Đây là nội dung quan trọng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ mới ký ban hành Chỉ thị số 04 ngày 7/02/2023 về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, trong giai đoạn vừa qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những kết quả nổi bật, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch, là một trong những tiêu chí có kết quả khá cao trong Bộ tiêu chí NTM và có khoảng 1/3 số huyện đã có quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Đến nay, toàn quốc cũng đã có hơn 73% số xã đạt chuẩn NTM, 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM và 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Từ những kết quả này, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được thực hiện theo quy hoạch đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị.
Vấn đề quy hoạch nông thôn mới trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề, là cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác quy hoạch nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Tại Hội nghị các chuyên gia cũng đã chỉ ra những bất cập hạn chế trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới như: Việc xây dựng quy hoạch ở nhiều địa phương còn chậm, một số địa phương chỉ đến khi hoàn thành thủ tục công nhận huyện NTM mới tiến hành xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng huyện, nên quy hoạch còn nặng về hình thức, để đủ theo yêu cầu của tiêu chí chứ chưa thực sự là công cụ trong tổ chức và quản lý không gian gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, nhiều đại biểu cũng chỉ rõ, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về cách sản xuất, các vấn đề xã hội như lao động, việc làm, văn hoá, lối sống ở nông thôn, các áp lực về môi trường, an ninh trật tự… trong khi chưa có quy định đặc thù trong xây dựng nông thôn mới ở các khu vực ven đô, khu vực quy hoạch phát triển thành đô thị.
Trong đó, một số khu vực nông thôn đã được quy hoạch phát triển thành đô thị nhưng không được bố trí nguồn lực để xây dựng NTM, hiện đang thiếu nguồn lực để đầu tư hạ tầng đô thị, tình trạng kéo dài nhiều năm dẫn đến tình trạng chậm phát triển hơn khác địa bàn khác.
Bất cập được nhiều đại biểu để cập là hạ tầng kết nối giữa khu vực đô thị - nông thôn chưa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ; hạ tầng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp ít được quan tâm và bố trí quỹ đất để xây dựng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, hiện tại một số địa phương có xu hướng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa làng quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp... Một số công trình hạ tầng mẫu như nhà văn hoá, nhà ở,… được áp dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc.
Dù những hạn chế này, đã được cụ thể hoá trong nội dung của Chương trình và Bộ tiêu chí xây dựng NTM các cấp của giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung bổ sung thêm nhưng một số nội dung hiện vẫn đang còn bỏ ngõ như chưa có hướng dẫn xây dựng NTM đối với các khu vực ven đô, chưa lượng hoá được các quy định/hướng dẫn về kiến trúc nông thôn,…
Hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý, các địa phương tập trung đề xuất phương thức, cách thức, giải pháp triển khai để phát huy hiệu quả thực hiện quy hoạch trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Được quán triệt nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg và đẩy mạnh công tác tổ chức triển khai quy hoạch và xây dựng cảnh quan trong xây dựng NTM đến cán bộ, chuyển đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân.
Hội nghị cũng đã làm rõ nội hàm, thống nhất quan điểm và nội dung để gắn kết giữa quy hoạch NTM với quá trình đô thị hóa, việc xây dựng NTM đối với các khu vực ven đô, khu vực được quy hoạch phát triển thành đô thị. Nhất là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc và các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường và giữ gìn, xây dựng cảnh quan nông thôn...nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về nâng cao quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch, nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa./.