Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải có tư duy trả ơn nông dân

Nói chuyện với cán bộ ngành NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh về vấn đề trao đi niềm tin, tri thức, truyền cảm hứng cho nông dân.

Huấn luyện để tri thức hóa nông dân

Chiều 12/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI).

Ông Trần Vinh, quyền Viện trưởng WASI cho biết, trong 5 năm trở lại đây đơn vị đã thực hiện 103 nhiệm vụ khoa học công nghệ với kinh phí trên 150 tỷ đồng. Viện đã nghiên cứu 14 giống cà phê được công nhận chính thức phục vụ sản xuất, trong đó có 10 giống cà phê vối và 4 giống cà phê chè. Nghiên cứu được 2 giống tiêu, 3 giống ca cao và 4 giống bơ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI).

Ngoài nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước, Viện WASI còn hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế thực hiện các mô hình. Tuy nhiên, Viện còn gặp nhiều khó khăn trong kinh phí, trang thiết bị nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các viện nghiên cứu cần phải tạo mô hình không chỉ về công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ mà phải xây dựng cho cả chuỗi ngành hàng nông nghiệp. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 4.0, cần áp dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ số trong quản lý trang trại như thế nào cho hiệu quả.

Ngoài chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ giống cần phải tổ chức lại sản xuất cho người nông dân. Dù có giống cây tốt mà làm ăn riêng lẻ, không tham gia vào HTX thì cũng sẽ không bền vững.

Nông nghiệp bền vững không chỉ là vấn đề khoa học kỹ thuật nữa mà cần phải hướng đến tư duy của người nông dân. Chính vì vậy Bộ trưởng mong muốn, Viện WASI không chỉ về chuyển giao giống mà phải huấn luyện để tri thức hóa nông dân.

“Giống cây trồng chỉ là một vấn đề, ngoài ra còn có quy trình canh tác như thế nào để tiết kiệm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận mang lại mới quan trọng. Tôi đi rất nhiều vườn cây mà ước gì trong đó có bảng chỉ dẫn về quy trình canh tác chuẩn để người tiêu dùng thấy đó làm niềm tin”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các Viện cần kéo dài đề tài khoa học thành chuỗi sản xuất bền vững, sau đó bàn giao hết cho người nông dân. Như vậy sẽ thấy rằng, không gian hoạt động, nghiên cứu của các Viện sẽ rộng hơn, khi đó sẽ kích hoạt được hệ thống các nhà khoa học cùng tham gia vào nghiên cứu.

Trao niềm tin, tri thức cho bà con nông dân

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đến thăm cán bộ và công chức, viên chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk.

Tại đây, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT đã báo cáo một số kết quả nổi bật của ngành trong năm 2022 và định hướng phát triển của ngành nông nghiệp của Đăk Lăk năm 2023. Toàn ngành đã đạt nhiều kết quả quan trọng như chỉ số tăng tưởng của ngành đạt 5,66%, tăng gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước; kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh tăng cao, đạt trên 1,3 tỷ USD.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành nông nghiệp phải có tư duy trả ơn người nông dân, tăng cường tính kết nối chuỗi giá trị với các lĩnh vực. Ảnh: Tuấn Anh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành nông nghiệp phải có tư duy trả ơn người nông dân, tăng cường tính kết nối chuỗi giá trị với các lĩnh vực. Ảnh: Tuấn Anh.

Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh đạt trên 1,3 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (cả tỉnh 1,5 tỷ USD), tăng 30,4% so với năm 2021, đã góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tăng trưởng ngành nông nghiệp Đăk Lăk hiện đứng đầu khu vực Tây Nguyên với nhiều mô hình nông nghiệp mới. Đăk Lăk cũng là mảnh đất thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Do đó, Đăk Lăk phải tiếp tục phát huy lợi thế sống trong không gian văn hóa phi vật thể, tập trung kết nối tăng giá trị nông sản, đầu tư chiến lược cho phát triển nông nghiệp đa giá trị trong tương lai.

Nghị quyết 19 đã xác định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia nên mỗi địa phương phải có trách nhiệm chung tay vì lợi ích chung đất nước. Trong đó, ngành nông nghiệp phải có tư duy trả ơn người nông dân, tăng cường tính kết nối chuỗi giá trị với các lĩnh vực, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, quan tâm sáng kiến cơ sở, từ nông dân, nắm bắt thời cơ thách thức để đổi mới trong nội ngành.

“Cái gì có lợi cho dân cần phải làm, kiến nghị kịp thời thể chế tạo thuận lợi cho quản lý và mong đợi để nông dân không bị bỏ lại phía sau. Trao đi niềm tin, tri thức cho bà con nông dân, tháo gỡ lắng nghe, truyền cảm hứng cho nông dân. Thay đổi tập quán canh tác cũ để chủ động đón nhận “chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.