Khu dân cư NTM xã Phụng Thượng khang trang sạch đẹp
Về kinh tế, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 trên địa bàn xã đạt 94,89% dự toán, tổng chi giảm 39,36% so với năm trước. Năng suất lúa bình quân đạt 63,2 tạ/ha, thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, toàn xã chỉ còn 24 hộ nghèo và 153 hộ cận nghèo. Xã Phụng Thượng đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh".
Chính quyền xã đã phối hợp với các Ban xây dựng Đảng, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội xã triển khai các nguồn vốn vay chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, khuyến khích, vận động người dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tham gia xây dựng NTM nâng cao, phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động 3 sạch: "Nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch" và xây dựng NTM, vệ sinh ATTP, xây dựng thôn dân cư kiểu mẫu về cảnh quan môi trường nông thôn.
Trụ sở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Trong năm qua xã đã phối hợp với Ban quản lý dự án huyện Phúc Thọ triển khai thực hiện dự án cải tạo nắp rãnh đường giao thông xã Phụng Thượng, dự án xây dựng nhà văn hóa Thôn 8, phối hợp Công ty điện lực xây dựng trạm biến áp khu đất 10% khu Nam Cường, phối hợp các phòng ban liên quan bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng dự án nhà văn hóa Thôn 3, Trường Mầm Non Phụng Thượng. Phối hợp với Công ty cấp nước sạch Sơn Tây hướng dẫn làm thủ tục sử dụng nước sạch tới từng hộ dân. Thường xuyên kiểm tra giám sát việc quét dọn vệ sinh thu gom rác thải ở các thôn xóm.
Công tác văn hóa xã hội thường xuyên được thực hiện tốt, Đài truyền thanh xã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với người dân, nhất là tuyên truyền về xây dựng NTM, đô thị văn minh. Năm 2021 toàn xã có 11/13 thôn đạt tiêu chuẩn được đề nghị huyện Phúc Thọ công nhận thôn văn hóa, có 3.690 hộ/3.902 hộ gia đình văn hóa, đạt 94,5%; các nhà trường THCS, Tiểu học và Mầm Non thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19, trong năm 2021 toàn xã có 94 học sinh thi đỗ vào các trường đại học.
Xã Phụng Thượng khang trang sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Công tác y tế, dân số và gia đình được duy trì thực hiện tốt, Trạm y tế xã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho nhân dân, đi đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Lực lượng công an, quân sự xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Đảng bộ chính quyền và toàn thể nhân dân xã Phụng Thượng đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, xây dựng địa phương ngày càng phát triển và đổi mới.
Lãnh đạo UBND xã Phụng Thượng ông Hoàng Quang Giáp chia sẻ, nhờ sự đóng góp tích cực của nhân dân địa phương, trong những năm qua, tất cả các tuyến đường trục xã, liên xã ở Phụng Thượng đã được trải nhựa hoặc được bê-tông hóa; gần 95% tuyến đường liên thôn, ngõ, xóm được bê-tông hóa và 50% tuyến giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp xã Phụng Thượng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Không chỉ dừng lại ở việc bổ sung, nâng cấp nông thôn mới từ những công trình hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, nhiều nơi còn chú trọng nâng cao ý thức tự giác trong nếp sống của từng người dân, mỗi gia đình, thôn, xóm. Người dân trên địa bàn xã cho biết: "Chúng tôi vận động từng hộ dân nâng cao trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, góp phần xây dựng khu dân cư lành mạnh, an toàn, tạo nếp sống mới văn minh... Bà con tự nguyện tham gia sôi nổi, hiệu quả". Nhờ đó đến nay, việc hiếu không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày; đồng thời, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu... tạo chuyển biến lớn trong đời sống văn hóa nông thôn.
Rõ ràng, khi vận dụng tốt quy chế dân chủ vào xây dựng nông thôn mới, không chỉ người dân mà các cấp ủy, chính quyền còn được “hưởng lợi” rất nhiều. Kinh nghiệm này được nhân rộng tại nhiều địa phương của TP Hà Nội. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó các đoàn thể chính trị - xã hội là hạt nhân tuyên truyền theo từng “kênh riêng”, cho nên người dân đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Từ chủ trương chung, mỗi địa phương lại có cách làm sáng tạo, cụ thể để phát huy tình đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội