Lớp 3A Chùa Lở

Ngôi chùa làng Lở, thôn Duyên, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, mái ngói rêu phong cổ kính gần 200 năm tuổi. Đây là nơi lớp 3A cô giáo chủ nhiệm Hà Thị Nghiên (cô giáo người làng) cùng đàn em nhỏ hằng ngày tung tăng cắp sách đến học tập, nương nhờ nơi cửa Phật

dt1-lien-1731336372.jpg

Ngôi Chùa làng chúng tôi học nguyên mẫu. Ảnh do tác giả cung cấp.

- Cô giáo dặn dò : Chùa làng là chốn tôn nghiêm, các em không được chạm tay vào tượng Phật, không được nô đùa dưới ban các ngài thượng tọa.

- Cả lớp đồng thanh : Vâng ạ !

Trước cửa lớp học là ao Chùa, vừa to, vừa sâu,

Có mấy khóm hoa sen, hoa súng thơm mát, chú chim bói cá hàng ngày bay tới kiếm mồi. Mấy cây nhãn cổ còng lưng soi bóng mặt nước.

Trong tay chiếc cuốc, cô giáo xắn cao quần, lội xuống các bậc cầu ao xây bằng gạch, đầy rêu bám sau ba tháng hè, cô cạo rửa sạch sẽ lớp rong rêu vì sự an toàn cho các em, xuống rửa chân tay, ngày nắng cũng như ngày mưa, không bị trượt chân ngã xuống ao Chùa, cô cũng hay để mắt ra cầu ao, mỗi khi có học trò xuống rửa đề phòng đuối nước.

Đã hết giờ toán sang giờ chính tả, cô phát hiện thiếu hai em Nhàn và Phương . Cô vội vàng chạy ra cầu ao không thấy hiện tượng ao bị sủi bọt , ( hiện tượng có người đuối nước ) không biết hai trò đi đâu.

Cô gọi to ... Nhàn ơi ... Phương ơi ...về vào lớp học bài, cả lớp đang chờ hai em. may quá hai trò đang ù té chạy về lớp học,

Cô nghiêm giọng hỏi: hai em trốn học đi đâu bây giờ mới về lớp và tự nhận hình phạt gì?

Trò Nhàn đứng nghiêm dõng dạc, em thưa cô! từ sáng đến giờ em chưa được ăn gì vào bụng, đói quá, em nhớ ra nhà bạn Phương có cây ổi chín, em mới rủ bạn ấy về trẩy ổi ăn cho đỡ đói rồi lại vào lớp học bài cô ạ ,

Trò Phương ấp úng, em cũng đói, nên mới về trẩy ổi ăn cùng bạn Nhàn ... cô ... cô tha lỗi cho chúng em ạ .

Cô khẽ nói, hai em vào lớp, rồi nén lau đi giọt nước mắt thương cảm trò nhịn đói đi học.

Đang giờ ra chơi, chợt tiếng khóc thét của bạn Chức bị ong vàng đốt, tay ôm mặt chạy vào lớp.

Cô ơi ... đau quá ... đau quá ... cô vội vàng xuống cụ Sư trụ Trì (Cụ Thuận ) xin tý vôi tôi ăn trầu, để bôi chỗ mấy nốt ong đốt lệch cả mặt, mặc cho bạn đang đau buốt đến tận óc, lũ trò nhỏ vòng trong vòng ngoài gào lên !

" Muốn béo thì ghẹo ông vàng,

Muốn chết bỏ làng thì ghẹo ong đen "

Xong giờ chính tả, trước lúc tan học, cô dặn các em chiều về giúp đỡ gia đình, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, theo năm điều Bác dạy, tắm rửa thay áo quần sạch xẽ, tối đến học và làm bài về nhà đầy đủ, sáng hôm sau nhớ ăn củ khoai, bắp ngô, bát cơm rang, rồi đi học cho đúng giờ.

Vâng ạ... chúng em chào cô ạ...

Cả lớp túa ra phía cổng Chùa, có bác bán hàng kẹo kéo đã chờ sẵn,

Tóc rối đổi kẹo đê...

Hai xu que ngắn

Năm xu que dài

Kẹo kéo vừa ngọt vừa ngon đê...

Lớp trưởng: tên Họa xướng lên ... một ... hai ...ba

Kẹo kéo có lẫn cứt ruồi,

Ăn vào đau bụng, té re có ngày.

Bác hàng kẹo kéo cũng đến lắc đầu: chào thua.

Về đến quán cắt tóc ... hai ... ba... xướng lĩnh,

Trâm Yêm, cắt tóc đau đầu,

Cái kéo thì nhụt, tông đơ thì cùn

Sước tý da, đền ba đồng sáu

Chảy tý máu, đền sáu đồng tư.

Rồi cả lũ co cẳng chạy sợ ông mắng

Ông Trâm Yêm nghe nhiều lần rác tai, cũng chẳng còn quát tháo, xem con nhà nào trêu ông!

Ve vẻ vè ve

Cái vè lười nhác

Học thì đã dốt

Cứ đòi lên lớp.

Điệp khúc bài vè lại vang lên trên đường làng của lứa tuổi " nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" .

Thấm thoát đã 58 năm đi qua, nhớ về một thủa lớp 3A Chùa Lở.

Nhân dịp ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, kính chúc cô giáo Hà Thị Nghiên của chúng tôi, luôn mạnh khỏe tuổi lão thọ 90, hạnh phúc bên con, cháu, chắt,và đại thượng thọ dư 100 tuổi ạ .

Chúc các bạn U70, trên mọi miền đất nước, mạnh khỏe hạnh phúc bên gia đình, dù có đi đâu về đâu luôn nhớ về quê hương, nhớ về bạn bè, nhớ về thày cô dạy chúng ta "Tiên học lễ, hậu học văn " tuổi thần tiên cắp sách đến trường đeo khăn quàng đỏ.

Nén tâm hương tưởng nhớ 3 bạn, lớp 3A Chùa Lở. đã anh dũng hy sinh, thời kỳ chống Mỹ cứu nước !

- Hà Viết Lượng

- Nguyễn Đức Vui

- Nguyễn Xuân Chức !

Các bạn sống mãi tuổi 20 cho quê hương đất nước , non sông liền một dải, Bắc Nam một nhà.

PTL