1. Thị trấn Đại Đình (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) những ngày qua bỗng trở thành điểm đến của rất nhiều người bởi nơi đây có những “sàn giao dịch” bạch hải đường (hải đường trắng). Chủ đề mà người ta tập trung bàn luận là giá cả cây bạch hải đường. Một số người còn loan tin, cây hải đường hoa trắng là loại “đột biến, quý hiếm” chứ không phải hoa màu đỏ lâu nay vẫn thấy, nên giá rất cao. Ngoài ra, nhiều người còn thổi phồng tác dụng của bạch hải đường, cho rằng loài hoa này có tính dược liệu được dùng làm thuốc chữa bệnh đau thấp khớp và đun nước cho phụ nữ sau sinh uống.
Lâu nay, cây hải đường thường được nhiều gia đình trồng nhiều ở vườn nhà, trong chậu cảnh. Theo các chuyên gia nông nghiệp, hải đường có nhiều màu hoa như: Hải đường đỏ, hải đường trắng (bạch hải đường) hay hải đường vàng. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, những chậu hoa hải đường thường được rao bán chỉ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng.
Thế nhưng, bất ngờ ở thời điểm “tháng ba ngày tám”, bạch hải đường bỗng lên “cơn sốt”. Một tài khoản mạng xã hội giới thiệu: “Em ở Tam Nông (Phú Thọ) muốn bán một cây bạch hải đường nguyên bản giá 500 triệu đồng, chiều cao khoảng 1,5 m. Nói “không” với cây chiết, cắm nụ, hoa”. Tương tự, một chủ tài khoản khác ở Vĩnh Phúc rao bán cây bạch hải đường (thoát thân 80 cm, cao 3 m, tán rộng 1,5 m) với giá 1,2 tỷ đồng…
2. Trước “sức hút” của bạch hải đường có thể khiến nhiều người mắc bẫy trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cảnh báo đây là một cơn “sốt giá ảo”, chẳng khác cơn sốt “lan đột biến” cách đây ít lâu là mấy. PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, bạch hải đường là loại cây tự nhiên rất dễ trồng, có thể gieo hạt và giâm cành, không hề có điểm gì đặc biệt. Trước đây, loại cây này giá chỉ vài chục nghìn đến vài triệu đồng nhưng cũng hiếm khách mua.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam cũng cho rằng, cây bạch hải đường có thể nhân giống nên không có gì là “quý hiếm, đắt đỏ” với mức giá trên trời như quảng cáo. Không loại trừ đây là chiêu trò của một nhóm người nhằm “thổi giá” để bán cây với giá cao.
“Bài học lan đột biến đã có rồi, mọi người cần cảnh giác, thận trọng. Đừng để khi cơn “sốt” đi qua thì ôm trái đắng. Tôi nghĩ, giờ thông tin rất nhiều, cần tìm hiểu và có kiến thức khi xuống tiền đầu tư”, ông Vạn nói.
Về thông tin cho rằng, bạch hải đường được dùng làm thuốc chữa bệnh đau thấp khớp và đun nước cho phụ nữ sau sinh uống, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nêu rõ, ông không thấy có tài liệu nào của Đông y và Nam y nói về việc sử dụng cây hoa hải đường trắng làm thuốc hay vị thuốc như “quảng cáo”.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơn sốt bạch hải đường xuất phát từ việc trước đây giới chơi cây cảnh không chú ý nên cây này hiếm, ít xuất hiện trên thị trường. Lợi dụng tâm lý này, một số người tạo cơn sốt, đẩy giá cây lên để trục lợi.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, bạch hải đường là loại cây cảnh rất bình thường, không có gì đột biến hay quá quý hiếm. Theo ông Cường, trước phong trào người người, nhà nhà chơi bạch hải đường, người dân phải hết sức cảnh giác, không nên lao theo vì rất có thể là một chiêu trò thổi giá.
“Bài học về lan đột biến vẫn còn đó mà nhiều người vẫn mắc bệnh hay quên”, ông Cường lưu ý, đồng thời khuyến cáo, trước khi đầu tư vào bất kỳ cây trồng gì, người dân cần nghiên cứu tìm hiểu thật kỹ, không thể chạy theo số đông, càng không nên lao theo những cơn sốt ảo trên mạng xã hội để tránh tiền mất tật mang như đã từng xảy ra với lan đột biến