Giá cam đầu vụ ở Hà Tĩnh tăng cao, nhà vườn vẫn chưa vội bán

Mặc dù năng suất cam toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 có thể thấp hơn so với các năm trước nhưng đổi lại, thời điểm này, giá bán của loại quả đặc sản này trên thị trường đang cao hơn cùng kỳ năm trước.

Các vùng trồng cam lớn của tỉnh Hà Tĩnh như: Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang... đang bước vào thu hoạch chính vụ. Giá cam thương lái nhập tại vườn dao động 30.000 - 35.000 đồng/kg, có loại lên đến 40.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, đây là năm có giá bán ra khá cao và “nhỉnh” hơn so với năm 2021.

Tại Vũ Quang, các vườn cam cũng vào vào dịp thu hái tập trung. Anh Đoàn Ngọc Bảo, thôn 1, xã Quang Thọ, Vũ Quang cho hay: "Nhờ chăm sóc theo hướng sinh thái hữu cơ nên cam của gia đình cho quả vàng đẹp, độ ngọt cao. Vụ cam năm nay, vườn cây của gia đình cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả. Nhờ xây dựng được thương hiệu, chất lượng cam đạt chuẩn nên gia đình đang bán với giá 60 nghìn/kg, cao hơn năm ngoái 25 nghìn đồng/kg”.

Cũng theo anh Bảo, dù giá cam thời điểm này đắt như “tôm tươi”, nhưng do năm nay sản lượng đạt thấp nên gia đình vẫn chưa vội bán. Ngoài ra, có một số “mối quen” đặt hàng số lượng lớn vào cuối tháng nay, với mức giá có thể trên 65 nghìn đồng/kg nên gia đình khá yên tâm khi “găm hàng”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang, toàn huyện hiện có gần 2.600 ha cam, trong đó gần 2.100 ha cho thu hoạch. Năm nay, ở giai đoạn cây ra hoa, kết trái gặp phải thời tiết mưa lạnh thất thường, khiến tỷ lệ hoa rụng nhiều, không đậu được quả dẫn đến năng suất cuối vụ giảm, đạt khoảng 25.000 tấn (bằng 85% so với năm 2021).

“Năm nay, do thời tiết bất lợi nên sản lượng cam trên địa bàn huyện giảm 15% so với năm 2021. Tuy nhiên, giá cam tăng mạnh nên người dân rất phấn khởi. Để giúp bà con có nguồn thu khá vào cuối vụ, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các xã chủ động hướng dẫn người dân thăm vườn thường xuyên để kịp phát hiện các yếu tố gây hại cho cam", ông Phan Xuân Nam - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết thêm.

Với chất lượng quả tốt, cam của gia đình anh Đoàn Quốc Bảo được thương lái thu mua với giá 60 nghìn đồng/kg.

Giá cam bán tại vườn tăng đã tác động đến thị trường bán lẻ ở Hà Tĩnh. Ghi nhận tại các chợ trung tâm như: chợ thành phố, chợ Vườn Ươm (TP. Hà Tĩnh), giá cam đại trà khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg; loại cam đặc sản, cam hữu cơ hoặc được trồng ở các nhà vườn lớn có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, cao nhất là 65.000 đồng/kg.

So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, vụ cam năm nay của huyện Can Lộc được đánh giá thắng lợi do vẫn giữ được năng suất, chất lượng, mẫu mã. Với 501 ha đã cho thu hoạch, sản lượng cam toàn huyện ước đạt trên 4.800 tấn, tăng 300 tấn so với năm 2021.

Thời điểm này, dù chưa vào chính vụ (cuối tháng 11) nhưng một số nhà vườn đã bắt đầu thu hoạch, giá cam giòn đang được thương lái thu mua với mức 40 - 45 ngàn đồng/kg, cam chanh 25 - 30 ngàn đồng/kg.

Cam đã vào chính vụ giá cao nhưng nhiều chủ vườn chưa có ý định thu hoạch.

Cam đã vào chính vụ giá cao nhưng nhiều chủ vườn chưa có ý định thu hoạch hết mà chọn tỉa quả chín bán trước, còn lại chăm sóc để chờ giá có thể tăng thêm vào cuối mùa. Một số đã ký kết với các cơ sở phân phối nên sẽ thu hoạch theo yêu cầu.

Theo các tiểu thương, cam ở các chợ chủ yếu được nhập từ các địa phương của huyện Hương Khê, Can Lộc. Những loại được thu mua từ những trang trại trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và có dán tem truy xuất nguồn gốc thì phần lớn chỉ được bày bán ở các cửa hàng lớn. Tuy nhiên, việc giá bán ở thị trường tăng cao ở thời điểm hiện nay là do giá mua vào từ các nhà vườn cao chứ không phải xuất phát từ sức mua sôi động.

Chị Nguyễn Loan, tiểu thương kinh doanh cam tại đường Xuân Diệu, TP. Hà Tĩnh bày tỏ: “Nếu như năm 2021, ở thời điểm này, mỗi ngày tôi bán từ 6 - 7 tạ cam thì nay chỉ 4 - 5 tạ/ngày. Giá cao nên khách hàng không mua số lượng nhiều nên chúng tôi cũng chỉ nhập số lượng vừa phải, đủ bán trong ngày. Chúng tôi cũng phải cân đối, giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng".

Theo dự đoán của các tiểu thương, thời gian tới, các diện tích trồng cam ở các địa phương chín rộ, nhà vườn tăng sản lượng thu hoạch, cùng đó là nguồn cam từ các tỉnh khác đổ về thì giá cam sẽ ổn định hơn. Càng về cuối năm, ngoài nhu cầu sử dụng, người dân có xu hướng mua cam để làm quà với số lượng lớn, sử dụng cho các dịp lễ cuối năm cũng góp phần làm thị trường sôi động hơn.