Đà Lạt: Nông nghiệp công nghệ cao đạt nhiều thành tựu nhờ phần lớn vào vai trò của quản lý Nhà nước

Nhờ sự quản lý chặt chẽ và định hướng đúng đắn từ các cơ quan chức năng của thành phố, ngành nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt đạt được nhiều thành công đáng mong đợi; đặc biệt là trong việc thẩm định và thực hiện đầu tư các chương trình dự án, triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cũng như công tác kiểm tra và giám sát chất lượng nông sản trên địa bàn.

448268628-122185082156020766-4795466858081461968-n-1719803580.jpg

Những thành công trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua có vai trò rất lớn của chính quyền địa phương, các cấp, ngành liên quan trong việc quản lý, hỗ trợ nông dân và định hướng phát triển các mô hình phù hợp

Thông tin của UBND TP Đà Lạt, thành phố đã có nhiều văn bản, chương trình và kế hoạch cụ thể được ban hành nhằm chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã được giao phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện thẩm định và đầu tư cho các chương trình dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, cũng như kiểm tra và giám sát chất lượng nông sản trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, TP Đà Lạt thường xuyên tổ chức tập huấn và hội thảo để chuyển giao kiến thức khoa học và kỹ thuật cho người dân, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Trong hai năm gần đây, thành phố đã tổ chức 48 cuộc hội thảo về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất cà phê bền vững với sự tham gia của hàng ngàn nông dân. Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt phối hợp với các đơn vị liên quan cũng tổ chức các buổi hội thảo, hướng dẫn ứng dụng để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phục vụ cho phát triển ngành Nông nghiệp của địa phương.

Đồng thời, thành phố đã thực hiện chuyển giao kiến thức khoa học và kỹ thuật thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm tổ chức tham quan và học tập các mô hình, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê, bọ xít muỗi, kỹ thuật nuôi heo nái sinh sản, kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, một số kỹ thuật trồng và chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, kỹ thuật trồng hoa cắt cành chất lượng cao và nhiều mô hình khác. Các hội thảo đã được tổ chức tại các địa điểm như Phường 12 (hội thảo kỹ thuật trồng hoa cắt cành), Phường 7 (hội thảo kỹ thuật chăm sóc cây cà phê), Phường 8 (hội thảo kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn) và nhiều địa điểm khác trên địa bàn TP Đà Lạt.

Bên cạnh đó, nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Đà Lạt đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, sản phẩm nông nghiệp. Có thể kể ra đây các mô hình tiêu biểu về nông nghiệp mang dấu ấn đậm nét trong công tác quản lý nhà nước của thành phố như: Làng hoa Vạn Thành được công nhận là Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa; Mô hình trồng dâu tây công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều người dân tham gia; Mô hình trồng ớt ngọt trên giá thể tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng của thành phố cũng đã xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng nông sản, bao gồm việc áp dụng các quy trình kiểm tra và giám sát chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Điều này dần lan toả trong nông dân cách làm ngày càng bài bản, giúp đảm bảo nông sản Đà Lạt đạt được tiêu chuẩn chất lượng cao và được công nhận trên thị trường.

Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố không ngừng mở rộng, đạt 6.730 ha, chiếm 64,1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao đáng kể. Nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới. Thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt.