Chương Mỹ (HN): Phát triển mô hình liên kết chuỗi tạo sức bật cho chương trình OCOP

Huyện Chương Mỹ tích cực phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao chất lượng và vị thế sản phẩm nông nghiệp của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình điểm về chuỗi liên kết sản xuất

Huyện chương Mỹ được đánh giá là một trong những huyện đang thực hiện tốt việc phát triển mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội. Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện Chương Mỹ đã cụ thể hoá tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo dựng và nâng cao một số thương hiệu nông sản chủ lực của huyện chương Mỹ. 

Luỹ kế đến hết quý II năm 2022, huyện có 10 mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trong đó có 06 mô hình liên kết của các chủ thể và sản phẩm OCOP.

Một số sản phẩm OCOP chủ lực của huyện cơ bản đã được tiếp cận và tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản của các doanh nghiệp và hợp tác xã như: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn; Chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ của Hợp tác xã Đồng Phú; Chuỗi sản xuất – tiêu thụ bưởi Chương Mỹ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; Chuỗi sản xuất – tiêu thụ trứng gà của Công ty cổ phần Tiên Viên, Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thỏ của HTX thỏ Việt Nhật Chương Mỹ;…

Lãnh đạo Phòng kinh tế huyện Chương Mỹ cùng lãnh đạo xã Đồng Phú thăm quan mô hình liên kết lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú

Chủ tịch HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú -  bà Trịnh Thị Nguyệt chia sẻ: HTX Nông nghiệp  hữu cơ Đồng Phú đã và đang liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi; liên kết mô hình 4 nhà (Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh và xây dựng thương hiệu xuất khẩu gạo). Vụ Xuân 2022 năng suất lúa của HTX đạt 285-320 kg/ sào: 7,8 tấn – 8,6 tấn / ha. Tổng thu nhập bình quân trên diện tích sản xuất hữu cơ đạt 185 triệu đồng/ha/năm. Riêng vụ Xuân năm 2022 bình quân thu nhập lợi nhuận  2 triệu đồng /sào, 54 triệu đồng /ha. Nhờ vào phương pháp sản xuất hữu cơ và mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà giá trị thu nhập của người dân tăng 1,8 lần so với canh tác thông thường.

Một trong những mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu biểu khác của huyện Chương Mỹ là Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan đã chinh phục được các thị trường khó tính như các nước EU, Mỹ, Nhật Bản và thị trường các nước khác như Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Đan Mạch…

Hiệu quả cao 

Việc ký kết hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã huyện Chương Mỹ đã mang lại thu nhập cao cho các bên tham gia, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động; góp phần nâng cao đời sống người dân. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người huyện Chương Mỹ đạt 63,09 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 0,44%. 

Đánh giá về hiệu quả của chuỗi liên kết nông sản, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Định hướng tới năm 2023, các sản phẩm OCOP của huyện Chương Mỹ đều sẽ triển khai sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết giá trị, bên cạnh đó tập trung chế biến sâu, đa dạng và nâng cao chất lượng cho các sản phẩm OCOP.

Trên thực tế, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và các chủ thể. Mô hình trồng dưa lưới hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP được liên kết giữa HTX Khoa học công nghệ và Tiêu thụ Nông sản Chương Mỹ với HTX rau quả sạch Chúc Sơn. Giám đốc HTX Khoa học công nghệ và Tiêu thụ Nông sản Chương Mỹ - Vũ Huyền Trang chia sẻ: Hiện mô hình có tổng diện tích gần 1ha, một năm trồng và thu hoạch 4 vụ dưa, cho ra sản lượng 15 tấn dưa/ 1 vụ. Dưa lưới của HTX đang được đưa vào các hệ thống siêu thị, các chuỗi cửa hàng hoa quả sạch và bán lẻ trên các kênh online với mức giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/1 kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

 

Giám đốc HTX Khoa học công nghệ và Tiêu thụ Nông sản Chương Mỹ - Vũ Huyền Trang kiểm chất lượng dưa lưới

Năm 2020, mô hình nuôi thỏ của HTX thỏ Việt Nhật, ở thôn Đại Từ, xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cũng đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới với mức thu lãi lên đến 100 triệu đồng/tháng. Giám đốc HTX thỏ Việt Nhật - Lâm Thị Hương cho biết: hiện nay, HTX thỏ Việt Nhật đang hợp tác, bao tiêu sản phẩm thỏ thương phẩm cho một số trang trại trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Tạo sức bật cho các sản phẩm OCOP

Theo UBND huyện Chương Mỹ, luỹ kế đến hết năm 2021, huyện có 99 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP đạt từ 03 sao trở lên, trong đó: 01 tiềm năng 5 sao; 74 sản phẩm 4 sao; 25 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, huyện dự kiến đánh giá, phân hạng cho 50 sản phẩm.

 Ngoài thế mạnh về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan thuộc nhóm ngành lưu niệm, nội thất và trang trí, các sản phẩm OCOP khác trên địa bàn huyện cũng được đa dạng hóa, mở rộng mặt hàng sang các ngành thực phẩm, đồ uống gồm: thịt, rau, trứng, rượu, trà,…

 

Thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ban chỉ đạo Chương trình OCOP huyện Chương Mỹ đã và đang chỉ đạo các xã rà soát quản lý và tổ chức sản xuất theo quy hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân liên kết sản xuất theo vùng sản xuất tập trung; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và chương trình OCOP. 

Việc mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm OCOP cũng được chính quyền địa phương và các chủ thể OCOP đặc biệt quan tâm. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn được huyện Chương Mỹ hỗ trợ mở rộng tiêu thụ, đưa vào bày bán tại các hệ thống siêu thị lớn; các nhà ăn tại trường học, bệnh viện; các hội chợ giao thương, quảng bá sản phẩm ocop… trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước.

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội