Tuyên Quang: Giữ rừng đặc dụng Cham Chu

Dù ngày hay đêm sâu thẳm trong cánh rừng đặc dụng Cham Chu thuộc 2 huyện vùng cao Hàm Yên và Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang, những cán bộ bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu vẫn thầm lặng giữ màu xanh của những cánh rừng.
chamchu-1722141432.jpg
Lực lượng chức năng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng Cham Chu

Ông Nông Giang Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu cho biết: Rừng đặc dụng Cham Chu có tổng diện tích khoảng 15.000ha, nằm trên địa bàn 83 thôn, bản thuộc 5 xã là Trung Hà, Hà Lang, Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa); Yên Thuận, Phù Lưu (huyện Hàm Yên). Cham Chu là một trong ba khu rừng đặc dụng của tỉnh Tuyên Quang. Trong đó hơn 10.700ha, chiếm hơn 70% diện tích là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Khoảng 25% diện tích là phân khu phục hồi sinh thái và chỉ hơn 4% diện tích được quy hoạch là phân khu dịch vụ hành chính.

Hệ thực vật ở đây được đánh giá có trữ lượng khoảng 400m3/ha với nhiều loài gỗ quý như nghiến, chai, kháo, sồi, phay, kẹn, đinh. Hệ động vật có hơn 40 loài thú, hơn 100 loài chim và 38 loài bò sát.

Với vị trí, vai trò hết sức quan trọng, những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Cham Chu luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lãnh đạo huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa cùng sự vào cuộc phối hợp của toàn thể nhân dân trong khu vực 

Hiện tại tổng số cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng của hạt là 26 người. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, mức thu nhập không cao, nhưng với tình yêu rừng, lòng yêu nghề những cán bộ thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng vẫn hằng ngày băng rừng, lội suối để tuần tra; đối mặt với vất vả, nguy hiểm để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng.

Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, hộ gia đình, tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ động vật rừng, nhất là các loại động vật quý hiếm, các loài chim quý được phát hiện ở rừng đặc dụng; bảo vệ những cánh rừng để tạo môi trường sinh sống tốt nhất cho động vật, chim chóc về sinh sống; khuyến khích người dân tố giác các đối tượng có hành vi săn bắt, bẫy, giết, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã, các loài chim di cư trái pháp luật.

Đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện tốt quy định và kỹ thuật xử lý thực bì. Đồng thời, tham mưu cho UBND cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong những đợt nắng nóng cao điểm; kiện toàn các ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn giai đoạn 2024-2025; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững… Tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực trọng điểm về săn bắt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm săn bắn, sát hại, mua bán, tiêu thụ các sản phẩm thịt thú rừng, chim rừng.

Tuy nhiên điều kiện tự nhiên đặc thù cũng gây ra nhiều thách thức, khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng Cham Chu, khi địa hình nơi đây chủ yếu là các dãy đồi, núi từ thấp đến cao dần. Độ cao trung bình trong vùng lớn và có độ dốc, khiến cho việc di chuyển của cán bộ quản lý để kiểm tra, bảo vệ rừng luôn gặp khó khăn.

Khó khăn là vậy, song với nỗ lực và trách nhiệm được giao, công tác bảo vệ rừng Cham Chu thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các hành vi vi phạm về Luật Lâm nghiệp đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 8 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, Hạt tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng ở địa bàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp đến từng hộ dân nhận khoán, bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.