bò 44,1 nghìn tấn, tăng 4,01% so với năm 2022. Đàn gia cầm 41,6 triệu con, tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước (năm 2022) (Niên giám thống kê 2023 Hà Nội, 2024). Về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Hà Nội có 1.058 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trong đó 25 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1.033 cơ sở kinh doanh thức ăn hỗn hợp và thức ăn đậm đặc. Số cơ sở buôn bán thuốc thú y trên địa bàn là 646 cơ sở; 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ; có 129 kho bảo quản sản phẩm động vật làm thực phẩm; 390 cơ sở số cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật; 112 cơ sở khám chữa bệnh động vật.

Hà Nội hiện nay có 1.752 trang trại chăn nuôi, trong đó tập trung tại các huyện: Chương Mỹ (583 trang trại), Quốc Oai (334 trang trại), Ba Vì (178 trang trại), Phúc Thọ (132 trang trại) (NGTK HN, 2022). Mặc dù đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, song tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn cao (chiếm 60%). Còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát. Người chăn nuôi bước đầu mới chỉ chú trọng tăng năng suất. Trong sản xuất, các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng tiềm năng lợi thế của một Thủ đô (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

Định hướng trong thời gian tới, ngành chăn nuôi của Hà Nội vẫn tập trung phát triển theo hướng công nghiệp với quy mô lớn, đạt chuẩn an toàn. Trong đó, phát triển chăn nuôi bò và lợn để tăng giá trị gia tăng trong nông nghiệp; giữ ổn định trong chăn nuôi trâu và gia cầm. Cụ thể, phát triển đàn trâu 27-28 nghìn con, đàn bò khoảng 135 nghìn con; phát triển đàn lợn khoảng 1,6-1,8 triệu con; giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con

- Tình hình phát triển ngành Thuỷ sản,

Các huyện có diện tích nuôi trồng lớn là Ứng Hòa (6.061 ha), Chương Mỹ (3.263 ha), Phú Xuyên (2.809 ha), Ba Vì (2.607 ha), Mỹ Đức (2.378 ha) (Niên giám Thống kê 2023 Hà Nội, 2024). Nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân Hà Nội là khoảng 19.250 tấn/tháng trong khi sản xuất tại chỗ chỉ đạt khoảng 10.283 tấn/tháng nên phần còn lại phải nhập từ các tỉnh khác. Theo Kế hoạch 63/KH-UBND ngày 25/2/2022 của UBND thành phố Hà Nội, thủy sản sẽ là ngành kinh tế quan trọng, phát triển theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chợ đầu mối được quy hoạch tại các huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn như: Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023). 

- Tình hình phát triển ngành Lâm nghiệp và vành đai xanh

+ Ngành lâm nghiệp

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 27,1 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, được phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây), trong đó huyện Ba Vì có gần 9.700 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 36% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn thành phố. Xu hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Nội ngày càng cao đang tạo sức ép lên rừng và đất lâm nghiệp. Mặt khác, thu nhập trên mỗi héc ta đất lâm nghiệp chỉ đạt 10-15 triệu đồng/năm, thấp hơn rất nhiều so với các hoạt động kinh tế khác (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

Hà Nội có vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì) với trên 1.000 loài thực vật, trong số đó có khoảng 200 loài cây dược liệu, nhiều loài quý như bách xanh, thông, dẻ, lát hoa, rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) có 185 họ, 577 chi, 873 loài, trong đó có 25 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Cả 2 rừng này đã được đưa vào đề án  bảo tồn động vật, thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm theo Quyết định 5446/QĐ-UBND ngày 4/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội

+ Vành đai xanh:

Theo quy hoạch chung của Thủ đô năm 2011, không gian xanh của Hà Nội bao gồm hành lang xanh và vành dai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị. Vành đai xanh sông Nhuệ được xác định là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với các khu đô thị phía Nam sông Hồng. Trong khu vực nội đô có các công viên Hồ Tây, Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì, các công viên sinh thái tại khu vực Sóc Sơn, Ba Vì. Liên kết với không gian xanh là chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm gắn với 5 đô thị vệ tinh: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên (Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Năm 2023, Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, canh quan trung tâm với mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), đô tị thông minh hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài (Quyết định 700/QĐ-CP ngày 16/6/2023 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065). Tuy nhiên, không gian xanh của Hà Nội hiện nay không phải là khu vực xanh thuần túy mà là khu vực có diện tích xây dựng lớn, diện tích đất nông nghiệp thấp, nhiều dự án phát triển đô thị, công nghiệp, và có mật độ dân cư đông (theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng).

- Tình hình phát triển ngành SVC

Theo kết quả thống kê của Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương - Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2018 - 2023, giá trị sản xuất, diện tích chuyên canh hoa, cây cảnh của Hà Nội liên tục có mức tăng trưởng cao.

anh-chup-man-hinh-2024-06-19-luc-083840-1718761188.png

Đến hết năm 2023, toàn Thành phố có trên 8.100 ha chuyên canh Hoa, Cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Hoạt động SVC góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng vạn lao động. SVC không chỉ góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, kiến tạo cảnh quan sinh thái, thu hút du lịch. Ở nhiều địa phương, SVC đã thực sự trở thành nhân tố quán trọng trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.

Đến nay, Thành phố đã có quyết định công nhận 14 làng nghề về hoa, cây cảnh gồm: Làng nghề SVC thôn Cơ Giáo; Làng nghề SVC thôn Xâm Xuyên; Làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Nội Thôn; Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân; Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu; Làng nghề hoa Đại Bái; Làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; Làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì; Làng nghề Quất cảnh Tứ Liên; Làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá; Làng nghề cây cảnh hoa giấy thôn Phù Đổng; Làng nghề Trồng hoa Mai trắng Thôn An Hòa; Làng nghề hoa, cây cảnh Tích Giang; Làng nghề trồng Đào, cây cảnh thôn Đông Thái và có 36 sản phẩm hoa cây cảnh được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Hội SVC thành phố Hà Nội được thành lập năm 1991, đến nay, đã tập hợp được trên 11.000 hội viên hoạt động ở 50 Chi hội, hội thành viên trên khắp địa bàn 30 quận/huyện của Thành phố. Hàng năm, hội viên, người lao động động trong lĩnh vực SVC đóng góp vào giá trị chung của ngành nông nghiệp của Thành phố hàng ngàn tỷ đồng.

Theo thống kê của Hội SVC thành phố Hà Nội, lĩnh vực hoa cây cảnh trên địa bàn Thành phố góp phần giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 80.000 người. SVC góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di dích lịch sử, kiến tạo không gian sống trong lành; thu hút du lịch quảng bá hình ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người. Trong những năm qua, hoạt động SVC luôn hiện diện trong tất cả hoạt động, sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của Thủ đô, tiêu biểu là Triển lãm SVC Việt Nam chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010 và ở nhiều địa phương SVC đã trở thành động lực trong xây dựng Nông thôn mới.

Phong trào trồng, phát triển, thưởng ngoạn và thu lợi từ các vườn SVC ở nhiều quận, huyện của Thủ đô đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng, từ các vườn cây nhỏ lẻ đến các trang trại sinh thái SVC qui mô lớn. Nhiều vườn SVC đã được tổ chức liên kết dưới hình thức hội nghề nghiệp, công ty, hợp tác xã, nhóm... để sản xuất, trưng bày và thực hiện kết hợp nhiều dịch vụ du lịch, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tại các huyện Thường Tín, Gia Lâm, Phú Xuyên có hàng trăm vườn SVC với nhiều chủng loại cây, dáng, thế khác nhau; trị giá 2 - 5 tỷ đồng/vườn. Thị xã Sơn Tây có tới trên 39 vườn cảnh có giá trị từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng mỗi vườn và hàng trăm vườn trị giá từ 100 triệu đến 50 triệu đồng.

Tại các quận, huyện ngoại thị đô thị hoá như Bắc Từ Liêm, Long Biên, quận Hà Đông, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các khu ruộng cho giá trị kinh tế thấp sang trồng, kinh doanh các loại hoa, cây cảnh như lan, sanh, si, đa, đề, gỗ lũa... đạt doanh thu mỗi hộ hàng trăm triệu đồng/năm. Ở các quận nội thành cũng hình thành nhiều mô hình SVC nhỏ song lại có giá trị nghệ thuật lớn, góp phần bảo tồn nhiều giống cây quý và đảm bảo môi trường sinh thái trong lành cho khu vực nội đô.

2.3. Hiện trạng sản xuất nông nghiệp đô thị theo phân vùng chịu tác động của đô thị hoá 

- Bản đồ atlas nông nghiệp đô thị Hà Nội theo các vùng chịu tác động của đô thị hoá

Phạm vi không gian nông nghiệp đô thị

Đề án nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy hoạch của thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt đối với chùm đô thị bao gồm các loại đô thị: Đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô, các đô thị sinh thái, các thị trấn chiếm gần 40% diện tích tự nhiên của toàn Thành phố. Đề án cũng áp dụng ở các huyện dự kiến phát triển thành quận và khu vực nông thôn trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn.

Các địa phương cụ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm các vùng theo vị trí trong không gian đô thị và mức độ tác động của đô thị hóa sẽ chịu điều tiết của Đề án nông nghiệp đô thị bao gồm:

- Vùng Nội đô: Khu vực đô thị hóa ổn định bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân.

- Vùng Ngoại thị - đô thị hoá: Khu vực đô thị hóa nhanh và khu vực nông thôn ven đô sẽ trở thành đô thị trong tương lai gần bao gồm các quận Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Oai, Thị xã Sơn Tây.    

- Vùng nông thôn ven đô: Khu vực nông thôn ổn định ở ngoại thành bao gồm các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Quốc Oai.

Hiện trạng sản xuất nông nghiệp đô thị theo phân vùng chịu tác động của đô thị hóa

Bản đồ Atlat nông nghiệp Hà Nội theo các vùng chịu tác động của đô thị hóa được xây dựng dựa trên bản đồ ranh giới hành chính của các quận huyện. Công cụ và số liệu để xây dựng bản đồ Atlat bao gồm các công cụ và số liệu sau đây:

- Công cụ là phần mềm GIS MapInfo, ArcGis, Excel:

- Số liệu xây dựng bản đồ số: là bản đồ số hóa ranh giới hành chính các quận huyện.

- Số liệu thống kê của Hà Nội năm 2022.

Theo phân vùng của đô thị hóa nông nghiệp có 3 vùng là vùng Nội đô, vùng Ngoại Thị đô thị hoá, vùng Nông thôn Ven đô. Trong quá trình thu thập số liệu, số liệu thống kê của Hà Nội không có diện tích sản xuất nông nghiệp của các quận vì vậy chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ Atlat nông nghiệp đô thị cho 2 vùng là Vùng Ngoại thị đô thị hoá và vùng nông thôn ven đô.

Các vùng Hà Nội

anh-chup-man-hinh-2024-06-19-luc-083851-1718761194.png
Hình 1: Bản đồ vùng Nông nghiệp đô thị Hà Nội 2022

 

Hình 1 là Bản đồ thể hiện 3 vùng Nông nghiệp đô thị của Hà Nội. Bản đồ cho thấy Vùng Nội đô gồm 6 quận. Các quận, thị xã này nằm cạnh các sông lớn như Sông Hồng, sông Đáy, sông Tích Giang. Vùng này đã đô thị hóa hoàn toàn và có một số diện tích cây xanh trong đô thị và vườn cây gia đình, và vườn cảnh quan. Vùng này không có số liệu sản xuất nông nghiệp cho từng quận và thị xã.

 

Vùng ngoại thị đô thị hoá:

- Khu vực đô thị hóa nhanh sẽ trở thành đô thị trong tương lai gần bao gồm các quận Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh, Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Oai, Thị xã Sơn Tây.

- Vùng Ngoại thị bao gồm các quận mới thành lập và huyện. Trong số liệu thống kê sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không có số liệu riêng của từng huyện và chỉ có số liệu tổng cộng của các quận. Như vậy trên Bản đồ atlat nông nghiệp đô thị các quận Long Biên, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm không có biểu đồ.

- Sông Hồng chia vùng này thành hai vùng phía Bắc và phía Nam:

+ Phía Bắc gồm có quận Long Biên, Tây Hồ, huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh, huyện Mê Linh, huyện Đan phượng.

+ Phía Nam gồm các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Các huyện: Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín, huyện Thanh Oai.

anh-chup-man-hinh-2024-06-19-luc-083859-1718761199.png
Hình 2: Bản đồ Atlat nông nghiệp đô thị vùng Ngoại thị Hà Nội năm 2018 – 2022

Do đặc điểm địa lý các quận Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ nằm sát sông Hồng nên diện tích đất bãi ngoài đê vẫn có diện tích đất quy hoạch là đất nông nghiệp. Các quận mới như quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm theo quy hoạch của Hà Nội đến năm 2020 vẫn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại một số phường như Cát Thượng, Liên Mạc, Tây Tựu, Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), Xuân Phương, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Xuân Đình (quận Tây Hồ).

Theo số liệu thống kê Hà Nội năm 2022

- Diện tích trồng lúa cả năm phân theo đơn vị hành chính cấp huyện năm 2022 so với năm 2018 tất cả các huyện ngoại thị đều giảm và giảm nhiều nhất có các huyện sau: Gia Lâm giảm 37.5%, Hoài Đức giảm 30.3%.

- Diện tích trồng rau năm 2018 so với năm 2022 của các huyện Ngoại thị giảm không đáng kể, giảm nhiều nhất là huyện Thường tín giảm 9.3%.

- Diện tích trồng cây ăn quả năm 2018 so với năm 2022 của các huyện phần lớn tăng, duy nhất huyện Thường tín giảm tỷ lệ là 4.3%. Các huyện tăng diện tích cao là huyện Gia Lâm tăng 33.7% huyện Hoài Đức tăng 33.5%.

Hình 2 “Bản đồ Atlat nông nghiệp đô thị vùng Ngoại thị Hà Nội năm 2018 – 2022” có các biểu đồ đã mô tả rõ xu hướng và số liệu tăng giảm diện tích của các huyện trong vùng.

Vùng nông thôn ven đô:

-  Khu vực nông thôn ổn định ở ngoại thành bao gồm các huyện: Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Quốc Oai.

Theo số liệu thống kê Hà Nội năm 2022:

-  So sánh diện tích sản xuất lúa năm 2018 và 2022 cho thấy tất cả các huyện của vùng Nội đô giảm, nhiều nhất là Phúc Thọ giảm 28.6%, Quốc Oai giảm 19.6%.

-  So sánh diện tích diện tích trồng rau năm 2018 và 2022 cho thấy phần lớn tăng, một số huyện giảm nhưng không đáng kể < 5%. Một số huyện diện tích rau tăng mạnh như Thạch Thất tăng 47%, Phú xuyên Tăng 38.8%, Ba Vì và Quốc Oai tăng trên 35%.

-  So sánh diện tích trồng cây ăn quả năm 2018 và 2022 cho thấy có biến động tăng và giảm

+ Một số huyện giảm như Ba Vì giảm 13.8%.

+ Các huyện tăng nhiều như: Phúc Thọ 39.8%, Sóc Sơn 22.5%, Quốc Oai 18.3%, Ba Vì 13.8%.

Hình 3 “Bản đồ Atlat nông nghiệp đô thị vùng Ven đô Hà Nội năm 2018 – 2022” có các biểu đồ đã mô tả rõ xu hướng và số liệu tăng giảm diện tích của các huyện trong vùng.

anh-chup-man-hinh-2024-06-19-luc-083908-1718761206.png

Hình 3: Bản đồ Atlat nông nghiệp đô thị vùng Ven đô Hà Nội 2018 – 2022

- Tình hình phát triển nông nghiệp tại vùng nông thôn ven đô tại vùng nông thôn gắn với nông thôn mới, nông nghiệp kết hợp du lịch, các vùng nông nghiệp tập trung, bảo vệ môi trường.

Khu vực nông thôn vùng ven đô theo như phân vùng như trên bao gồm các các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Quốc Oai. Đây là vùng chính trong sản xuất và cung cấp thực phẩm cho Thành phố. Theo các báo cáo và thông tin số liệu khảo sát thực tiễn, tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn của thành phố, các báo cáo của của Huyện thuộc vùng này có đặc điểm chính sau:

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng các loại hình mang lại giá trị cao thông qua xây dựng chuỗi khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện địa phương

Tính đến năm 2023, toàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội được triển khai phần lớn ở các vùng ven đô. Điển hình là quá trình chuyển dịch từ trồng trọt sang chăn nuôi các sản phẩm có giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm như gia cầm, lợn, bò và thủy sản. Nhiều nhãn hiệu tập thể đã được xây dựng như gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; gà Mía Sơn Tây; vịt Vân Ðình - Ứng Hòa; trứng vịt Liên Châu - Thanh Oai,... Huyện Quốc Oai với xu hướng sản xuất “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”; “Gà đồi Đông Yên”. Huyện Phú Xuyên tích cực dồn điển đổi thửa và phát triển nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản như mô hình nuôi đà điểu, nuôi Chồn hương, cua, chạch đồng…

Phát triển mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm như mô hình chuỗi thịt lợn AZ của hợp tác xã (HTX) Hoàng Long, chuỗi trứng gà 729 Ba Vì. Sử dụng công nghệ làm hầm Biogas bằng nhựa Composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt và là nguồn nguyên liệu để nuôi giun quế; Đưa chế phẩm vi sinh EM vào lĩnh vực xử lý môi trường và đệm lót sinh học trong chăn nuôi góp phần giảm 80-90% mùi hôi thối của chuồng nuôi. Xu hướng chuyển dịch trong nội ngành cũng theo hướng nâng cao chất lượng (bao gồm cả an toàn thực phẩm) như trong sản xuất lúa đi theo chất lượng cao lúa VietGap ở Ba Vì (40 ha) sử dụng giống ngắn ngày, chống chịu với sâu bệnh, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, ứng dụng công nghệ máy bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh,... Công nghệ cao cũng được áp dụng trong sản xuất rau và cây ăn quả như sử dụng giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới tự động, bán tự động,...

Với tiềm năng, mặt nước nuôi trồng thủy sản của thành phố là khoảng 30.800 ha (hiện có 24.000 ha đã được khai thác), Hà Nội cũng tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung tại các huyện ven đô như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai, Sóc Sơn. Trong nuôi trồng thủy sản, công nghệ cao theo hướng phát triển bền vững, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sinh thái được áp dụng phổ biến ở các huyện Ba Vì, huyện Ứng Hòa với xu hướng ngày càng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ sinh học để hạn chế thay nước, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường và một số mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao nước tĩnh” tại các huyện: Thanh Trì, Ứng Hòa, Quốc Oai... Một số huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao như huyện Phú Xuyên (xã Tri Trung, diện tích quy hoạch 122,7 ha, giai đoạn 2021-2030) với mô hình chuyển đổi lúa cá vụ mùa 2022 là 838,1 ha. Riêng huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000ha. Các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ba Vì đang có xu hướng phát triển tôm càng xanh.

Môi trường sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cần tiếp tục cải thiện

Theo báo cáo, nuôi trồng thủy sản, hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung của Hà Nội chưa được đầu tư đúng mức, nguồn nước còn bị ô nhiễm, ảnh hưởng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn là bài toán cần có lời giải, nhất là chăn nuôi lợn, chăn nuôi quy mô lớn gần khu dân cư và ở nông hộ. Nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa[1] được kiểm soát, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao...

Phát triển trang trại quy mô lớn gắn với liên kết chuỗi

Hà Nội phát triển ngành chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm. Hiện nay Hà Nội có 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt. Về chăn nuôi lợn, Thành phố đã quy hoạch 4 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm tại các huyện, thị xã: Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây, trong đó có 12 xã chăn nuôi lợn trọng điểm. Về chăn nuôi gia cầm và thủy cầm, đã hình thành và phát triển 6 vùng chăn nuôi gà tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Quốc Oai, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây, 2 vùng chăn nuôi vịt quy mô lớn tại Ứng Hoà, Phú Xuyên. Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 722 trang trại chăn nuôi lợn ngoài khu dân cư, diện tích bình quân 1,1ha/hộ; 2.147 trại chăn nuôi gia cầm, diện tích bình quân 8.800 m2/trại; 9 HTX hoạt động sản xuất chăn nuôi, trong đó một số HTX chăn nuôi hoạt động hiệu quả như: HTX Dịch vụ và Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây) có 197 hộ với tổng đàn lợn 140 nghìn con, HTX Chăn nuôi Hoà Mỹ (Ứng Hoà) với tổng đàn lợn 35.225 con/33 hộ, HTX Chăn nuôi Mỹ Hà (Mỹ Đức) có có 24 hộ nuôi 9.125 con lợn... cho giá trị thu nhập cao (Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội của UBND thành phố Hà Nội, số 272/KH-UBND, ngày 24 tháng 10 năm 2022)..

Đến nay toàn Thành phố có khoảng trên 20 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thu hút gần 3.000 hộ và trên 1.000 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia; hàng ngày các chuỗi đã cung cấp cho thị trường khoảng 26 tấn thịt lợn, 02 tấn thịt bò, 13,5 tấn thịt gia cầm, 120 ngàn quả trứng gia cầm, khoảng 100 tấn sữa tươi. Điển hình là các chuỗi giá trị của một số công ty, doanh nghiệp lớn (như Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Đabaco, Cong ty Japfa …). Thành phố đã xây dựng nhiều nhãn hiệu tập thể như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa), trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai); trên 30 nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm chăn nuôi (trứng gà Tiên Viên, Sữa Trang Viên, thực phẩm AZ,...) (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

Phát triển theo hướng chế biến sâu sản phẩm nông lâm thủy sản

Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Hà Nội đã xác định ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu hiện nay phần lớn các cơ sở chế biến (khoảng 80%) là cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù quy mô vừa và nhỏ nhưng năng lực sản xuất của Hà Nội cũng chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu chế biến ngành nông lâm thủy sản. Các doanh nghiệp và HTX ở một số Huyện ven đô cũng đã chú trọng đến đầu tư cho chế biến như huyện Thanh Oai có khoảng 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được trang bị máy móc cho chế biến hiện đại, doanh thu đạt từ 5 đến 10 tỷ đồng/năm.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái

Bên cạnh xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng và hiệu quả, các huyện khu vực ven đô còn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đa giá trị, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đến nay, Hà Nội có 2.711 sản phẩm OCOP trong đó có 06 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP, trong đó 02 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Ngoài ra, Thành phố công nhận 5 điểm du lịch cấp Thành phố ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

  Ví dụ như huyện Phúc Thọ đã phê duyệt Đề án “Phát triển hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Tổng diện tích theo quy hoạch là khoảng 140 ha. Đề án đang được huyện tích cực triển khai. Huyện Chương Mỹ tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm tại các xã, thị trấn: Xuân Mai, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Trần Phú. Huyện Mỹ Đức vốn có ưu đãi về danh lam thắng cảnh, di tích lễ hội cũng đã định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để mang lại giá trị bền vững cho người dân thông qua các hình thức trồng sen, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan (đầm sen xã An Phú), phát triển lụa từ tơ sen.

- Tình hình phát triển nông nghiệp vùng đang và sẽ đô thị hoá trong tương lai gần: nông nghiệp kết hợp du lịch, SVC

SVC hiểu theo nghĩa chung nhất là các loại động vật, thực vật được nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh phục vụ để làm cảnh, tranh trí, thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm của con người. Còn xét về nội hàm của Sinh - Vật - Cảnh gồm 3 yếu tố: SINH: là trồng cây, uốn cây, tạo thế, là phát triển các loài hoa đẹp, là nuôi chim hay, thú đẹp...VẬT: là những vật phẩm được sản sinh từ bày tay khéo léo tuyệt với, mang lại những tiện nghi và đặc biệt những cái đẹp phong phú và độc đáo cho cuộc sống con người. CẢNH: là cảnh quan thiên nhiên đẹp và lành, con người tìm đến để thưởng thức, hưởng thụ. Cảnh cũng là cảnh quan thiên nhiên thu nhỏ, do con người tạo ra để được gắn mình trong thiên nhiên. Cảnh có khi được tạo ra ở quy mô nhỏ như trong phòng, ngoài sân, lớn lớn hơn là những vườn hoa, những công viên, những công trình công cộng gắn với những công trình kiến trúc đồ sộ và nguy nga. Sống hài hòa với thiên nhiên là một lối sống làm cho con người được nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, có tâm hồn thanh cao và tinh tế, có lòng nhân ái, lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc, thương mọi thứ và thương người, như vậy làm cho con người sống hạnh phúc và bản thân con người cũng phát triển tốt đẹp hơn.

Thú chơi SVC Hà Nội được kế thừa và vận động phát triển qua các giai đoạn: Từ truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc, đến phong trào trồng cây do Bác Hồ phát động những năm 60 của thế kỷ XX; Giai đoạn đổi mới hội nhập hiện nay. Đặc biệt, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), bộ mặt nông thôn Hà Nội đã đổi thay rõ rệt, nhiều địa phương trở thành miền quê đáng sống, điểm du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn hấp dẫn. Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, Hà Nội có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; trong đó, hoa, cây cảnh là một sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của Thành phố.

Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dễ áp dụng công nghệ mới và cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác. Theo Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN& PTNT), nhu cầu về hoa, cây cảnh trên thị trường ngày càng tăng cao (tăng bình quân khoảng 15%/năm). Hà Nội có thị trường tiêu thụ rộng lớn, lại là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước nên có lợi thế để phát triển hoa, cây cảnh một cách bài bản.

Theo Quyết định số 1120/QĐ - UBND ngày 13/03/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành “Đề án phát triển sản xuất hoa cây cảnh thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016”. Đây là đề án tạo ra những tiền đề để Hà Nội triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển hoa, cây cảnh để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Hà Nội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.

Để phát triển kinh tế nông thôn, bên cạnh phát triển các loại cây trồng vật nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 17/1/2019 về danh mục sản phẩm nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên, hỗ trợ, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hoa, cây cảnh cũng đang là sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông nghiệp thông minh trên địa bàn Thủ đô.

Theo kết quả báo cáo, tổng hợp khảo sát, điều tra, Hà Nội trồng hoa, cây cảnh được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Hà Nội có trên 50 vùng chuyên canh sản xuất, kinh doanh hoa cây cảnh, trong đó có 11 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh đã được Thành phố công nhận, điển hình như: Tại huyện Thường Tín có các làng nghề SVC ở thôn Cơ Giáo và thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân); thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo); tại huyện Mê Linh có làng nghề hoa, cây cảnh thôn Hạ Lôi và thôn Liễu Trì (xã Mê Linh), thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh); tại huyện Gia Lâm có làng nghề hoa giấy Phù Đổng (xã Phù Đổng); tại quận Bắc Từ Liêm có làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu),..    

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ SVC tại các không gian xen kẹt giữa các dự án, giữa không gian kết nối các khu dân cư trồng cây xanh thành dải công viên, hoa, cây cảnh và các giải pháp cải thiện không gian bằng vườn cây trên mái các tòa nhà đã được quan tâm phát triển. Tuy nhiên, đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể. Theo thống kê của Hội SVC của Hội SVC Hà Nội thì toàn Thành phố của 11.000 mô hình nuôi trồng hoa cây cảnh phân tán tại gia đình có quy mô từ 100 m2 trở lên; hơn 1500 gia trại, trang trại, HTX, Doanh nghiệp SVC có quy mô trên 1000m2. Trong đó, mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp của Công ty Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) tại huyện Đan Phượng có diện tích nhà kính ban đầu lên thành 3ha.

Theo báo cáo Hội SVC Hà Nội thì nhu cầu tiêu dùng hoa tươi của người dân Hà Nội bình quân vào khoảng 2 USD/năm (46 ngàn đồng). Với Thành phố 8,5 triệu dân thì tổng số chi tiêu dùng hoa tươi vào khoảng 17 triệu USD, tương đương 412 tỷ đồng. Hà Nội mới tự sản xuất được khoảng 60%, còn lại 40% phải nhập của các tỉnh thành bạn và nước ngoài. Vào mỗi dịp tết âm lịch, Hà Nội phải nhập khẩu lên tới 100 tỷ đồng tiền hoa cây cảnh các loại (Báo cáo của Hội SVC Hà Nội năm 2022).

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” xác định, Thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500ha đến 9.000ha…

Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển SVC nói chung, ngành hoa, cây cảnh trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái; đặc biệt là truyền thống văn hóa, sản xuất hoa, cây cảnh của từng địa phương; Phát triển ngành hoa, cây cảnh theo hướng thị trường; khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học, công nghệ mới, công nghệ số trong công tác quản lý, sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; Phát triển ngành hoa, cây cảnh phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Trong những năm qua, Hà Nội căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, để hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh SVC.

Mô hình sản xuất, kinh doanh thương mại hoa cây cảnh quận Tây Hồ

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của quận Tây Hồ ngày càng thu hẹp để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông và đô thị. Năm 2003, tổng diện tích đất canh tác trên địa bàn quận là 494,7 ha, thì hiện nay giảm xuống còn hơn 130ha. Quận đã có nhiều chính sách để bảo tồn và phát triển nghề trồng hoa cây cảnh trên địa bàn quận. 

Năm 2023, diện tích trồng các loại hoa cây cảnh phân bố như sau: cây hoa đào: Tiêu thụ 109,25 ha/145,5ha gieo trồng, chiếm khoảng 75,1% ha gieo trồng. (Đào thế là 35ha, tăng so với năm trước 6ha, tương đương 20,7%; Đào cành là 74,25ha, giảm 5,45ha, tương đương 6,8% so với năm trước). Quất tiêu thụ được 17,58/35,5ha, đạt 49,5% diện tích quất gieo trồng, giảm 0,23ha so với năm trước. Cây hoa khác tiêu thụ 9,3ha, tăng 3,3ha so với năm trước.

Tổng giá trị cây hoa tiêu thụ đạt 177,635 tỷ đồng, tăng 24,251 tỷ đồng tương đương 15,8%. Trong đó, hoa đào đạt 113,506 tỷ đồng (tăng 22,076 tỷ đồng tương ứng 24,1% so với năm trước); Cây quất đạt 61,754 tỷ đồng (tăng 1,33 tỷ đồng tương đương 2,2% so với năm trước); Cây hoa các loại khác đạt 2,375 tỷ đồng (tăng 0,846 tỷ đồng tương ứng 55,3% so với năm trước) (Báo cáo của Hội SVC Hà Nội năm 2022).

Không chỉ là nơi trực tiếp sản xuất nhiều giống hoa cây cảnh, quận Tây Hồ có chợ hoa cây cảnh Quảng Bá, là chợ đầu mối cung cấp các loại hoa tươi cho Hà Nội, mở cửa từ chiều tối đến gần sáng, là một trong những chợ hoa lớn nhất của Thủ đô với hàng trăm loài hoa khác nhau tới từ các làng hoa tươi lớn ở lân cận như Tây Tựu, Đông Anh, Gia Lâm. Chợ hoa Quảng Bá rất nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần Lễ, ngày Rằm, mùng 1 âm lịch hay dịp Tết, khi khách hàng từ khắp nơi đổ về đây mua sắm những bông hoa tươi rẻ và đẹp nhất, cũng là thời gian mà nhiều du khách lựa chọn để tới chợ tham quan, chụp ảnh. Vào dịp gần Tết, chợ hoạt động gần như cả ngày, từ sáng đến tối muộn và việc đi chợ hoa đêm Quảng Bá đã trở thành một nét văn hóa riêng của người Hà Nội.

Mô hình sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh quận Tây Hồ là một hình tiêu biểu về phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch và SVC của Thủ đô Hà Nội. Mặc dù, phải đối mặt với thực tế diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp, nhưng những người nông dân, người sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ hoa cây cảnh nơi đây đã tăng cường liên kết với nhiều địa phương khác để tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ để nâng cao hiệu quả. Nơi đây, vốn được biết đến với những làng hoa truyền trồng phục vụ Tết, thì nay đã trở thành trung tâm kết nối giao thương tiêu thụ hoa cây cảnh của nhiều tỉnh, thành trong nước và kết nối với thị trường nước ngoài. Đặc biệt, gần đây đã gắn kết hoạt động sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh với hoạt động thu hút du lịch, quảng bá những di tích lịch sử trên địa bàn quận. 

Mô hình kinh tế trang trại sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, SVC của quận Long Biên

Quận Long Biên có trên 1.100 ha đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông, chiếm 18,3% diện tích đất tự nhiên toàn quận. Trong đó, khu vực đất nông nghiệp, đất bãi bồi, bãi nổi ven sông Đuống thuộc địa giới hành chính của phường Giang Biên, Phúc Lợi là khu vực có vị trí thuận lợi, có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và SVC.

Năm 2023, UBND quận đã phê duyệt phương án quản lý khai thác quỹ đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi, bãi nổi ở một số phường để tổ chức đấu giá, lập mô hình kinh tế trang trại sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng các liên kết, chuỗi giá trị, chuối thực phẩm an toàn (chuỗi rau, quả…) từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để nâng cao hiệu quả vùng sản xuất.

UBND quận Long Biên phê duyệt "Phương án trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao"có diện tích hơn 21.000 m2 tại khu Rich, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Mục tiêu là tạo ra hướng đi mới trong sản xuất rau, quả an toàn với hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Trang trại sẽ xây dựng một số mô hình sản xuất rau an toàn, nấm ăn chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời sản xuất ra sản phẩm rau sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, đạt chuẩn theo tiêu chí: không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng giống biến đổi gen, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng thuốc kích thích, quy trình sản xuất rau quả tuân thủ theo tiêu chuẩn Vietgap.

Từ đây, sẽ hình thành và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, qua đó nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để vừa phục vụ nhu cầu tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp giá trị dinh dưỡng cao, góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Mặc dù, mô hình mới được triển khai, tuy nhiên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tham gia trong chuỗi sản xuất. Sản phẩm sau thu hoạch của mô hình đã được cam kết tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của công ty tại thành phố Hà Nội và tại quận Long Biên, đồng thời được bao tiêu hoàn toàn để cung cấp cho hệ thống bếp ăn phục vụ suất ăn bán trú cho các học sinh trên địa bàn Hà Nội.

Mô hình nuôi trồng SVC trong các hộ gia đình

Đây là mô hình tận dụng các khoảng không gian trong các hộ gia đình từ khoảng trống xen kẹt giữa các gia đình, vườn hoa, sân thượng, ban công… để nuôi trồng các loại hoa, cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ, cây gia vị, rau xanh, cây thuốc, cây ăn quả cũng như nuôi các loại động vật cảnh với mục đích trang trí, làm đẹp và phục vụ phát triển vật chất, tinh thần của con người. Mô hình này, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, mà còn là giải pháp làm đẹp cho không gian sống, kiến tạo cảnh quan môi trường trong lành, sạch đẹp, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh ở địa phương.

Ngày nay, với sự hỗ sợ của khoa học cộng nghệ hiện đại như sinh dưỡng thủy sinh, phân bón tổng hợp nhả chậm, đèn tạo ánh sáng trắng đến các loại giá thể nuôi trồng thẳng đứng thông minh, thì các gia đình ở đô thị đều có thể triển khai nuôi trồng SVC với các quy mô khác nhau.

Với một địa phương mà tỷ lệ cây xanh trên đầu người còn rất thấp như Hà Nội và tỷ lệ ô nhiễm không khí bởi bụi mịn cao thì mô hình trồng hoa cây cảnh, SVC trong gia đình cần có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhân rộng. Đặc biệt, mô hình này cần phải được khuyến khích triển khai tại tất cả các cư dân đô thị nội đô và vùng đệm ven đô có tốc độ đô thị hóa cao.

- Tình hình phát triển nông nghiệp đô thị: tác động đến không gian xanh trong nội đô và phát triển SVC

Chuyển đổi sử dụng đất

Trong quá trình quy hoạch đô thị, Chính quyền thành phố Hà Nội sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất, trong đó có đất nông nghiệp. Xu hướng chung hiện nay là diện tích đất nông nghiệp bi thu hẹp dần. Do vậy, để tăng diện tích và năng suất nông nghiệp đô thị thì có thể áp dụng công nghệ canh tác hiện đại, canh tác theo chiều dọc, sử dụng các công nghệ hiện đại để tối ưu hóa các không gian trong đô thị. Việc làm này sẽ làm tăng tỷ lệ không gian xanh trong toàn cộng đồng đô thị. Các loại hình SVC cũng có điều kiện được đầu tư phát triển mơ rộng quy mô và chất lượng.

Mất mát đa dạng sinh học: Việc chuyển đổi đất và sử dụng hóa chất trong nông nghiệp đô thị có thể gây mất mát đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến SVC và loài địa phương. Khi đó, sự đa dạng sinh học trong đô thị ngày càng phải được coi trọng. Môi trường sống của các loại động vật, thực vật và côn trùng tạo thành một hệ sinh thái cộng sinh cần được tính toán cụ thể để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Áp lực lên nguồn nước: Nhu cầu nước tăng lên do phát triển nông nghiệp đô thị, tạo áp lực lớn lên nguồn cung nước và có thể dẫn đến mất mát nguồn nước cho không gian xanh tự nhiên. Hệ thống tuần hoàn nước trong nông nghiệp đô thị cũng phải được đầu tư một cách bài bản để có thể đảm bảo việc tưới tiêu cho các loại cây trồng trong môi trường đô thị vừa tạo điều kiện cho SVC phát triển bình thường. Các loại kỹ thuật canh tác hiện đại như thủy canh, vi sinh vật học và hệ thống tự động hóa để tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp và duy trì cảnh quan.

Tăng cường hệ thống công viên và khu vực xanh: Một số dự án nông nghiệp đô thị có thể tích hợp với các công viên và khu vực xanh, tạo ra không gian xanh mới và cơ hội bảo tồn SVC.

Giảm ô nhiễm gia tăng chất lượng không khí: Các khu vực nông nghiệp đô thị có thể giúp giảm ô nhiễm không khí thông qua việc hấp thụ khí độc hại và tạo ra không khí trong lành hơn.

Tăng cường sinh quyển đô thị: Nông nghiệp đô thị có thể tạo ra môi trường sống mới cho SVC, bao gồm cả các loài cây, cỏ, và thậm chí các loài động vật nhỏ.

Xu hướng kết hợp nông nghiệp và du lịch: Phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp với du lịch có thể tạo ra cơ hội mới cho việc tận hưởng không gian xanh và trải nghiệm SVC, đồng thời thu hút du khách.

Thúc đẩy nông nghiệp bền vững: Nông nghiệp đô thị hướng tới mô hình bền vững có thể giảm tác động tiêu cực lên không gian xanh và SVC, đồng thời tăng cường sự đa dạng sinh học.

Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng: Việc giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của không gian xanh và SVC có thể thúc đẩy nhận thức và hành động tích cực trong việc bảo vệ môi trường đô thị.

Thách thức về quản lý áp lực phát triển: Sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp đô thị có thể tạo ra áp lực lớn lên không gian xanh và đòi hỏi quản lý thông minh để duy trì cân bằng giữa phát triển và bảo tồn môi trường.

Tạo cơ hội nghề nghiệp mới: Phát triển nông nghiệp đô thị có thể tạo ra cơ hội nghề nghiệp mới cho cộng đồng, từ những người chăm sóc cây cỏ đến những nhà thiết kế khu vườn đô thị.

2.4. Hiện trạng về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường

- Hiện trạng về đầu tư, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi nông nghiệp đô thị của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản là nhân tố quan trọng giúp nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hiện nay, mô hình sản xuất này ngày càng được áp dụng rộng rãi, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có những giải pháp đồng bộ nhằm phát huy được những tiềm năng vốn có, để nông nghiệp thực sự là “bệ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 172 chuỗi đang hoạt động tốt, trong đó 59 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 113 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Về hình thức liên kết trong 172 chuỗi có: 17 chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 3 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 71 chuỗi Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 2 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 7 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 22 chuỗi liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

Các chuỗi tiêu biểu như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi Thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Oganic Ggreen; chuỗi rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân; chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn; Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng), Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam (quận Nam Từ Liêm), Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai)… với phần lớn sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn (Coop Mart, Metro, AEON…), các chợ đầu mối và xuất khẩu.

Để hỗ trợ phát triển các chuỗi nông nghiệp, thành phố Hà Nội đã xác định danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm 6 nhóm sản phẩm: Giống cây trồng (lúa, cây ăn quả), giống vật nuôi (bò sữa, bò cái sinh sản lai Zebu, bò thịt, lợn, gà vịt, giống bản địa đặc sản), giống thủy sản (cá chép lai, cá rô phi đơn tính, cá đặc sản), sản phẩm chăn nuôi - thủy sản (thịt lợn, bò, gà vịt an toàn; trứng, sữa an toàn; thủy sản an toàn), sản phẩm trồng trọt (rau an toàn, rau hữu cơ; quả đặc sản: cam canh, bưởi, chuối, nhãn chín muộn; gạo chất lượng cao; hoa, cây cảnh), sản phẩm sơ chế, chế biến (có khả năng làm tăng giá trị nông sản lên 1,5 lần so với ban đầu) (Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Về thị trường, Hà Nội hiện có khoảng 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố mới đáp ứng khoảng 20-70% (tùy theo sản phẩm) cho hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu từ nước ngoài (Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 13/1/2022 của UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”).

- Hiện trạng quản lý tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm

Theo Sở Y tế, từ năm 2010-2021, trên địa bàn Thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc nhưng không có trường hợp tử vong, trong đó có 17 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể (chiếm tỷ lệ 63%), bếp ăn tập thể trường học 8 vụ (chiếm tỷ lệ 47,1%). Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật chiếm trên 40%.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Để đảm bảo ATTP trên địa bàn,  Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình kiểm soát ATTP Từ 2018, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng.

Trên địa bàn có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin, trung bình cung cấp 117.024 suất ăn/ngày. Do vậy, Thành phố đã thực hiện Mô hình kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học và hướng dẫn công tác ATTP tại 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Trên địa bàn Thành phố có 455 chợ có kinh doanh thực phẩm (15 chợ hạng 1, 57 chợ hạng 2, 352 chợ hạng 3, 6 chợ đang hoàn thiện hồ sơ phân hạng, và 25 chợ không phân hạng). Hà Nội đã nâng cấp, cải tạo các chợ đảm bảo tiêu chí ATTP; cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh ATTP; cấp Giấy chứng nhận ĐKKD cho các cơ sở kinh doanh cố định, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/ Giấy xác nhận cam kết đảm bảo ATTP/ ký cam kết bảo đảm ATTP; các cơ sở kinh doanh có hệ thống sổ sách, ghi chép để thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; lấy mẫu kiểm tra chất lượng và ATTP (Quyết định 4727/QĐ-UBND ngày 5/11/2021 phê duyệt Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025).

- Hiện trạng phát triển sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội

Sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm

Chế biến nông sản là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ thực phẩm. Hiện nay, Hà Nội 14.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó có 250 doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hơn 1.650 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương.

Sản lượng sản phẩm nông sản chế biến của các doanh nghiệp Hà Nội bình quân mỗi tháng trên 1.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong tháng của thành phố là 5.165 tấn. Như vậy nguồn cung thực phẩm nông lâm thủy sản chế biến trên địa bàn Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 19% nhu cầu tiêu dùng của người dân; Lượng thực phẩm chế biến cần cung cấp từ bên ngoài tới 81%. Ngoài ra, kết quả khảo sát, thống kê cho thấy 98,5% cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp tham gia chế biến 3 sản phẩm chủ lực là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%), trong khi các Hợp tác xã và hộ gia đình chủ yếu tập trung vào hai sản phẩm chính là thịt và rau quả.

Về công nghệ, trang thiết bị, trình độ của các cơ sở chế biến nông sản của Thành phố nhìn chung ở mức khá. Thiết bị, máy móc của các cơ sở chế biến chủ yếu là bán tự động (chiếm 76,6% tổng số cơ sở), công nghệ dây chuyền tự động mới chiếm hơn 14,7% và công nghệ chế biến thủ công vẫn chiếm khoảng 8,7%. Hệ thống bảo quản các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của Hà Nội còn khiêm tốn. Toàn Thành phố hiện có 113 kho lạnh, nhưng mới có 7 kho lớn (tổng quy mô gần 30.000 m2), còn lại 106 kho có tổng diện tích chỉ hơn 5.300 m2. (Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 13/1/2022 của UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”).

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Tính đến quý 4 năm 2023, Hà Nội đã liên kết với 43 tỉnh xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020, tương đương tăng 21%)

Thành phố Hà Nội đã áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý ATTP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các ứng dụng đang hoạt động tốt hiện nay là: Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn) hiện đang quản lý 3.263 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; đã cấp 12.021 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về ATTP lên Hệ thống; Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ (GIS) ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông lâm sản (gis.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn); Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản, (tucongbo.sonnptnt.hanoi.gov.vn); và các hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản (tracnghiemattpchicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn)

- Tình hình phát triển các sản phẩm địa phương OCOP và sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ cộng đồng

Hà Nội đã công nhận 2.711 sản phẩm OCOP, chiếm hơn 22% tổng sản phẩm OCOP của cả nước, trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Về bảo hộ trí tuệ cộng đồng, theo Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến tháng 3/2023 Hà Nội đã có 257 đơn/bằng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, tiêu biểu là: Sữa Ba Vì, Chè Ba Vì, Rau an toàn Hà Nội, Nếp Cự Đà, Bưởi Diễn, Hoa đào Nhật Tân, Nhãn chín muộn Thanh Oai (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

- Hiện trạng xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá nông sản thực phẩm

Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Những năm vừa qua, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai thường xuyên, liên tục. Hết năm 2023, Hà Nội đã có 98 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để quảng bá, giới thiệu đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, khách du lịch (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

 Các chương trình như Hội chợ hàng Việt, Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn, Lễ hội trái cây; Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội trên địa bàn một số huyện; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội; Hội chợ đặc sản vùng miền… đã diễn ra góp phần quảng bá sản phẩm nông sản đến người dân và du khách.