Đến chiều 2-7, bão đã đi vào đất liền thuộc khu vực phía Đông Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Do ảnh hưởng của rìa phía Tây bão số 1, tại trạm đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; tại trạm Phù Liễn (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; tại trạm Uông Bí và Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8; tại Thái Thụy (Thái Bình) có gió mạnh cấp 6.
Sau khi đi vào đất liền Trung Quốc, bão số 1 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong vòng 24 giờ kể từ chiều 2-7, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Từ ngày 3-7, gió mạnh do bão ở khu vực huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ và vịnh Bắc bộ sẽ giảm dần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, trong ngày 3-7, Đông Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên 100mm. Từ ngày 4 đến 7-7, do ảnh hưởng của một rãnh áp thấp, ở Bắc bộ có nơi tiếp tục mưa to.
Tại Trung bộ, ngày 2-7, nhiệt độ đã có xu hướng tăng dần. Dự báo ngày 3-7, tại khu vực Sơn La, Hòa Bình, Việt Bắc, đồng bằng Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng diện rộng, có nơi trên 37oC. Từ ngày 4-7, tại khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nơi nắng nóng 38oC. Còn tại khu vực miền Nam trong những ngày tới liên tục xuất hiện mưa dông về chiều và tối.
* Cùng ngày, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về công tác phòng chống cơn bão số 1. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động của các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, cần dự báo chính xác, bám sát diễn biến để kịp thời cảnh báo cho các địa phương về tình hình bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các địa phương, cơ quan có liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Tình hình thiên tai năm nay dự báo sẽ có nhiều diễn biến cực đoan, khó lường, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai. Rà soát, hoàn thiện kịch bản, quy trình điều hành từ khi bắt đầu có thông tin dự báo thiên tai, bảo đảm cung cấp thông tin thông suốt từ trung ương đến địa phương một cách chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với mức độ thiên tai.